Chi 1.000 tỷ đồng mỗi năm, được gì?

Anh Nguyễn Hoàng Phong học lớp 6 (Châu Phú, An Giang) sáng chế máy nông nghiệp năng suất bằng 75 người làm thủ công. Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Anh Nguyễn Hoàng Phong học lớp 6 (Châu Phú, An Giang) sáng chế máy nông nghiệp năng suất bằng 75 người làm thủ công. Ảnh: Lê Hoàng Vũ
TP - Mỗi năm, các khoản ngân sách chi khoảng 1.000 tỷ đồng đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN) trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, không ít giống cây trồng, vật nuôi Việt Nam vẫn phải nhập ngoại.

> Dùng 1.000 tỷ đồng nghiên cứu khoa học để làm gì?

Anh Nguyễn Hoàng Phong học lớp 6 (Châu Phú, An Giang) sáng chế máy nông nghiệp năng suất bằng 75 người làm thủ công. Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Anh Nguyễn Hoàng Phong học lớp 6 (Châu Phú, An Giang) sáng chế máy nông nghiệp năng suất bằng 75 người làm thủ công. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
 

Phần lớn chi lương, xây trụ sở

Theo Bộ NN&PTNT, trong 5 năm qua (2006-2010), hệ thống nghiên cứu nông nghiệp đã tạo ra hơn 270 giống cây trồng mới và cho sản xuất thử, trong đó gần 100 giống được công nhận chính thức (gần 30 giống lúa, 10 giống ngô, 11 giống đậu đỗ, 8 giống rau…); gần 90 giống cây rừng mới. Ngoài ra, lai tạo, chọn lọc thành công giống lợn lai tỷ lệ nạc từ 32% lên 52-57%; tạo được gần 90 giống cây rừng mới năng suất và khả năng chịu bệnh cao…

Tuy nhiên, tại hội nghị tổng kết 5 năm (2006-2010) hoạt động khoa học và công nghệ của Bộ NN&PTNT mới đây, Bộ trưởng Cao Đức Phát, cũng phải thừa nhận, hiện khoa học nông nghiệp của Việt Nam còn thấp kém so với các nước trong khu vực và quốc tế, đặc biệt là chăn nuôi chúng ta còn thua kém xa.

1.000 tỷ đồng đầu tư mỗi năm cho nghiên cứu KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp được chi như thế nào? Ông Triệu Văn Hùng, Vụ trưởng Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ NN&PTNT), cho biết hằng năm mức độ đầu tư từ ngân sách cho nghiên cứu KHCN của bộ tăng 10-11%, đó là một nỗ lực lớn của nhà nước.

Tuy nhiên, với một bộ đa ngành, đa nghề, nếu tính ra là 4 bộ gộp lại (nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản), thì khoản 1.000 tỷ đồng đầu tư đó còn thấp, kém xa với nhu cầu. Còn so với mức độ đầu tư của Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan và nhiều nước trong khu vực, đương nhiên, ta không thể bằng được.

Theo ông Hùng, trong 1.000 tỷ đồng, khoảng một nửa là đầu tư cho xây dựng cơ bản; nửa còn lại, thì 50% cho quỹ lương và hoạt động bộ máy, và phần còn lại cho hoạt động nghiên cứu KHCN, trong đó, phần dành cho các đề tài nghiên cứu chưa đến 200 tỷ đồng.

Máy cày chạy bằng động cơ xe máy, sử dụng được ở địa hình dốc của nông dân Nguyễn Anh Tuấn (Mường La, Sơn La). Ảnh: T. Phú
Máy cày chạy bằng động cơ xe máy, sử dụng được ở địa hình dốc của nông dân Nguyễn Anh Tuấn (Mường La, Sơn La). Ảnh: T. Phú.
 

Nhiều đề tài “đắp chiếu”

GS Võ Tòng Xuân, nhận định: “Thời gian qua chưa có thành tựu gì nổi bật đáng tự hào, thành tựu nghiên cứu khoa học có dấu hiệu chững lại. Nhìn ra cánh đồng, hầu như chỉ thấy giống lúa trước đây, chưa có những giống lúa mới nổi bật. Hay giống cây ăn quả cũng không có gì sáng sủa, còn đàn trâu bò, lợn, tôm cá hằng năm dịch bệnh xảy ra liên tục”.

GS Xuân cho rằng, không ít những chương trình, đề tài nghiên cứu xong rồi để đó. Đề tài phải xuất phát từ thực tiễn, từ những khó khăn của đồng ruộng. Từ đó, có giống, kỹ thuật mới hệ thống khuyến nông mới lựa chọn cho phù hợp từng địa phương, trình diễn cho bà con mắt thấy tai nghe, dân mới làm theo. Chứ có nơi, cứ bảo nông dân trồng ngô cho chăn nuôi, nhưng lại trồng loại ngô nếp, vì thấy được ăn hơn.

“Như chương trình nghiên cứu về luân canh giữa lúa và khoai lang cũng không thấy áp dụng. Thực tế, nếu độc canh cây lúa, đất càng ngày càng xấu, còn luân canh khoai lang giữa hai vụ lúa, đất sẽ được cải tạo rất tốt” - GS nói.

“Hiện nay, khi thấy nông dân có phát minh sáng kiến gì đó, tôi đến thăm hỏi, cùng lắm thì có thêm cái bằng khen, chứ chưa có chính sách gì để khuyến khích nông dân.

Trong khi đó, mỗi năm khoảng 1.000 tỷ đồng đầu tư vào cho khoa học của Bộ, nhiều người hỏi Bộ trưởng làm gì chừng đó tiền để đóng góp cho nông dân và đất nước, tôi trăn trở lắm chứ” - Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát.

Còn theo ông Triệu Văn Hùng, hiện các đề tài nghiên cứu áp dụng vào sản xuất chỉ chiếm khoảng 60-70%, tùy từng lĩnh vực. Trong lĩnh vực tạo giống, máy móc mới, tỷ lệ áp dụng cao hơn, còn các đề tài nghiên cứu về chính sách, có khi áp dụng từng phần, mức độ áp dụng cũng khác nhau. Một số đề tài ít triển vọng, do tính hẹp quá của đề tài, nhiều người không hào hứng ứng dụng.

Ông Hùng lấy thí dụ về sự thất bại trong chuyện nghiên cứu về tính bền vững canh tác sắn trên đất dốc. Sắn là cây lấy củ, mỗi lần thu hoạch thì đất bị cày xới, dẫn tới xói mòn, thoái hóa đất sớm, điều này thì rất rõ, nhất là vùng đất dốc.

“Tuy nhiên, khuyến cáo của các đề tài là cần có biện pháp canh tác phù hợp để hạn chế thoái hóa đất, và không nên phát triển nóng quá. Nhưng thực tế thì khác, do sắn được giá, đầu ra tốt, lại cây ngắn ngày, đầu tư thấp, phù hợp với người nghèo, nên hạn chế phát triển nóng là rất khó, gần như là thất bại, vì nói bà con không muốn nghe”- ông Hùng chia sẻ.

Theo TS Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cứ cách làm như thời gian qua, việc có những đề tài dở dang, đắp chiếu không có gì lạ. “Vì hiện đề tài khoa học của ta chỉ tính đến chuyện hằng năm, chứ không phải là tính đến lúc ra sản phẩm cuối cùng, trong khi các đề tài nghiên cứu về giống, ít nhất phải 5 năm. Nhiều đề tài khi nghiệm thu, xem xét, thiếu tiền đành phải để đó. Đề tài dở dang không có lợi cho xã hội, cho sản xuất, mà chỉ thêm tốn kém.

Chỉ có doanh nghiệp và các thành phần kinh tế thì mới có điều kiện đưa nhanh các kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Đây là hướng cần đổi mới nhất trong thời gian tới, biến kết quả nghiên cứu thành sản phẩm hàng hóa thì, mới tạo ra động lực cho nhà nghiên cứu”.

Theo Vụ KHCN và môi trường, hiện nguồn đầu tư cho nghiên cứu KHCN có tới 90% là từ ngân sách, còn một phần nhỏ là từ ODA và các hợp tác quốc tế. Các nước trên thế giới, kinh phí cho nghiên cứu KHCN phần lớn là từ doanh nghiệp tư nhân, tập đoàn kinh tế, Chính phủ chỉ một phần, trong khi ở Việt Nam thì ngược lại.

“Xu hướng là xã hội hóa. Chúng tôi muốn các doanh nghiệp phải đặt hàng, bỏ tiền vào các đề tài nghiên cứu, sau đó họ là người sử dụng. Nhưng rất tiếc là hiện rất ít doanh nghiệp mặn mà, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước, do vậy, nguồn vốn từ doanh nghiệp chưa được khai thông”- ông Hùng cho biết.

Gần 8.000 cán bộ khoa học nông nghiệp

Theo Bộ NN&PTNT, hiện có 11 viện nghiên cứu trực thuộc bộ, trong đó có 2 viện được xếp hạng đặc biệt là Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (17 viện, trung tâm thành viên) và Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam (14 viện, tổ chức thành viên).

Tổng số cán bộ KHCN làm việc tại các viện hơn 7.930 người, trong đó số cán bộ hưởng lương ngân sách nhà nước gần 4.600 người (gần 60%); số còn lại do các đơn vị tự lo lương và các chế độ khác. Có 67 GS, PGS; 426 TSKH, TS; gần 1.300 thạc sĩ.

Tham gia nghiên cứu còn có sự tham gia của các trường đại học, các viện hưởng lương sự nghiệp kinh tế thuộc bộ, các tổ chức, viện ngoài bộ. Hiện cả nước có hơn 33.200 cán bộ khuyến nông, 85 người cấp T.Ư, hơn 2.100 người cấp tỉnh, gần 3.800 người cấp huyện, còn lại cấp xã, thôn, bản.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
50 cá nhân có công trạng với TPHCM được vinh danh
50 cá nhân có công trạng với TPHCM được vinh danh
TPO - UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch tổ chức xét chọn 50 cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển TPHCM trong giai đoạn 1975 - 2025. Hoạt động này nhằm hướng tới nhằm hướng đến Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).