Nước mắt những người đàn bà chờ

Bà Hoàng Thị Vường và tờ giấy báo tử của chồng - liệt sỹ Đỗ Thành Can
Bà Hoàng Thị Vường và tờ giấy báo tử của chồng - liệt sỹ Đỗ Thành Can
TP - Những thiếu nữ mười tám, đôi mươi ngày ấy, giờ đã tóc bạc da mồi... Các mẹ, các chị đã đi qua bom đạn chiến tranh với nhiều đau thương, mất mát. Bao năm qua, họ chờ đợi tin tức của những người chồng, người con liệt sỹ…

> Tháng 7, Trường Sơn và Đồng Lộc

Bà Hoàng Thị Vường và tờ giấy báo tử của chồng - liệt sỹ Đỗ Thành Can
Bà Hoàng Thị Vường và tờ giấy báo tử của chồng - liệt sỹ Đỗ Thành Can.
 

Thành phố Vinh - Nghệ An một chiều mưa se sắt. Bà Hoàng Thị Vường thấy khách đến bèn gắng gượng ngồi dậy, tay khư khư giữ chặt tờ giấy báo tử. Nhiều năm qua, tờ giấy báo tử trở thành vật bất ly thân của bà.

“Hôm trước đi tìm mộ, giấy báo tử bị thất lạc, bà đứng ngồi không yên. Ngày nào bà cũng giục tôi xuống Sở LĐ-TB&XH Nghệ An xin cấp lại!”, chị Nguyễn Thị Nga, con dâu bà Vường kể. Nhận được giấy mới, bà Vường giữ riết.

“Mang theo bên mình tờ giấy báo tử của chồng, tôi như được ở gần ông ấy hơn!”, bà Vường nói. Tờ giấy báo tử mang tên liệt sỹ Đỗ Thành Can - chồng bà, như gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, kỷ vật cuối cùng của một mối tình đã đi vào thiên cổ. “Mới đó mà đã 42 năm, gần nửa thế kỷ trôi qua!”, bà Vường nhớ lại. Ký ức những năm tháng chiến tranh chợt ùa về, thổn thức, lay động.

“Năm tôi 18 tuổi thì về làm dâu nhà chồng. Tôi ở thôn Tân Quang, xã Quang Khải, chồng tôi ở Quang Phục thuộc huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Hai nhà cách nhau một con sông”, bà Vường lặng lẽ giấu giọt nước mắt lăn dài. Cưới nhau tháng Giêng năm 1959 thì 6 năm sau, chồng bà nhập ngũ.

Quân nhân Đỗ Thành Can theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường hành quân vào Nam, để lại sau lưng người vợ trẻ và hai đứa con thơ. Trong một lần về phép ngắn ngủi, vợ ông mang bầu. Đêm bà trở dạ, không có mặt chồng.

“Trong 3 đứa con thì chỉ có 2 đứa đầu biết mặt cha”, bà Vường kể. Một nách ba con nhỏ, bà Hoàng Thị Vường ở hậu phương xin vào hợp tác xã, chăm lo việc đồng áng. Những năm tháng chiến tranh, việc liên lạc giữa bà và chồng rất khó khăn, thông tin về chồng chỉ đến với bà qua những dòng thư viết vội. Năm 1969, nỗi âu lo của người vợ trẻ bỗng thành bi kịch: Một người làng từ chiến trường về báo tin, ông Đỗ Thành Can đã hy sinh.

“Lúc đó, tôi không tin anh ấy đã hy sinh, mẹ chồng tôi cũng không tin đó là sự thực!”, bà Vường nhớ lại. Sau luỹ tre làng, bà Vường vẫn một lòng chờ đợi, hy vọng một phép màu sẽ đưa ông Can trở về với gia đình. Năm tháng nặng nề trôi qua, cho đến lúc gia đình bà nhận được giấy báo tử của liệt sỹ Đỗ Thành Can thì tiếng khóc mới vỡ oà. Nhìn những đứa con lon ton chạy theo bước chân mẹ buổi hoàng hôn, lòng bà quặn đau như xát muối.

Từ lúc cưới nhau cho đến lúc chồng vào chiến trường, bấm đốt ngón tay, vợ chồng bà chẳng được gần gũi nhau bao nhiêu. Nỗi đau quá lớn khiến bà Vường suy sụp. Trên đường đời thăm thẳm, khi bom đạn chiến tranh đã lùi xa, đôi ba người xin được chung bước cùng bà nhưng bà đều từ chối. Bà chấp nhận ở vậy, thờ chồng, nuôi con.

Năm 1972, bà Hoàng Thị Vường cất bước vào Nghệ Tĩnh trong một chuyến ly hương. Bà được ưu tiên nhận vào Cty Hóa chất Vinh làm công nhân.

“Đi đâu, làm gì, cũng là số phận. Nhưng tôi vẫn tâm niệm, vào miền Trung để có cơ hội được gần ông ấy hơn!”, bà Vường khẽ lau nước mắt. Trong những ngày sống trên mảnh đất Nghệ Tĩnh, bà luôn nuôi hy vọng đi tìm bằng được hài cốt của chồng. Mấy chục năm qua, trong bà, hình ảnh người chồng yêu thương luôn hiển hiện.

Sức khỏe bà ngày một yếu theo tuổi già, không thể đi xa. Con trai, con dâu bà thay mẹ lặn lội vào Nam tìm hài cốt của cha.

“Tôi tin là một ngày nào đó, ông ấy sẽ về đoàn tụ với quê hương, với gia đình!”, bà Vường hy vọng. Và suốt gần nửa thế kỷ cất bước đi tìm chồng, tờ giấy báo tử, kỷ vật cuối cùng của liệt sỹ Đỗ Thành Can chồng bà vẫn luôn ấm áp ở bên bà.

Một lời hẹn ước, bà Huệ vẫn ở vậy thờ người thương
Một lời hẹn ước, bà Huệ vẫn ở vậy thờ người thương.

Một lời hẹn ước

Ba mươi tám năm về trước, ngày cả nước “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước…”, cô gái thanh niên xung phong Phùng Thị Huệ, xóm Hội Tiến, xã Xuân Hội, Nghi Xuân (Hà Tĩnh) lặng lẽ chèo thuyền vượt dòng Lam giang trong đêm mưa đến gõ cửa phòng lãnh đạo huyện xin được lên đường vào chiến trường Bình - Trị - Thiên.

Trong mưa bom bão đạn, một cô gái sôi nổi, hồn nhiên, tinh nghịch lại phải lòng một chàng thanh niên xung phong cùng quê Đặng Xuân Thọ, vốn ít nói, luôn đề cao tính kỷ luật. “Hồi đó các o (cô) biết yêu đương chi mô, trộ (thấy) mọi người hay trêu nên anh ấy hay nhìn o. Nào ngờ, ánh mắt ấy cho đến tận giờ này o vẫn không thể quên”, cựu nữ thanh niên xung phong Phùng Thị Huệ nhớ lại.

Gần ba năm trời, hàng trăm đoạn đường bị bom địch đánh phá được nối lại, hàng nghìn hố bom được san lấp nhưng tình yêu của họ chỉ dừng lại ở ánh nhìn, cái bắt tay của tình đồng chí, đồng đội. Nhưng trong họ luôn có một niềm tin mãnh liệt là đất nước sẽ hết chiến tranh để đôi lứa họ được đến với nhau.

Cuối năm 1970 khi hoàn thành nhiệm vụ được giao, đội thanh niên xung phong huyện Nghi Xuân trở về địa phương. Bố mẹ đã nhắm cho o Huệ một thanh niên trong làng vừa được người, vừa được nết. Huệ từ chối và thú nhận với bố mẹ mình đã có người yêu, một chàng thanh niên xung phong quê ở xã Xuân Giang, cách nhà hơn chục cây số.

Oái oăm thay, vừa trở về địa phương, cũng là lúc anh Thọ lên đường đi Hải Phòng học hàng hải. Một ngày đầu hạ năm 1970, chiến tranh ác liệt, anh Thọ phải nghỉ học giữa chừng lên đường nhập ngũ. Như lường trước sự việc, trước ngày lên đường anh Thọ vượt hàng trăm cây số về tận thôn Hội Tiến tìm nhà o Huệ xin được làm đám cưới.

Gia đình, họ hàng chưa kịp vui, bỗng o Huệ tuyên bố: “Đất nước chưa thống nhất, anh chưa trọn nhiệm vụ. Anh phải giết hết quân thù, dù có chờ năm năm, mười năm và hơn thế nữa em vẫn chờ”.

Chiến tranh ác liệt, từ chiến trường, anh Thọ tranh thủ viết thư về động viên người yêu. Hơn 2 năm trời, với 21 lá thư chứa đầy yêu thương được o Huệ cẩn thận gìn giữ, nâng niu, “Trời ơi anh ấy viết thư lãng mạn lắm. Cả 21 lá thư đều ép hoa hồng với lời nhắn đợi anh về em nhé. Rứa thì ai mà quên được!”, bà Huệ nở nụ cười khi nhớ về những bức thư anh Thọ gửi.

Một chiều đầu năm 1973, nhận tin anh Thọ hy sinh, o Huệ khóc ngất. Một tháng trời, o nằm một chỗ không ra khỏi nhà. Thời gian dần nguôi ngoai, bố mẹ Huệ tiếp tục động viên con kết hôn. “Lúc đó o như người khùng, hết gào khóc lại nghĩ đến tự tử. Đêm nào o cũng mơ thấy anh Thọ đứng cạnh giường nhưng không nói năng chi”, o Huệ nhớ lại.

O dốc hết số tiền chạy chợ, vay mượn thêm bạn bè thuê thợ dựng căn nhà tạm ven sông. Căn nhà đơn sơ nhưng ngăn nắp, chiếc bàn thờ được đặt trang trọng với di ảnh liệt sỹ Đặng Xuân Thọ cùng 21 lá thư. Cứ đến ngày giỗ, ngày tết, sau phần hương khói ở nhà, o Huệ lại đạp xe lên nhà anh Thọ để khói hương, thờ tự. “Từ ngày anh Thọ mất, họ hàng, người thân gia đình anh ấy coi o như người dâu con trong nhà”, o Huệ tâm sự.

Ban ngày chạy chợ thì nguôi ngoai, nhưng khi màn đêm buông xuống, trong căn nhà nhỏ ven sông, chị lại khóc. Không phải chị khóc cho phận gái bạc bẽo của mình mà khóc cho người yêu đi mãi không về. Thế nhưng biết làm sao được khi thông tin trên giấy báo tử chỉ vỏn vẹn vài dòng chữ “Liệt sĩ Đặng Xuân Thọ hy sinh tại mặt trận phía Nam, mai táng gần khu vực của đơn vị”.

Biết là mò kim đáy biển nhưng chị vẫn quyết tâm. Với ba triệu đồng sau gần năm năm tích cóp từ tiền chạy chợ, năm 1985, chị lên đường vào Quảng Bình, Quảng Trị tìm đến tất cả các nghĩa trang, nhưng đều vô vọng. Chị lại tiếp tục chạy chợ, nuôi gà, nuôi lợn. Tích cóp được vài triệu, chị lại khăn gói lên đường vào Quảng Trị, Khánh Hòa, Đăk Lăk…

“Trong giấc mơ, anh Thọ thường đứng cạnh giường nhìn o như trách móc một điều gì đó”, chị Huệ nhắc lại. Thế là chị lại lên đường, không một nghĩa trang nào chị không tìm tới. Sau bao năm tìm kiếm, chị thỏa ước nguyện duy nhất theo suốt cuộc đời, cuối năm 2010, qua một số thông tin của đồng đội, hài cốt liệt sỹ Đặng Xuân Thọ được tìm thấy ở tỉnh Tiền Giang dưới sự chứng kiến của nhiều đồng đội anh.

Bài 2: Mẹ mong tìm thấy các con

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG