'Võ thấu lòng dân võ hóa Văn'

'Võ thấu lòng dân võ hóa Văn'
TP - Hôm nay 25-8, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 100 tuổi. Người dân làng Thượng (Thái Nguyên) có những câu thơ mừng thọ: Đại tướng anh hùng dễ mấy ai/Đức độ, anh, uy, trí, dũng, tài/Thắng hai đế quốc bách niên thọ/Hoàn cầu có một, không có hai...

> Lãnh đạo chúc thọ tướng Võ Nguyên Giáp 100 tuổi
Huyền thoại xuyên hai thế kỷ
> Ngày thường của Tổng tư lệnh họ Võ

Những ngày này, căn nhà số 30 Hoàng Diệu (Hà Nội), nơi gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở, luôn tấp nập người ra vào. Quà mừng thọ Đại tướng là những bó hoa, câu đối, tranh, ảnh… và ngàn ngàn câu chúc của đồng bào trong cả nước và bạn bè nước ngoài.

Đại tá Nguyễn Huyên, trợ lý lâu năm nhất của Đại tướng, nói: “Lịch sử nước ta cũng như thế giới từ xưa tới nay, chưa có vị tướng kiệt xuất nào sống thọ như Đại tướng. Đây là niềm tự hào, hạnh phúc cho đất nước cũng như gia đình”.

Đại tá Nguyễn Văn Nhựa, bác sĩ riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người gắn bó với Đại tướng gần 20 năm qua, cho biết: “Sáng nào tôi cũng vào thăm, kiểm tra sức khỏe của Đại tướng. Hiện sức khỏe của ông vẫn ổn định. Đại tướng vẫn nhận ra người thân, bạn bè và ông còn ký tặng thiệp cám ơn những người đến thăm và mừng thọ”.

Trong bài viết của mình về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tá Huyên viết: “Một vị tướng hầu như được toàn quân tuyệt đối tin tưởng, kính trọng, yêu mến. Tướng lĩnh của quân đội ta đã từng ca ngợi anh: “vị tướng văn võ song toàn”, “nhà chiến lược thiên tài, nhà quân sự lỗi lạc”, “vị tướng huyền thoại”, “vị tướng kiệt xuất”, “là tướng của các vị tướng, tư lệnh của các tư lệnh, chính ủy của các chính ủy”, “là vị Tổng tư lệnh không phạm sai lầm trong chiến lược, chiến thuật”. Có vị tướng cho rằng: Võ Nguyên Giáp thực chất là Đại nguyên soái thời đại Hồ Chí Minh”.

Liên tiếp đón nhiều đoàn khách đến mừng thọ, Phu nhân của Đại tướng, Giáo sư Đặng Bích Hà, và những người con của Đại tướng tiếp nhận quà và cảm ơn tấm lòng của mọi người. Giáo sư Đặng Bích Hà đã ở tuổi 86 nhưng vẫn còn khoẻ mạnh, minh mẫn. Khi tiếp xúc, bà khá kiệm lời. Để bày tỏ lòng cảm ơn đồng bào, đồng chí đến chúc mừng Đại tướng, bà luôn chắp tay trước ngực.

Trong phòng khách được bày biện giản dị là hàng ngàn câu đối, bài thơ, bức tranh, ảnh chúc mừng Đại tướng nhiều năm qua. Ở một góc phòng nhỏ là những vần thơ được khắc trên đá của Giáo sư Bùi Trọng Liễu (Đại học Paris) kính tặng Đại tướng năm 1996: “Trời Nam đâu được mấy ai/ Thư sinh mà lại sẵn tài lược thao/ Ra quân dưới ngọn cờ đào/ Điện Biên sấm sét thủa nào còn vang/ Sao vàng chói lọi hào quang/ Mùa xuân toàn thắng, sử vàng ghi công/ Từ xa nâng chén rượu nồng/ Mong rằng hậu thế sẽ trông gương lành”.

Ngày 21-8, văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức cuộc gặp mặt các thế hệ người giúp việc cho Đại tướng. Tham dự buổi gặp mặt ấm cúng này còn có nhiều đồng đội, nghệ sĩ, bạn bè gắn bó lâu năm với gia đình Đại tướng.

Nhân dịp mừng thọ Đại tướng tròn 100 tuổi, nghệ sĩ tranh cát Ý Lan cho biết, toàn bộ tác phẩm về Đại tướng sẽ được bà tặng lại cho gia đình. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn, người theo chân Đại tướng suốt 35 năm, cũng trực tiếp trao tặng cho bà Đặng Bích Hà tác phẩm 101 khoảnh khắc về Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà ông vừa hoàn thành...

Nhắc lại quãng đời binh nghiệp của Đại tướng, Đại tá Nguyễn Huyên kể, dù giao cho anh việc võ, nhưng Bác Hồ vẫn gọi anh là Văn. “Phải chăng, Bác Hồ muốn căn dặn làm việc võ nhưng phải trên nền văn. Đúng như câu đối của một cựu chiến binh phường Thành Công (Hà Nội) khái quát về anh: Văn lo vận nước văn thành Võ/ Võ thấu lòng dân võ hóa Văn.

Về tấm lòng nhân văn, nhân ái của Đại tướng, Đại tá Trịnh Nguyên Huân, trợ lý của Đại tướng, nhớ lại những kỷ niệm của ông với Đại tướng suốt 35 năm qua. Trong những kỷ niệm ấy có buổi đầu gặp mặt Đại tướng, khi ấy ông Huân mới ở tuổi 33, cấp bậc đại uý, còn Đại tướng đã “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”.

“Vậy mà tôi vẫn thấy Đại tướng rất đỗi gần gũi, thân tình. Cảm giác ấy, tình cảm ấy cho đến bây giờ vẫn vậy. Vợ tôi bị huyết áp cao, Đại tướng cho bác sỹ riêng của mình đến khám; con tôi bị ốm phải đi viện, Đại tướng yêu cầu bàn giao công việc cho người khác, bảo tôi về chăm con”, ông Huân kể.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cấp chứng chỉ rừng bền vững ở Yên Bái hiện ra sao?
Cấp chứng chỉ rừng bền vững ở Yên Bái hiện ra sao?
TPO - Yên Bái có diện tích rừng trồng khá lớn tạo nên nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ sản xuất, chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ rừng trồng. Đặc biệt, tỉnh đang đẩy mạnh việc cấp Chứng chỉ rừng bền vững (FSC), góp phần nâng cao thu nhập, bảo vệ được môi trường sinh thái, tạo sự phát triển bền vững về lâm nghiệp.