> 'Nếu không có phong bì, họ chích đau hơn'
> Phong bì cũng… 'dăm bảy đường'?
> Tăng giá dịch vụ y tế để nâng chất lượng
Liệu bệnh nhân có thể nói không với phong bì khi dịch vụ y tế đang quá tải. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
RTCCD là đơn vị vừa được trao giải sáng kiến phòng chống tham nhũng năm 2011 với đề án “Nói không với phong bì trong dịch vụ y tế”.
Cơ sở nào để trung tâm xây dựng đề án, thưa bà?
Hiện tượng tham nhũng trong xã hội nói chung, y tế nói riêng đang rất nhức nhối. Chúng tôi đã đi tìm nguyên nhân, tại sao lại có hiện tượng này. Một nghiên cứu chính thức về phong bì trong y tế đã được thực hiện năm 2010.
Kết luận được đưa ra là, phong bì trong dịch vụ y tế không làm chất lượng dịch vụ y tế tốt lên, mà ngược lại, nó làm cho niềm tin của người dân đối với nhân viên y tế giảm sút, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, không tin tưởng nhau giữa các nhân viên y tế.
Điều này cũng dẫn đến nguy cơ trong xã hội người dân mất niềm tin vào nhau, vào chính sách y tế của nhà nước. Chúng tôi cảm thấy, ngay từ bây giờ phải thay đổi. Mọi người phải tin là có thể thay đổi được điều này.
Cụ thể nghiên cứu về phong bì trong dịch vụ y tế được thực hiện như thế nào?
Đây là nghiên cứu hướng đến một nền y tế minh bạch, chất lượng. Có 6 câu hỏi cần trả lời. Thứ nhất, những chi phí không chính thức của người dân trong khám chữa bệnh tồn tại dưới hình thức nào? Kết quả, phong bì là chủ yếu, quà chỉ là phương tiện để đưa kèm phong bì.
Thứ hai, nhân viên y tế cảm nhận thế nào khi nhận phong bì của người bệnh? Một số trả lời, nhận khi bệnh nhân cám ơn ra viện thì không vấn đề gì, chỉ là một hình thức tự thưởng vì hệ thống y tế trả họ không tương xứng với những gì đã bỏ ra.
Số còn lại thấy vấn đề này nhức nhối, thậm chí coi nhận quà của bệnh nhân, nhất là người nghèo là sống trên thân xác của người bệnh. Họ cảm thấy xấu hổ và không muốn nhận. Như vậy, trong chính các nhân viên y tế cũng có một số lượng đáng kể không chấp nhận việc đưa- nhận phong bì.
Thứ ba, mất bao lâu thì nhân viên y tế quen với việc nhận phong bì? Họ trả lời, nếu đã được nhận vào chính thức, thì chỉ cần 1 năm, sẽ từ một nhân viên “trắng tinh” sang một người quen nhận phong bì. Như vậy là một thời gian không dài nhân cách đã bị hỏng.
Thứ tư, tại sao bệnh nhân đưa phong bì?
Có nhiều lý do, nhưng chủ yếu là để mưu cầu một chất lượng dịch vụ, thông tin tư vấn tốt hơn. Một số nhỏ thì muốn qua phong bì để gây dựng quan hệ với bác sỹ. Thứ năm, bệnh nhân thường đưa phong bì theo hình thức nào? Trước đây thì dấm dúi nhét vào túi, nhưng bây giờ là công khai đưa cho bác sỹ hoặc để trên mặt bàn. Với điều dưỡng, hộ lý thì bệnh nhân nhét tiền vào túi.
Cuối cùng, khi được hỏi nghĩ vì về việc đưa phong bì, phần lớn người dân phản đối. Tuy nhiên, nhìn thấy người khác đưa họ cũng phải đưa theo.
Bệnh viện quá tải, vấn nạn phong bì đang là những vấn đề nhức nhối của ngành y tế. Ảnh: Lê Nguyễn. |
Vậy đề án đưa ra ý tưởng như thế nào để loại bỏ “phong bì” trong y tế?
Đề án xác định phải làm cho toàn xã hội tin là có thể loại bỏ phong bì trong y tế. Muốn vậy phải tuyên truyền, nâng cao hiểu biết cho người bệnh để họ chuyển đổi hành vi. Bình thường người bệnh hay buộc tội nhân viên y tế, nhưng chính hành vi đưa phong bì cũng là có lỗi. Chính người bệnh phải nhận thức được điều này thì mới mong nhân viên y tế thay đổi.
Không một nền y tế lành mạnh nào cho phép một hệ thống vừa có đầu tư ngân sách, đóng góp của dân lại vừa tồn tại phong bì để được ưu tiên dịch vụ, cạnh tranh lẫn nhau - Bà Trần Thu Hà. |
Chúng tôi cũng tạo ra một địa chỉ để người bệnh lên tiếng khi bị nhũng nhiễu. Người bệnh có thể ghi âm, ghi hình các hành vi nhũng nhiễu của nhân viên y tế và chuyển cho chúng tôi. Khi nhận được những nội dung này, chúng tôi sẽ phối hợp với Đài Truyền hình VN (VTV1 và O2 TV) để đưa lên sóng truyền hình.
Không một Giám đốc bệnh viện nào có thể ngồi yên khi một tháng đơn vị của mình bị đưa lên truyền hình hai ba lần vì những hành vi nhận phong bì của nhân viên. Đây là một công cụ giám sát rất hữu ích. Chúng tôi cũng tạo những diễn đàn để nhân viên y tế trao đổi thẳng thắn suy nghĩ của mình về nạn phong bì, trao đổi giữa nhân viên y tế với nhà quản lý, người bệnh…
Nhiều ý kiến cho rằng cái gốc của nạn phong bì là xuất phát từ nền y tế, từ việc quá tải trong khám chữa bệnh, chất lượng dịch vụ khác nhau quá xa giữa các tuyến, lương bác sỹ quá thấp.
Có ba nút thắt cần giải quyết. Thứ nhất là phong bì có giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh như kỳ vọng của người bênh không? Nhân viên y tế sẽ trả lời qua các buổi tọa đàm, phóng sự truyền hình. Thứ hai là người dân còn thụ động, không có thói quen phản ứng khi bị nhũng nhiễu. Nhưng chúng ta không thể mãi như vậy, phải giúp người dân thấy rằng mình bị nhũng nhiễu và cần xử lý ra sao.
Thứ ba, nhân viên y tế nói lương thấp nên phải có phong bì là không thể chấp nhận được. Trong số cán bộ y tế, bao nhiêu phần trăm nghĩ là mình có quyền nhũng nhiễu người khác khi lương thấp. Đề án này hướng đến việc xóa bỏ nhũng nhiễu. Không để những người nghèo vì không có tiền để đưa mà thứ tự được điều trị của họ bị đẩy xuống dưới.
Sự thật là hệ thống y tế đang quá tải, cung không đủ cầu. Nhưng tân Bộ trưởng Y tế đã đưa ra 5 chiến lược, trong đó có nội dung giảm tải, tăng cường năng lực y tế cơ sở. Cùng với chiến lược cải cách cơ bản hệ thống tiền lương thì chúng ta sẽ thay đổi được diện mạo của ngành y tế.
Cảm ơn bà.
Ngọc Tiến thực hiện