Thông tư 22/2011 do Bộ TN&MT ban hành (có hiệu lực từ ngày 15-8 đưa tôm thẻ chân trắng (tên khoa học Litopenaeus vannamei) và hàu Thái Bình Dương (tên khoa học là Crassostrea gigas) vào nhóm loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại.
Theo thông tư, loại có nguy cơ xâm hại phải có tiêu chí là những loài chưa du nhập vào Việt Nam hoặc đã xuất hiện ở Việt Nam song chưa thiết lập được quần thể trong tự nhiên; đã được ghi nhận xâm hại ở nhiều nước có điều kiện sinh thái tương đồng với nước ta.
Ngoài ra, phải được Hội đồng tư vấn khoa học (do Bộ TN&MT thành lập) đánh giá và thống nhất xác định là loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại.
Ngày 9-8, Bộ NN&PTNT có văn bản gửi bộ TN&MT, đề nghị xem xét, điều chỉnh lại thông tư 22, trước mắt đưa tôm thẻ chân trắng và hàu Thái Bình Dương ra khỏi danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại. Theo Bộ NN&PTNT, việc đưa 2 đối tượng trên vào danh mục có nguy cơ xâm hại có thể tác động không nhỏ đến phát triển sản xuất và xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Thực tế, khi Bộ TN&MT xin ý kiến các bộ ngành để xây dựng thông tư 22, Bộ NN&PTNT đã đề xuất đưa tôm thẻ chân trắng ra khỏi mục các loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại. Cũng thời điểm đó, Bộ TN&MT chưa đưa hàu Thái Bình Dương vào danh mục.
Sẵn sàng đối thoại
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), cho biết, tôm thẻ chân trắng và hàu Thái Bình Dương hiện là những đối tượng nuôi quan trọng của ngành thủy sản Việt Nam. Tôm thẻ chân trắng có nguồn gốc Nam Mỹ, có mặt ở nước ta hơn chục năm nay.
Trước đây, Bộ Thủy sản (cũ) cũng rất thận trọng, xem xét những nguy cơ của động vật ngoại lai, nên ban đầu cho thử nghiệm, phát triển hạn chế. Sau đó, vì không thấy có tác động xấu, nên cho nuôi phổ biến, với những điều kiện nhất định.
“Một đối tượng ngoại lai nào đó, kiểu gì cũng có những tác động nhất định, tuy nhiên, tác động ở mức độ nào, để nói nó là nguy hại thì phải có dẫn chứng. Nhưng hiện nay, bên thủy sản vẫn chưa thấy các đối tượng trên tai hại ở chỗ nào. Chúng tôi rất cẩn thận khi cho nuôi, vì có thể ảnh hưởng đến phát triển của ngành. Không biết, Bộ TN&MT dựa trên cơ sở nào để kết luận về hai đối tượng trên. Khi nói nó nguy hại, phải dẫn có dẫn chứng, số liệu. Chúng tôi sẵn sàng đối thoại để bảo vệ quan điểm của chúng tôi”, ông Tuấn nói.
Theo Tổng cục Thủy sản, nhiều nước châu Á đã chuyển dần sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Thái Lan trước đây nuôi 100% sú, nhưng nay 95% là tôm thẻ chân trắng, chỉ 5% là tôm sú; tổng sản lượng tôm lên tới 500 nghìn tấn. Trung Quốc cũng tương tự. Hiện sản lượng tôm thẻ trên thế giới hơn là 2 triệu tấn.
Hiện nay, việc nuôi tôm thẻ chân trắng phổ biến ở nhiều địa phương, đặc biệt các tỉnh ven biển. “Trong điều kiện hiện nay, phát triển tôm thẻ chân trắng không có nghĩa là thay con tôm sú. Nhưng mình phải lợi dụng những yếu tố của nó để phát triển. Chẳng hạn qua các kỳ tổng kết cho thấy, tỷ lệ tôm thẻ bị bệnh ít hơn tôm sú. Hơn nữa, ở các tỉnh ngoài từ Thừa Thiên - Huế trở ra, tôm sú khó nuôi vụ đông vì lạnh,
nhưng tôm thẻ lại nuôi được, vì khả năng thích nghi của nó rộng. Hơn nữa, nuôi được mật độ cao”, ông Tuấn nói.
Hiện sản lượng tôm thẻ chân trắng ở Việt Nam là hơn 100 nghìn tấn, chiếm trên 30% sản lượng tôm cả nước. Theo Hiệp Hội chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, 7 tháng đầu năm, cả nước xuất khẩu hơn 115.000 tấn tôm, trị giá trên 1,1 tỷ USD, tăng 15% về khối lượng và 35% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm sú tăng 15% về khối lượng và 30% về giá trị; xuất khẩu tôm thẻ chân trắng tăng 37% về khối lượng và 72% về giá trị. |