'Lương Bộ trưởng 40 năm mới mua được nhà thu nhập thấp'

'Lương Bộ trưởng 40 năm mới mua được nhà thu nhập thấp'
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, nếu chỉ trông vào lương, người nghèo đừng nghĩ đến nhà thu nhập thấp, vì "lương cỡ Bộ trưởng cũng phải 40 năm mới đủ tiền mua".

'Lương Bộ trưởng 40 năm mới mua được nhà thu nhập thấp'

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, nếu chỉ trông vào lương, người nghèo đừng nghĩ đến nhà thu nhập thấp, vì "lương cỡ Bộ trưởng cũng phải 40 năm mới đủ tiền mua".

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam. Ảnh: Hoàng Lan

Tại hội thảo Tác động của thị trường bất động sản lên thị trường tài chính Việt Nam, những khuyến nghị chính sách tổ chức ngày 18 - 8, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định, với giá cả nhà và mức lương như hiện nay, người nghèo không thể mua được nhà thu nhập thấp.

Một bác sĩ trưởng khoa từng tâm sự với ông Nam lương nuôi thân không đủ, chưa dám nghĩ đến chuyện mua ôtô, lại càng không dám mơ đến việc mua nhà.

Cũng theo ông Nam, để giải bài toán nhà thu nhập thấp, Nhà nước và doanh nghiệp cần có giải pháp kéo giá nhà xuống, bằng cách ưu đãi chính sách, điều chỉnh quy mô và độ hoàn thiện của căn nhà ở mức hợp lý, đồng thời phải nâng dần thu nhập, mức sống của người dân.

Theo lãnh đạo Bộ, đặt bài toán cho ngành xây dựng là phải làm nhà để người có mức lương 2 triệu đồng mua được nhà là điều không thể. "Nếu chỉ trông chờ vào đồng lương, đừng nghĩ đến chuyện mua nhà. Cỡ như Bộ trưởng, chúng tôi tính còn 40 năm mới mua được", ông Nam thẳng thắn.

Nguồn cơn khiến ông Nam phải phát biểu như vậy là gần đây dư luận bức xúc giá nhà thu nhập thấp quá cao so với khả năng chi trả của lao động nghèo. Thậm chí có người tính toán với thu nhập dưới 5 triệu một tháng, họ phải nhịn ăn, nhịn uống, nhịn mặc ròng rã 15 năm mới mua được nhà.

Trên thực tế, các dự án ở Hà Nội hiện nay như Đặng Xá, Kiến Hưng, Ngô Thì Nhậm, Sài Đồng dao động ở mức gần 10 triệu đến 13,27 triệu đồng mỗi m2. Mức giá này thấp bằng nửa giá chung cư bình dân trên thị trường, song vẫn quá khả năng chi trả của nhiều người thuộc diện nghèo chỉ biết trông vào đồng lương. Vì thế mà có những người sau tháng ngày ròng rã chờ vận may nhưng đến khi trúng suất mua lại đành từ chối vì không kham nổi. Ở dự án Sài Đồng, nhiều trường hợp đã từ chối ký hồ sơ, trả lại nhà.

Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban giám sát Tài chính Quốc gia, cho hay, Việt Nam có tốc độ tăng dân nhập cư nhanh, trong đó, việc cấp phép, thủ tục đất đai không minh bạch, gây rủi ro rất lớn với bất động sản. Giá bất động sản thường tăng gấp 3-4 lần so với thu nhập bình quân đầu người dẫn đến người nghèo ngày càng ít cơ hội tiếp xúc với nhà ở. Ông Nghĩa đưa ra minh họa, nhà ổ chuột đang tăng nhanh, ngoài bờ đê Sông Hồng, có tới hàng vạn ngôi nhà không có chút tiện nghi, trong khi đó, giá nhà đất lại tăng cao chóng mặt.

Do đó, theo ông Nghĩa, để giải quyết nhu cầu nhà ở, nhà giá rẻ cần được khuyến khích xây dựng. Tuy nhiên, phi lý ở chỗ, doanh nghiệp Việt Nam vẫn đua xây nhà diện tích lớn, thiết bị bóng lộn. "Trong khi Trung Quốc chỉ làm 40-50 m2 thì Việt Nam làm đến 70 m2. Nhà dành cho người thu nhập thấp nhưng bên trong tiện nghi, bóng lộn, giá cao ngất, tôi e rằng, không có người nghèo nào mua được", ông Nghĩa lo ngại.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thẳng thắn nhận định, thực tế, các sản phẩm nhà thu nhập thấp đến với người dân đang "có vấn đề". Mặc dù nhà bán cho người nghèo nhưng tiến độ đóng tiền dồn dập, giá cả chót vót, lên đến 13,27 triệu đồng mỗi m2 khiến người dân không thể tiếp cận được. Với đồng lương ít ỏi, người dân không đủ tiền mua nhà và họ không thể vay ngân hàng với lãi suất cao ngất ngưởng như hiện nay.

"Suất đầu tư của Bộ Xây dựng quy định chỉ khoảng 8 triệu mỗi m2 nhưng nhà thu nhập thấp lên tới hơn 13 triệu đồng. Tôi cho rằng, cần làm chặt hơn vấn đề hậu kiểm", ông Minh kiến nghị.

Lý giải về giá nhà thu nhập thấp bị đẩy cao, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, thực tế, các ưu đãi cho doanh nghiệp chưa nhiều. Nhà nước hỗ trợ tiền sử dụng đất và cho phép doanh nghiệp tăng mật độ xây dựng và mật độ sử dụng đất. Còn lại các ưu đãi về thuế mới chỉ áp dụng trong năm 2009, khi chưa có dự án nhà thu nhập thấp nào được triển khai và doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng phát triển Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Nam, mặc dù được miễn tiền sử dụng đất, doanh nghiệp vẫn phải đền bù giải phóng mặt bằng dẫn đến giá nhà bị đẩy cao. Giá nhà thu nhập thấp càng gần trung tâm càng đắt là điều dễ hiểu. Lãnh đạo Bộ khẳng định, giá nhà thu nhập thấp Sài Đông, Đặng Xá đều đã được UBND thành phố kiểm tra "ra tấm ra món" và doanh nghiệp chỉ được lãi tối đa 10%.

"Tiền đền bù cao, hạ tầng đắt, mức độ hoàn thiện tốt thì giá sẽ đắt hơn. Nếu người dân mua 6,7 triệu đồng thì phải ra xa, đơn cử Thanh Hóa chỉ bán 6,9 triệu đồng mỗi m2", ông Nam khẳng định.

Ngoài ra, theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, một trong những lý do khiến giá nhà bị đẩy cao là doanh nghiệp chuộng nhà to. Quy định cho phép nhà có diện tích từ 30 đến 70 m2, thì doanh nghiệp làm hết mức tối đa cho phép, mỗi nhà lên đến 58-70 m2.

Theo Thứ trưởng Nam, doanh nghiệp cần định vị lại chiến lược kinh doanh cũng như nhu cầu của người dân. Ông Nam dẫn chứng, có vị đại biểu Quốc hội ở nhà có 6 m2, do đó, căn hộ rộng 30 m2, sạch sẽ khép kín là điều mơ ước với nhiều người. "Tôi khuyến nghị doanh nghiệp chỉ nên làm nhà nhỏ, diện tích 30 m2 thì mỗi căn hộ chỉ khoảng 300 triệu đồng. Như thế người dân sẽ dễ tiếp cận hơn", ông Nam khuyên.

Theo Song Linh- Hoàng Lan
VnExpress

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lập An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.