> Chủ tịch Hà Nội thị sát khu tái định cư có nhiều bức xúc
Nhiều người dân thất nghiệp từ khi chuyển đến khu tái định cư. |
Như cá mắc cạn
Những tháng đầu năm 2009, hơn 1.800 hộ dân 5 xã vùng ven biển huyện Kỳ Anh (Kỳ Lợi, Kỳ Long, Kỳ Thịnh, Kỳ Liên, Kỳ Phương) phải di dời lên 5 khu tái định cư (KTĐC) mới, nhường đất cho Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương Formosa.
Ban đầu, người dân tin đến KTĐC mới sẽ được an cư, lạc nghiệp bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ. Chị Lê Thị Hương (41 tuổi), đang ngồi may lại tấm lưới để cho con ra suối kiếm cá về ăn, nói: “Về KTĐC này gia đình tôi như cá mắc cạn. Đất sản xuất không có, ruộng vườn bị lấy hết, tiền đền bù bỏ ra làm nhà đã cạn kiệt. Cả nhà có 4 miệng ăn chỉ biết dựa vào chồng đang đi làm phụ hồ”.
Gia đình anh Lê Văn Dương có 6 miệng ăn cũng đang khốn đốn từ ngày về KTĐC. Anh Dương cho biết, ở nơi ở cũ, nhờ gần biển lại có đất đai rộng rãi nên kinh tế gia đình ổn định vì vừa làm nghề chài lưới vừa phát triển chăn nuôi. Nay, đến KTĐC, không còn đất đai để chăn nuôi, làm biển cũng không được vì KTĐC cư cách biển quá xa.
“Để có gạo ăn, cả nhà phải đi làm thuê cho các nhà thầu dự án. Nhưng kiếm được việc làm thuê cũng rất khó vì việc ít, người thất nghiệp nhiều” - anh Dương rầu rĩ.
Bà Lê Thị Lương (67 tuổi) bức xúc: “Họ hứa sẽ tạo điều kiện để chúng tôi có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ nhưng cuộc sống tại KTĐC mỗi ngày một bi đát thêm. Trước đây, có bạc triệu trong tay nhưng giờ thất nghiệp nên không có đủ tiền để đong gạo hàng ngày”. Gần 1.800 hộ dân với gần 15.000 nhân khẩu ở 5 KTĐC thuộc Dự án Formosa đang hoang mang vì không biết làm gì để sống.
Ông Trần Đình Thành - Chủ tịch UBND xã Kỳ Phương cho biết, hiện vẫn chưa có chính sách hỗ trợ các lao động khi đến KTĐC mới cũng như không có một quy ước nào khẳng định, khi nhà máy đi vào hoạt động, sẽ tuyển dụng con em địa phương vào làm việc.
Theo ông Thành, hiện, xã Kỳ Phương có 786 hộ với trên 2.300 nhân khẩu nằm trong KTĐC. Trước đây, họ sống nhờ vào nghề biển và ruộng vườn rộng, đất sản xuất nhiều nên cuộc sống ổn định. Khi dời lên KTĐC mới, hầu hết người dân gặp khó khăn vì không có công ăn việc làm ổn định. Không có đất sản xuất nên những người trong độ tuổi lao động đều thất nghiệp, một số ít phải đi làm thuê, làm khoán qua ngày.
Khu tái định cư nhếch nhác vì thi công ẩu. |
Dân kêu huyện - tỉnh bất lực
Điện thiếu, nước nhỏ giọt, các hạng mục công trình kém chất lượng nằm ngổn ngang, nhà cửa xói lở, xuống cấp… Đó là những gì đang diễn ra tại KTĐC mới. Từ đường quốc lộ 1A, đảo mắt nhìn xung quanh thấy phía Đông Khu kinh tế Vũng Áng là hàng ngàn héc ta đất đang chìm trong nước biển, khói bụi nghi ngút lên tận chân Đèo Ngang.
Phía Tây là KTĐC với những ngôi nhà mới xây nằm san sát nhau. Từ xa nhìn vào rất bắt mắt nhưng khi đến tận nơi mới thấy hầu hết hạng mục của KTĐC... có vấn đề.
Nhiều hạng mục công trình trong KTĐC của nhà thầu Tập đoàn Xây dựng Xuân Thành (Ninh Bình) triển khai từ năm 2009 nay bị lún sụt, nứt nẻ. Các tuyến đường không đảm bảo kỹ thuật, hệ thống bờ taluy bị hở cả hàm ếch. Đặc biệt, hệ thống thoát nước gần như không thể sử dụng.
Hầu hết các hố ga thoát nước bị bỏ dở chừng, số có nắp đậy cũng gãy vỡ ngổn ngang trở thành cái bẫy chết người, rình rập trẻ em trên các lối đi. Thi công quá cẩu thả, không che chắn, trẻ con có thể rơi xuống bất kỳ lúc nào” - chị Nguyễn Thị Liên, người dân ở KTĐC, nói.
Ông Nguyễn Hồng Cương - Phó chủ tịch UBND xã Kỳ Liên bất bình: Hệ thống đường điện không đảm bảo nên chất lượng phục vụ dân rất kém, chập chờn liên tục. Ti vi, tủ lạnh, máy bơm nước... của người dân dùng thường xuyên cháy.
“Đơn vị thi công làm cẩu thả, giám sát công trình không thấy. Nhiều lần phát hiện nhà thầu làm sai, chúng tôi lập biên bản, kiến nghị huyện nhưng mọi chuyện vẫn chưa được giải quyết…”, ông Cương nói.
UBND huyện Kỳ Anh kiến nghị vấn đề trên lên UBND tỉnh nhưng tỉnh vẫn chưa có động tĩnh gì.
Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương là dự án lớn nhất Đông Nam Á, được khởi công tháng 7-2008 tại Khu kinh tế Vũng Áng, do Tập đoàn Formosa (Đài Loan) đầu tư với số vốn đăng ký hai giai đoạn lên tới 16 tỷ USD. Hơn 3.000 ha (trong đó có gần 2.000 ha đất liền) của 5 xã Kỳ Lợi, Kỳ Phương, Kỳ Liên, Kỳ Long, Kỳ Thịnh bị thu hồi; hơn 6.000 lượt hộ dân bị ảnh hưởng với gần 15.000 nhân khẩu phải di dời, bố trí chỗ ở tại KTĐC mới. Chỉ riêng tiền chi trả cho công tác GPMB, xây dựng hạ tầng KTĐC, Nhà nước đã phải bỏ ra khoảng 2.500 tỷ đồng. Hiện nay, sau 5 năm đi vào hoạt động, Khu kinh tế Vũng Áng vẫn đang dở dang với nhiều công trình chưa hoàn thành theo dự kiến. |