> Thầy giáo Việt Nam được Microsoft vinh danh
Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích về phương pháp sản xuất bột giấy từ rơm rạ và sản phẩm giấy mới qua các công đoạn thủ công của ông Thanh. |
Ông Nguyễn Phúc Thanh (77 tuổi) hiện sống cùng vợ là Huỳnh Thị Tuyết Hồng và con gái út ở số 9, ngách 46, ngõ 353, đường An Dương Vương, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Trước khi biến rơm thành giấy, ông Thanh từng thành công trong việc chế biến bèo tây thành giấy, sản xuất bê tông nhẹ từ xơ thực vật, hay chế tạo vật liệu nhẹ làm vách ngăn, tấm trần nhà từ các loại rác thải, mùn cưa…
Năm 2006, ông Thanh nghiên cứu thành công phương pháp sản xuất bột giấy từ rơm rạ. Sau ba năm liền gửi đơn xin chứng nhận bằng độc quyền sáng chế, đến tháng 6 – 2009, ông được cấp Bằng độc quyền “Giải pháp hữu ích”: Phương pháp sản xuất bột giấy từ rơm rạ của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.
Ông Thanh chia sẻ về các công đoạn sản xuất bột giấy. |
Giải pháp của ông đề cập đến phương pháp sản xuất bột giấy từ rơm rạ trong điều kiện môi trường thông thường, không yêu cầu nhiệt độ và áp suất cao, tiêu tốn ít năng lượng và hóa chất. Chất thải từ quy trình sản xuất thân thiện với môi trường. Quy trình và thiết bị dùng để sản xuất đơn giản, dễ thực hiện. Hóa chất được sử dụng thông dụng, rẻ, không độc hại như NaOH, HCL, Ca(OH)2, H2O2.
Theo phân tích của ông Thanh, hiện nay, bột giấy được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu truyền thống là gỗ lá kim, gỗ lá rộng và một phần nhỏ từ tre nứa. Phải mất nhiều thời gian để cây gỗ phát triển mới có thể sử dụng để chế biến làm bột giấy.
Trong khi đó, Việt Nam là nước nông nghiệp, nhiều rơm rạ sau mỗi mùa vụ. Do đó, công nghệ sản xuất bột giấy từ rơm rạ sẽ tạo ra nguồn nguyên liệu mới cho ngành công nghiệp sản xuất giấy.
Quy trình biến rơm rạ thành giấy: Đầu tiên, ngâm rơm rạ trong dung dịch tẩy trắng. Sau đó đưa vào máy nghiền xay vụn. Trộn dung dịch tẩy trắng lần hai và ngâm trong hai tiếng để được lớp chất kết dính trắng mịn. Lọc bỏ nước để lấy bột giấy. Cuối cùng là quét bột giấy lên khung rồi đem ra phơi nắng. Sau ba tiếng đồng hồ với tiết trời nắng bình thường có được tờ giấy trắng. Tuy nhiên, các công đoạn này toàn làm thủ công nên giấy chưa được mịn. Nếu làm bằng máy móc hiện đại thì giấy sẽ trắng mịn như các loại giấy bình thường ngày nay. |
Hai phương pháp chủ yếu để làm trắng bột giấy là sử dụng hóa chất cùng enzyme và vi khuẩn. Phương pháp sử dụng enzyme và vi khuẩn đòi hỏi phải áp dụng công nghệ cao, thời gian thực hiện tương đối kéo dài nên trên thực tế ít được áp dụng.
Còn phương pháp sử dụng hóa chất (chủ yếu là các bazơ và muối của các kim loại kiềm thổ) đang được áp dụng thì đều yêu cầu bước xử lý vật liệu ở điều kiện nhiệt độ và áp suất cao nên tiêu tốn nhiều năng lượng và sinh ra khí thải dioxitcacbon (CO2); lượng hóa chất cần sử dụng lại lớn dẫn đến giá thành sản phẩm cao.
Ngoài ra, chất thải từ quá trình sản xuất theo phương pháp này chứa các chất độc hại có thể làm ô nhiễm môi trường một cách nặng nề dẫn đến tôm, cá, bèo, cỏ… bị chết nên cần phải có thêm công đoạn xử lý nước thải. Tuy nhiên, công nghệ xử lý nước thải từ các quá trình sản xuất giấy hiện tại rất phức tạp và tốn kém.
Phương pháp sản xuất bột giấy từ rơm rạ của ông Thanh rất đơn giản, dễ thực hiện, không đòi hỏi phải có công đoạn xử lý nguyên liệu ở điều kiện nhiệt độ và áp suất cao, lượng hóa chất tiêu thụ không đáng kể, lại thông dụng, dễ kiếm, rẻ và không độc hại.
Ngoài ra, trong quá trình sản xuất không sinh ra khí CO2 do không có quá trình nấu. Nước thải ra sau từng công đoạn đều được đưa vào bể lắng, xử lý loại bỏ mùn và tuần hoàn tái sử dụng. Nếu còn dư thừa, nước này sẽ được chuyển ra hồ sinh thái.
Loại nước này có độ pH từ 6,8 đến 7,2 - đạt tiêu chuẩn nước mặt ở giá trị giới hạn A-TCVN 5942 -1995 theo bảng giá trị cho phép của các thông số và nồng độ các ô nhiễm trong nước mặt.
Ông Nguyễn Phúc Thanh với sản phẩm màng mỏng làm từ xơ thực vật có thể làm túi ni lông thân thiện với môi trường. |
Ấp ủ nhiều dự định
Vốn là người thích sáng chế, vận dụng những kiến thức được học trước đây về Toán - Hóa – Sinh ở ĐH Y Hà Nội, ông đã chế tạo ra nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường.
Chẳng hạn, với sản phẩm bê tông nhẹ được làm từ xi măng trắng và vỏ trấu, xơ sợi thực vật, ông từng xây được một phòng khách cho một người bạn. Đến nay, chất lượng vẫn tốt và đảm bảo an toàn, không hề có hiện tượng lún, nứt.
Tuy nhiên, những sáng chế của ông như sản xuất bột giấy từ bèo tây, tận dụng các loại rác thải hữu cơ, phế phẩm làm gỗ ép, thoi dệt,…vẫn chưa nhận được sự quan tâm và đầu tư để phát huy nguồn nguyên liệu dồi dào này.
Trước đây, ông từng hợp tác với một vài người bạn định thuê đất mở xưởng chế tạo giấy từ rơm rạ nhưng do vướng mắc nhiều thủ tục nên rốt cuộc vẫn chưa thực hiện được.
Do không có điều kiện về tài chính nên hầu hết các sáng chế của ông đến nay vẫn chưa được phát huy hiệu quả.
Ông Thanh vẫn còn nhiều dự định như thiết kế máy tận dụng năng lượng gió để chạy tuabin; dự án công nghệ xử lý rác thải đô thị triệt để từ các thành phần hữu cơ và vật liệu xây dựng có độ bền cao; hay tận dụng lại được ít nhất 30% nguồn nước xả ra từ việc chạy tuabin ở các công trình thủy điện.
Nếu nhận được sự quan tâm và đầu tư đúng mức, ông chắc chắn những sáng chế của mình sẽ thành công và đem lại hiệu quả lớn.