> Cướp nghêu hoành hành Đất Mũi
> 2.000 người tham gia cướp nghêu
Hợp tác xã của đại gia
Sáng sớm 13-9, hàng trăm người thuộc lực lượng công an, quân đội, thanh tra giao thông, bảo vệ nguồn lợi thủy sản… xuống ca-nô, chặn các cửa sông kiểm tra, kiểm soát không cho người cào bãi nghêu. Người đi cào nghêu, người mua nghêu canh cánh nỗi lo bị bắt giữ phương tiện, tịch thu sản phẩm, phạt hành chính.
Ông Lý Hoàng Tiến, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Đất Mũi cho biết: “Vào cao điểm, có gần chục ngàn người cào nghêu, lấn vào diện tích nuôi nghêu các HTX, gây mất trật tự, phức tạp, vượt quá khả năng quản lý địa phương”.
Hiện nay, xã Đất Mũi có 16 HTX và ban quản lý vùng nuôi nghêu được giao 431ha trong số hơn 1.000 ha mặt nước. Thực ra, khi nước ròng, diện tích bãi nghêu Đất Mũi rộng gấp đôi. Bãi nghêu Đất Mũi luôn xuất hiện những bất ổn, phức tạp và căng thẳng mỗi mùa nghêu giống.
UBND xã Đất Mũi thống kê, cuối tháng 8 đến nay, lực lượng tuần tra, kiểm soát, phát hiện 46 người vi phạm mua bán nghêu giống, tạm giữ hàng chục vỏ máy, tịch thu 1.739 kg nghêu giống có tạp chất để thả về bãi Khai Long.
Bãi nghêu Đất Mũi không ít lần thành lập Ban quản lý vẫn “bình mới, rượu cũ”. Trước đây, huyện Ngọc Hiển giao diện tích cho 22 đơn vị của tỉnh Cà Mau, xã Đất Mũi được phần lớn diện tích bãi biển nhưng không nuôi nghêu, chủ yếu khai thác nghêu giống. Nay, xã Đất Mũi thành lập 16 HTX và Ban quản lý vùng nghêu trên diện tích 431 ha để nuôi nghêu.
Ông Châu Công Bằng, Phó GĐ Sở NN- PTNT Cà Mau nói: “UBND xã Đất Mũi báo cáo, ban đầu thành lập 16 HTX có 1.667 xã viên, có 90% là hộ nghèo. Nhưng vào hoạt động đến nay, bà con không góp vốn, còn hơn 600 xã viên, hộ nghèo 32%. Thiếu vốn, các HTX kêu gọi đối tác đầu tư nên HTX có nhiều người giàu có hùn vốn. Nhưng hoạt động tài chính, chia lợi nhuận không minh bạch làm cho xã viên phản ứng”.
Xã Đất Mũi (Ngọc Hiển) có khoảng 3.700 hộ dân, gần 17.000 người sinh sống dựa vào khai thác nguồn lợi của rừng, của biển. Ấp Kinh Đào Tây có 207 hộ thì 100% hộ không đất, sống dựa vào khai thác thủy sản ven bờ, vào rừng mò cua bắt ốc. Trong đó, 50% hộ khai thác bãi Khai Long, Đất Mũi.
Trong khi đó, ông Lê Thanh Liêm, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đất Mũi, nay làm doanh nghiệp, góp 406 triệu đồng vào HTX Kinh Đào Tây. Ông Phan Ngọc Thọ, ở ấp Rạch Vàm, xã Đất Mũi, mua bán hải sản- tạp hóa góp 105 triệu đồng. Ông Nguyễn Ngọc Sương, doanh nghiệp sản xuất nước đá ở Đất Mũi góp 100 triệu đồng. Ông Phan Hữu Lộc góp 217 triệu đồng…Bốn xã viên này có vốn chiếm hơn 80% tổng vốn HTX.
Tương tự, HTX Rạch Tàu có 62 xã viên, tuy nhiên, chủ nhiệm HTX, ông Mã Công Toại xác nhận: “Dân nghèo không chịu vô, Nhà nước kêu gọi đầu tư nên mấy anh em tôi đã ra vốn góp vào HTX. Tổng vốn của HTX chúng tôi đến nay là 2,1 tỷ đồng, trong đó, phần lớn là của các anh em chúng tôi”.
Ông Lê Văn Sử, Bí thư huyện ủy Ngọc Hiển, giải thích: “Chúng tôi rất nỗ lực kêu gọi người dân tham gia vô HTX. Thậm chí, với những hộ nghèo, cận nghèo, chúng tôi còn hỗ trợ vay ngân hàng để họ góp vào, làm xã viên. Nhưng bà con không vô, địa phương mới xin chủ trương kêu gọi những người có vốn tham gia”.
Cộng đồng quản lý, khai thác nghêu giống
Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Vườn quốc gia Mũi Cà Mau nói: “Chúng tôi đang thực hiện phương án quản lý bảo vệ, khai thác và ương nuôi một vài loài thủy sản bền vững tại Khu bảo tồn biển Vườn quốc gia Mũi Cà Mau. Trong đó, con nghêu giống đặc biệt chú ý, đã triển khai đến chính quyền các xã. Sau đó, sẽ triển khai đến dân để thực hiện. Người dân sẽ được hưởng lợi từ bãi nghêu giống nhưng khai thác có tổ chức, bảo vệ môi trường, lợi ích được công khai, công bằng hưởng lợi”.
Một nghịch lý khác đang tồn tại ở bãi nghêu Đất Mũi là chi phí cho cán bộ tỉnh, huyện và xã Đất Mũi giữ bãi nghêu rất tốn kém. Việc khai thác nghêu giống cứ diễn ra, giá nghêu giống không thể tính toán được vì không quản lý. Trong khi đó, việc mua bán diễn ra âm thầm, ngân sách không thu được đồng nào từ tài nguyên nghêu giống. Nghêu giống xuất đi bán, rồi lại mua giống nơi khác về nuôi.
Nhiều người dân ở vùng Mũi Cà Mau cho biết, nghêu giống xuất hiện dạng cám, nếu không khai thác sẽ chết, bỏ phí nguồn tài nguyên quý. Ông Châu Công Bằng thừa nhận: “Người dân khai thác nghêu giống hàng năm cũng thu nhập hàng trăm tỷ đồng. Nếu khai thác có tổ chức, được ương nuôi, xuất bán cho các vùng nuôi nghêu thì giá trị còn lớn hơn”.
“Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau chủ trương quản lý, bảo vệ, khai thác nghêu. Trong đó, đặc biệt chú ý đến quyền lợi người dân Đất Mũi, hộ nghèo không đất, đồng bào dân tộc…”. Ông Dương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Cà Mau |