Tiếng kêu cứu từ di sản – kỳ cuối:
Biết, nhưng không làm gì được
> Thịt khỉ rẻ hơn thịt lợn
> Tiếng kêu cứu từ di sản
Bí thư Đảng ủy xã: “Làm căng thì… tội dân”
Chúng tôi tìm đến UBND xã Phúc Trạch, phòng hội trường chật kín người, thậm chí còn ngồi tràn ra ngoài hành lang. Nghe đâu là xã tổ chức học nghị quyết. Thấy người lạ, một người đàn ông chừng 50 tuổi ngồi ở hành lang chủ động bắt chuyện. Ông này tự giới thiệu mình là một doanh nhân trong xã, ngành nghề kinh doanh chủ yếu là xăng dầu. Chúng tôi nói là đi xin mỏ đá để khai thác. Ông này xua tay, khẳng định là không ai có thể xin được mỏ đá một cách đường đường, chính chính ở đây.
“Ở đây có ăn gan cóc tía cũng không ai dám cấp mỏ đá cho các anh. Vùng di sản mà, chỉ có mỏ lậu thôi! Các anh vào vùng Hà Lốt mà xem, người ta khai thác tràn lan nhưng chẳng ai có giấy tờ cấp mỏ đâu. Muốn làm được điều này thì phải gặp ông (…). Chỉ ông này gật là được, không gật thì đừng có bén mảng tới” - ông này ghé tai PV mách nước.
Buổi họp kết thúc muộn, ông Trương Văn Hiền, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Trạch miễn cưỡng tiếp nhà báo. Không hề quanh co, giấu giếm thực trạng khai thác đá ở Hà Lốt, thậm chí ông Hiền còn tường tận đến từng chi tiết diễn ra ở các mỏ đá. Ông Hiền liệt kê tên của hàng loạt chủ mỏ và nạn nhân trong các vụ tai nạn ở mỏ đá. Theo ông Hiền, nạn khai thác đá ở Hà Lốt diễn ra cách đây 10 năm. Trước có mấy Cty được cấp mỏ hẳn hoi và một số người dân “ăn theo” nhưng họ làm phía gần dường Hồ Chí Minh. Bị dư luận phản ứng mạnh, thời đó UBND huyện Bố Trạch đã đình chỉ và có kỷ luật một số cán bộ xã. Chiếc biển cấm khai thác và vận chuyển đá nằm ngay đầu đường vào Hà Lốt chính là sản phẩm ngay sau cuộc truy quét. Một thời gian sau, khi tình hình lắng xuống, người dân lại lén lút khai thác trộm và ngày càng có nhiều người dân tham gia…
Nói về sự biết mà không làm gì, ông Hiền nói do đời sống người dân quá khó khăn, không có nghề nghiệp để ổn định nên họ đã làm liều. Chính quyền không dám làm cương quyết, vì sợ ảnh hưởng đến đời sống của dân. “Nói thật với mấy chú, chúng tôi biết sai đó nhưng làm căng thì tội dân” - ông Hiền nói. Nói vậy, nhưng ngay sau đó ông Hiền lại đề nghị PV đừng viết và hứa ngay ngày mai sẽ “làm căng”, đình chỉ toàn bộ hoạt động của các mỏ đá.
Vườn chúng tôi… vô can
Ông Nguyễn Văn Huyên, Phó giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cũng cho biết, ông biết rất rõ những thực trạng xâm phạm di sản trên, nhưng do cơ chế quy định nên Vườn… vô can. Theo ông Huyên, muốn bảo vệ tốt vùng lõi thì trước tiên phải bảo vệ được vùng đệm, nạn khai thác đá tràn lan ở vùng Hà Lốt đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính toàn vẹn và cảnh quan của di sản Phong Nha - Kẻ Bàng. Nhưng ông Huyên kêu khó vì các quy định hiện hành không cho phép Vườn “đụng tay, đụng chân” vào những việc xảy ra ở vùng đệm.
Nhiều nhà hàng nằm dọc đường Hồ Chí Minh đoạn qua Phong Nha đều treo biển có đặc sản rừng. |
Ông Huyên luôn khẳng định, trách nhiệm của Vườn chỉ bảo vệ vùng lõi, còn vùng đệm thuộc chính quyền các địa phương. Cũng theo ông này, Nghị định 117 của Chính phủ mới ra cũng chỉ thấy nói đến việc Vườn phối hợp với chính quyền địa phương trong bảo vệ vùng đệm nhưng chưa có thông tư hướng dẫn, nên Vườn không thể thực hiện. “Nói thật, ngày xưa chẳng qua “thấy nóng tay thì bạt tai” (ý nói vườn đã từng can thiệp vào các việc xảy ra ở vùng đệm) thôi, chứ bữa nay là không được đâu. Quy định như thế, bây giờ làm chi được họ? Chúng tôi mà đưa quân vào đó họ ném đá vỡ đầu ai chịu trách nhiệm?” - ông Huyên nói.
Liên quan đến các nhà hàng đặc sản rừng vây quanh di sản, ông Huyên tiếp tục đổ hết trách nhiệm cho chính quyền địa phương. Cũng vì “quy định” nên lực lượng của vườn không thể can thiệp. Việc các nhà hàng trong vùng có bán đặc sản rừng hay không, thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng khác. Lực lượng kiểm lâm của vườn quốc gia có muốn cấm hay bắt bớ cũng không được.
Nói về nguồn hàng cung cấp cho các nhà hàng đặc sản rừng, ông Huyên cho rằng không thể khẳng định là những thú rừng đó họ lấy từ Phong Nha - Kẻ Bàng hay nơi khác về, vì chưa có ai điều tra để mà biết. Tuy nhiên, ông Huyên thừa nhận số lượng thú rừng, đặc biệt là khỉ ở rừng Phong Nha - Kẻ Bàng bị giảm sút một cách nghiêm trọng. “Ngày xưa ở đây được mệnh danh là vương quốc của linh trưởng. Khỉ vượn về ở mấy hòn lèn xung quanh đây thường xuyên, nhảy xuống bẻ bắp, bẻ ngô. Dân đi bắt, họ gánh về từng đoàn, nhập cho đầu nậu chở mỗi lần cả xe ô tô. Giờ thì khỉ vượn bị đẩy đuổi đi hết, vào trong sâu hết rồi” - ông Huyên nói.
Về thực trạng thịt khỉ ở vùng Phong Nha - Kẻ Bàng rẻ hơn thịt lợn, ông Huyên nói mình không được biết. Song khi PV ngỏ ý muốn mời đi ăn thịt khỉ, ông Phó giám đốc Vườn đồng ý ngay. “Chú mời thì anh đi ăn, chả ảnh hưởng chi!” - ông Huyên nói.
Sau 1 ngày làm việc với PV, chính quyền xã Phúc Trạch đã lập biên bản đình chỉ các mỏ đá. Tuy nhiên, nhiều người dân ở đây cho rằng, chẳng qua họ làm thế là để xoa dịu tình hình và tránh trách nhiệm. Trên thực tế đã có những cuộc đẩy đuổi dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo huyện nhưng sau đó mọi việc đâu lại vào đấy. |