> Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm bốn Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: Hồng Vĩnh |
Ông Phạm Bình Minh nói: Tình hình thế giới biến đổi rất nhanh chóng, phức tạp, do vậy nhiệm vụ quan trọng của công tác đối ngoại là đưa ra được những trọng tâm để triển khai đường lối đối ngoại theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Đó là đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ giữa Việt Nam với cộng đồng quốc tế, nâng quan hệ của Việt Nam với các đối tác lớn đi vào chiều sâu, có hiệu quả, thực hiện chủ trương chủ động hội nhập quốc tế, chủ động và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Thưa ông, Nghị quyết Đại hội Đảng XI đã xác định mục tiêu hội nhập toàn diện, vậy ngành Ngoại giao sẽ triển khai mục tiêu này như thế nào?
Trước đây chúng ta nói hội nhập kinh tế quốc tế, bây giờ chúng ta chuyển sang giai đoạn mới đó là hội nhập toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, không chỉ kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục mà cả về quân sự, quốc phòng và những lĩnh vực khác. Với tinh thần Việt Nam là thành viên có trách nhiệm, do đó, phải tham gia không chỉ những công việc có liên quan đến lợi ích của chúng ta, mà cả những vấn đề chung của thế giới để duy trì môi trường hòa bình, ổn định. Đó là mục tiêu, trách nhiệm của Việt Nam khi hội nhập quốc tế.
Như ông nói thế giới đang biến đổi nhanh, phức tạp vây đâu là thách thức của ông trên cương vị mới?
Có rất nhiều thách thức. Bởi khi đã đưa quan hệ của chúng ta đi vào chiều sâu thì phải thể hiện nội hàm của quan hệ chiều sâu là gì. Trước đây chúng ta đã mở rộng quan hệ trên nhiều lĩnh vực với các nước. Trong thời gian tới, tăng cường và mở rộng quan hệ của chúng ta với các nước như thế nào thì phải xuất phát từ lợi ích của dân tộc lên trên hết. Phát triển quan hệ hữu nghị với các nước là đóng góp vào việc duy trì môi trường hòa bình và ổn định cho phát triển đất nước.
Đặc biệt, trên những lĩnh vực chúng ta có thế mạnh thì phải tăng cường quan hệ với các nước hơn nữa, nhất là những nước có vị trí quan trọng trên thế giới. Khi chúng ta nói chủ động, tích cực hội nhập quốc tế thì có nghĩa là chúng ta phải tham gia cùng với cộng đồng quốc tế xử lý những vấn đề toàn cầu, khu vực không chỉ liên quan đến lợi ích của chúng ta mà còn liên quan đến lợi ích các nước, do đó phải xử lý một cách hài hòa đảm bảo được lợi ích của chúng ta.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Dư luận quốc tế và trong nước đều quan tâm đến tình hình trên Biển Đông, vậy trong nhiệm kỳ của mình ông sẽ ưu tiên giải quyết vấn đề này như thế nào?
Chủ quyền là vấn đề thiêng liêng của đất nước, là lợi ích của dân tộc. Trách nhiệm của công tác đối ngoại là có giải pháp tốt nhất để đóng góp vào việc bảo vệ chủ quyền của đất nước. Làm sao duy trì được môi trường hòa bình, duy trì được quan hệ tốt với các nước.
Đối với vấn đề trên Biển Đông, chúng ta thừa nhận có những tranh chấp chủ quyền, do vậy, phải giải quyết thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển cũng như Tuyên bố ứng xử của các bên về Biển Đông (DOC) và tiến tới Bộ Quy tắc về ứng xử ở biển Đông (COC). Quan trọng nhất là làm sao đảm bảo chủ quyền và duy trì được môi trường hòa bình.
Tại Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 18 (ARF 18), ASEAN và Trung Quốc đã chấp thuận bản hướng dẫn thực thi tuyên bố về ứng xử ở Biển Đông (DOC), ông đánh giá như thế nào về kết quả này?
Đây là bước đi quan trọng để thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông đã được ký cách đây hơn 9 năm, sẽ đóng góp vào việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, là mối quan tâm lớn của các nước có liên quan hiện nay. Hy vọng việc thực thi tốt DOC sẽ là tiền đề quan trọng tiến tới xây dựng Bộ qui tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), là mục tiêu của ASEAN trong năm 2012.
Trả lời báo Tiền Phong, có chuyên gia cho rằng phải thực hiện công thức 3 C (công khai, công luận, công pháp) để bảo vệ chủ quyền, theo ông phải đẩy mạnh triển khai công thức này như thế nào?
Lập trường của chúng ta rất rõ ràng, đó là phải minh bạch, công khai. Chúng ta đã thực hiện nhất quán chủ trương này, hoàn toàn công khai, minh bạch. Những hoạt động của chúng ta cũng rất minh bạch trên các diễn đàn đa phương cũng như trong quan hệ với từng nước và phải giải quyết bất đồng thông qua thương lượng hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế.
Xin cám ơn Bộ trưởng!
Ngọc Tiến (thực hiện)