Bão số 3 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
>Bão số 3 đổ vào nước ta nhanh hơn dự kiến
TPO – Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, chiều tối 30-7, bão số 3 đổ bộ vào địa phận các tỉnh Thanh Hóa-Nghệ An và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
17h cùng ngày, khu vực thành phố Vinh có mưa lớn. Nếu mưa lớn kéo dài suốt đêm nay, khả năng sẽ xảy ra ngập lụt tại Vinh và các vùng phụ cận; Nguy cơ lũ quét tại các huyện miền núi. Ảnh: Quang Long-Minh Thùy |
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, ở trạm đảo Cô Tô có gió mạnh 17m/s (cấp 7), giật 27m/s (cấp 10); ở trạm đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh 21m/s (cấp 9), giật 25m/s (cấp 10); Văn Lý (Nam Định) 19m/s (cấp 8), giật 22m/s (cấp 9); Thái Bình 16m/s (cấp 7), giật 20m/s (cấp 8), ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) có gió mạnh 17m/s ( cấp 7), giật 22m/s (cấp 9), Hòn Ngư (Nghệ An) 18m/s (cấp 8), giật 22m/s (cấp 9).
Ở nam đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, có nơi mưa to và dông; với lượng mưa phổ biến 15 - 30mm; riêng Nghệ An - Quảng Bình có mưa to đến rất to, với lượng mưa phổ biến 50 - 100mm; một số nơi có mưa trên 100mm như Tp.Vinh 208mm; Hòn Ngư (Nghệ An) 240mm; Linh Cảm (Hà Tĩnh) 178mm; Tuyên Hóa (Quảng Bình ) 101mm…
Chiều tối nay (30/7), sau khi đi vào địa phận các tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An, bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Tối nay áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp.
Hồi 22 giờ, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 19,3 độ Vĩ Bắc; 104,9 độ Kinh Đông, trên khu vực Thanh Hóa - Nghệ An. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39km một giờ). Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp này di chuyển theo hướng Tây suy yếu và tan dần trên khu vực Trung Lào.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp, vùng ven biển các tỉnh từ Nam Định đến Nghệ An đêm nay (30/7) còn có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Ở phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to. Vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.
Ngoài ra, do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh, ở khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.
Đề phòng lũ quét
Tiếp tục chuyến công tác kiểm tra triển khai ứng phó bão số 3, chiều nay (30 - 7), đoàn công tác của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Trung ương do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát dẫn đầu, đã đi kiểm tra việc ứng phó bão số 3 tại một số xã ven biển của huyện Quỳnh Lưu, và làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Nghệ An.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An, tính đến 17 giờ chiều nay, 16.000 hộ dân ven biển đã được di dời đến nơi an toàn. Trước đó, lúc 15 giờ, toàn tỉnh có hơn 4.250 phương tiện được thông báo về bão số 3, đã vào bờ và neo đậu tránh bão.
Tại những điểm xung yếu có nguy cơ ngập úng, lũ ống, lũ quét đã cử cán bộ tăng cường ứng trực khi sự cố xảy ra. Nghệ An hiện còn 245 điểm có khả năng ngập, tập trung ở các điểm xung yếu như: Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thành phố Vinh, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò.