> Dân thiếu ăn vì thủy điện sông Ba Hạ
> Năng lượng & môi trường
Thủy điện đè thủy điện
Chưa bao giờ hệ thống thủy điện ở thượng nguồn hai sông Vu Gia, Thu Bồn ở Quảng Nam lại phát triển chằng chịt như hiện nay. Cung đường Hồ Chí Minh đã bị biến thành đường nhà của các công trình thủy điện. Hàng trăm hécta rừng bị tàn phá nghiêm trọng, ảnh hưởng môi trường, dân sinh. Thủy điện khiến lũ lụt thêm trầm trọng trong mùa mưa và hạn hán mùa hè. Hàng trăm hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Cơtu, Kadong vùng giải tỏa phải chịu cảnh khốn đốn. Theo Sở Công thương tỉnh Quảng Nam, hiện có 62 nhà máy thủy điện đã, đang và sẽ mọc lên trên hệ thống Vu Gia – Thu Bồn, trong đó, thủy điện vừa và nhỏ chiếm 2/3. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng và quản lý 4 dự án điện lớn là A Vương (210MW), Sông Bung (108MW), Sông Bung 4 (120MW) và sông Tranh (180MW).
Sông Bung - dòng sông thuộc hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn có nhiều nhà máy thủy điện nhất (6 công trình) gồm Sông Bung, Sông Bung 2,4,5, 4A và Sông Bung 6. Thủy điện Sông Bung 5 chỉ cách thủy điện A Vương khoảng 14km, cùng nằm trên địa phận xã Macooih (huyện Đông Giang) đang được thi công, nằm ngay bên đường Hồ Chí Minh. Ngoài việc phá rừng mở đường, các nhà máy thủy điện còn phải khai thác thêm một mỏ đất đá làm vật liệu thi công. Cũng cách A Vương chưa đầy 10km về phía thị trấn Prao là một thủy điện nhỏ khác: thủy điện Za Hung (30MW). Còn một đoạn sông Đăk Mi dài khoảng 80km ở địa phận huyện Phước Sơn có tới 4 nhà máy thủy điện, gồm: Đăk Mi 1,2,3 và 4. Đặc biệt, thủy điện Đăk Mi 4 ở xã Phước Xuân còn gây nên vụ kiện đòi nước đình đám giữa TP Đà Nẵng với chủ đầu tư IDICO. Trong khi thiết kế đã thấy rõ, thủy điện Đăk Mi 4 đã chặn dòng Vu Gia, chuyển toàn bộ nước sang sông Thu Bồn. Điều này có thể khiến hạ lưu Vu Gia là TP Đà Nẵng và các huyện Đại Lộc, Điện Bàn thiếu nước trầm trọng vào mùa khô. Sau khi Bộ TN&MT và Bộ Công Thương đứng ra làm trọng tài phân giải, chủ đầu tư dự án thủy điện Đăk Mi 4 đã phải làm thêm một cống ở thân đập để trả nước về sông Vu Gia, một tiền lệ chưa từng có trong lịch sử thiết kế xây đập thủy điện ở Việt Nam.
Vẫn than khó
Ông Phương Văn Hoàn - Phó GĐ nhà máy thủy điện Sông Côn 2 (công suất 63MW, thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) nói: “Tính riêng năm 2010, điện lượng của sông Côn 2 đã đạt được 210 triệu kWh. Giá bán điện của nhà máy cho EVN để hòa vào lưới quốc gia là 600 đồng/KWh, rất thấp so với mặt bằng giá hiện nay. Với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, phần lớn vay ngân hàng, trong điều kiện lãi suất cao ngất ngưởng, EVN vẫn mua giá điện thấp là một bất lợi cho các nhà đầu tư thủy điện vừa và nhỏ! Với doanh thu như hiện nay, phải mất khoảng 10 năm nữa chúng tôi mới có thể hoàn vốn đầu tư”.
Theo ông Trần Đình Thanh - Tổng GĐ Tổng Cty điện lực miền Trung, nhà đầu tư thủy điện vừa và nhỏ kêu ca là chưa hợp lý, bởi giá cả đều đã được EVN cũng như Bộ Công Thương tính toán kỹ. Ngoài ra, giá điện hiện đã chuyển ra thị trường, đối với những nhà máy có công suất trên 30MW, ai chào giá thấp sẽ được chọn.
Theo một cán bộ EVN (xin giấu tên): Nhà máy thủy điện vừa và nhỏ thường không có hồ chứa nên sản xuất điện theo thời tiết. Lúc EVN cần họ không có bán, lúc dư thừa họ mới chào giá nên rất khó để cân đối giá cả. Ngoài ra, theo vị cán bộ này, phát triển nhà máy thủy điện vừa và nhỏ là một chiến lược bất hợp lý, bởi mức độ tàn phá rừng, ảnh hưởng môi trường rất nghiêm trọng, vì vậy, mua điện giá cao, không khác gì điện lực góp phần tàn phá rừng. |