> Già, nghèo, yếu và ế
> Năm 2020, hàng triệu thanh niên Việt Nam có thể ế vợ
Mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở TPHCM chỉ sinh 1,45 con. Theo các chuyên gia, xu hướng sinh một con của các gia đình trẻ ở thành phố hiện nay đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiếu nhân lực lao động về sau và nâng cao tỷ lệ già hóa dân số trong tương lai.
Anh Trần Văn G., 36 tuổi, giám đốc một công ty đóng tàu tại quận 4, TPHCM cho biết, sau khi sinh đứa con đầu lòng xong, cả hai vợ chồng đều đồng thuận không sinh thêm con nữa, để tập trung lo cho cuộc sống tương lai.
Vợ anh G. đang ở tuổi 27- tuổi sinh đẻ, nhưng theo anh, khi sự nghiệp chưa thực vững vàng, việc sinh thêm con sẽ vướng bịu thời gian “Chúng tôi muốn dồn sức cho công việc để sung túc cho cuộc sống về sau, hơn nữa dành thời gian chăm sóc cho cậu con trai tốt hơn”- anh G. chia sẻ.
Tổng thu nhập của hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Diệu (26 tuổi), quận Tân Phú hơn 10 triệu đồng/tháng khiến đôi vợ chồng trẻ này không dám sinh thêm con.
“Chồng tôi là đích tôn trong nhà nhưng sau khi có được cô con gái, chúng tôi quyết định không sinh nữa, tôi đã triệt sản”- chị Diệu thừa nhận. Lý do mà người phụ nữ trong độ tuổi sinh nở này không muốn có thêm con là cuộc sống vất vả, muốn làm tích cóp để có tiền mua được ngôi nhà.
Khác với mọi người, anh Trần V. L. giám đốc một thẩm mỹ viện lớn ở quận 3, TPHCM cho biết, không muốn sinh thêm con vì để có thời gian tận hưởng cuộc sống. Có hai căn biệt thự, xe hơi sang nhưng sau khi sinh được cậu con trai nay đã 6 tuổi, anh L. và vợ quyết định ngưng.
“Có con vướng bận đủ đường, mình dồn sức chăm sóc một đứa cho tốt là đủ rồi”- anh L. thổ lộ. “Xu hướng sinh một con đang trở thành mốt hiện nay ở giới trẻ thành phố”- bà Tô Thị Kim Hoa- Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, phụ trách về dân số cho biết.
Theo bà, trước mắt việc sinh con một sẽ góp phần đẩy nhanh công tác giảm tỷ lệ sinh, mang đến nhiều lợi ích cho từng gia đình và sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, kèm theo nó là vô số hệ lụy về sau. “Đó là sự thiếu hụt nguồn lao động, nâng cao tỷ lệ già hóa dân số”, bà Hoa nói.
Tăng xu hướng sinh ít con, lựa chọn giới tính khi sinh
Ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) thừa nhận, sinh một con đã trở thành một hiện tượng đang có chiều hướng gia tăng tại một số thành phố. Sinh con ở thành phố, người phụ nữ phải đối mặt với rất nhiều nỗi lo: con nhỏ ốm đau, đi học, việc nhà, việc chăm sóc con và công việc tại cơ quan. Điều này khiến họ lúc nào cũng trong tình trạng lo lắng, căng thẳng và chịu nhiều áp lực.
Tỷ suất sinh toàn quốc là 2,03, trong đó thành thị là 1,8, còn nông thôn là 2,15. Năm 2010, số trẻ em sinh ra ước khoảng 1,24 triệu cháu, giảm 4% so với cùng kỳ 2009. Có 40/63 tỉnh thành phố có trẻ em sinh ra giảm, trong đó Đông Nam bộ và ĐBSCL là hai vùng có tỷ suất sinh thấp nhất ở Việt Nam, một số địa phương như Long An trung bình một bà mẹ có 1,6 con; Bạc Liêu, Cà Mau một bà mẹ trung bình có 1,75 con. Còn lại 23 tỉnh có trẻ em mới sinh đã tăng như Lai Châu, Điện Biên, Gia Lai, Hà Giang… với mỗi bà mẹ có trung bình 3 con.
Theo ông Trọng từ nhiều năm nay, Quốc hội thường giao chỉ tiêu cho Tổng cục Dân số là phải giảm sinh. Tuy nhiên, hiện nay một số địa phương có tỷ số sinh quá thấp, thì nhiệm vụ của công tác dân số sẽ khó khăn hơn. Cụ thể, không chỉ đảm bảo giảm sinh mà còn tiếp tục theo đuổi mục tiêu tăng tỷ lệ sinh ở mỗi vùng, mỗi tỉnh khác nhau. Thậm chí có khi 5-10 năm nữa ở một số địa phương còn phải khuyến khích sinh.
Điều này đặc biệt được nhấn mạnh tại các thành phố lớn, nhất là những đối tượng có tri thức, sẽ tạo ra thế hệ tương lai phát triển hơn. Giảm tỷ lệ sinh ở vùng nông thôn, vùng nghèo, vùng dân trí thấp và tăng tỷ lệ sinh với đối tượng dân trí cao là nhiệm vụ của ngành dân số trong giai đoạn hiện nay.
Việc giảm sinh cùng với nhu cầu có con trai nối dõi tông đường khiến Việt Nam đang là quốc gia có tốc độ mất cân bằng giới tính khi sinh nhanh nhất thế giới. Do các chính sách giảm sinh và kiểm soát sinh đẻ khiến nhiều người càng mong muốn có quy mô gia đình nhỏ nhưng phải có con trai. Tiếp đó, sự phát triển của siêu âm và các công nghệ giúp chẩn đoán giới tính giúp họ có cơ hội tiếp cận dễ dàng nhằm thỏa mãn mong muốn có con trai của mình.
Mất cân bằng giới tính khi sinh đang là một thách thức Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Chưa giàu đã già - Thách thức của già hóa dân số
Bên cạnh những cơ hội của thời kỳ cơ cấu dân số vàng, các chuyên gia dân số quốc tế cũng khuyến cáo Việt Nam cần chuẩn bị tốt cho vấn đề già hóa dân số. Đáng chú ý trong khi các nước trên thế giới cần một thời gian rất dài để chuyển từ dân số vàng sang dân số già (Pháp cần 115 năm, Thụy Điển mất 70 năm…) thì Việt Nam hiện đang có tốc độ già hóa dân số nhanh hơn bất cứ một quốc gia nào trên thế giới.
Các nhà khoa học nhận định rằng Việt Nam sẽ cần khoảng 25-30 năm để chuyển từ dân số vàng sang già hóa dân số, song với tốc độ gia tăng già hóa dân số là 0,4%/năm như hiện nay, khả năng Việt Nam chỉ mất khoảng 15 năm để bước vào thời kỳ già hóa dân số.
Ông Trọng nhận định, quá trình già hóa dân số của Việt Nam đến sớm hơn dự kiến và là một trong số ít nước trên thế giới dân số già khi chưa giàu, chưa tích lũy được gì thì đã già. Điều này sẽ đem đến những thách thức cho hệ thống an sinh xã hội đặc biệt là khi xu thế người già sống cô đơn hoặc không sống cùng với con cái đang ngày càng gia tăng.
Ông Tạ Quang Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội cho biết, người cao tuổi ở Hà Nội có một số đặc điểm riêng so với người cao tuổi cả nước như có trình độ học vấn cao, nhiều người đã tham gia các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước và thành phố. Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng người cao tuổi Hà Nội vẫn tiếp tục tham gia các hoạt động xã hội, vẫn có những đóng góp nhất định cho xã hội.
Tuy nhiên, còn một tỷ lệ rất lớn người cao tuổi ở Hà Nội hiện vẫn đang phải lao động kiếm sống (chiếm khoảng 25%) và hơn 40% số người cao tuổi còn lại cho rằng thu nhập hiện nay của họ để đáp ứng cuộc sống tối thiểu là rất khó khăn.
Người cao tuổi Việt Nam hiện đang mang gánh nặng bệnh tật kép. Đó là xu hướng bệnh chuyển từ lây nhiễm sang không lây nhiễm và các bệnh mãn tính, đồng thời các bệnh mới đang xuất hiện cùng với sự thay đổi trong cách sống đang ngày càng trở nên phổ biến như bệnh ung thư, căng thẳng và trầm cảm về tâm thần.
Những thay đổi này đòi hỏi nhiều chi phí chăm sóc y tế hơn, đồng thời cũng có nghĩa là rủi ro dẫn tới khuyết tật cho người cao tuổi sẽ cao hơn. Hậu quả là, chi phí chữa bệnh cho một người cao tuổi gấp 7-8 lần so với chi phí chữa bệnh cho một trẻ em.
Ông Bruce Cambell, Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) tại Việt Nam nhận định già hoá dân số cũng không phải là một gánh nặng, tuy nhiên, nó sẽ làm cho gánh nặng kinh tế xã hội trở nên nghiêm trọng hơn nếu không có những bước chuẩn bị và thực hiện các chiến lược, chính sách thích ứng. Đã đến lúc các ngành chức năng phải coi già hóa dân số là vấn đề kinh tế xã hội và y tế, chỉ có vậy mới có thể giải quyết thách thức và nâng cao chất lượng cuộc sống tinh thần và vật chất cho người cao tuổi.
Xu hướng sinh một con tăng hiện nay, theo các chuyên gia dân số chủ yếu là do sức ép kinh tế đè nặng lên các cặp vợ chồng trong việc nuôi dạy con cái. Đó là chưa kể, xu hướng thích sống độc thân cũng đang hiện hữu. Điều này kéo dài sẽ dẫn đến suy giảm lực lượng lao động, ảnh hưởng mức tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế. |