> Công trình nghìn tỷ chưa hoàn thành đã xuống cấp
> Xe tải né mua vé, Quốc lộ 38 bị cày nát
> Từ hôm nay xe tải được nâng tải trọng khi lưu thông
Đua nhau xuống cấp
11 giờ trưa 10-7, xa lộ Hà Nội (TPHCM) đông nghịt. Từ Ngã ba Cát Lái đến Ngã tư MK, ô tô, xe tải, xe container lũ lượt nối đuôi vắt qua nhánh biên cầu Rạch Chiếc mở máy và bấm còi inh ỏi. Hai nhánh cầu Rạch Chiếc được đưa vào khai thác cuối tháng 12-2010 với tổng vốn đầu tư 346 tỷ đồng. Mới thông xe hơn nửa năm, công trình đã bắt đầu xuống cấp. Trên nhánh cầu hướng từ Thủ Đức vào trung tâm TPHCM, lớp bê tông nhựa phủ trên các khe co giãn bị bong tróc, làm lộ lớp lưới thép bên trong. Một số vị trí trên mặt cầu bị lõm xuống, rạn nứt. Trên nhánh cầu còn lại, mặt đường bị rạn nứt, tại vị trí dốc cầu phía quận Thủ Đức bị võng xuống gần 10cm. Theo Khu Quản lý giao thông đô thị số 2, nhựa bê tông bị rạn nứt, bong tróc là do có sự chênh lệch nhiệt độ khiến dầm cầu bị co giãn, đồng thời mật độ xe tải nặng lưu thông quá lớn.
Ngoài lưu lượng xe tải nặng từ nội thành TPHCM, mỗi ngày cầu Rạch Chiếc còn cõng hàng nghìn lượt xe tải nặng, container ra vào nhận hàng từ cảng Cát Lái (quận 2), cảng Phước Long IDC (quận 9) và hàng loạt kho hàng dọc xa lộ Hà Nội.
Đại lộ Đông - Tây, đoạn đi qua địa bàn quận 2 cũng bị lún, nứt khá nghiêm trọng. Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị (chủ đầu tư) cho biết, thiết kế mặt đường chỉ chịu được trục xe tối đa 12 tấn nhưng thực tế đại lộ phải gánh rất nhiều xe container, xe siêu trường siêu trọng có tải trọng gấp 4 lần cho phép.
Ngược với các ý kiến trên, một số chuyên gia cầu đường và các DN vận tải lại cho rằng căn nguyên xuống cấp là do công trình thi công kém chất lượng, nền đất yếu, xử lý lún lại không hiệu quả.
Buộc phải phạm luật?
Nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các DN vận tải, tháng 2-2011, Bộ GTVT đã ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung. Theo đó, tổng trọng lượng xe container được nâng lên đến 48 tấn (tùy theo số trục xe). Theo Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM (HHVT), quy định mới đã “cởi trói” cho các DN vận tải.
Tuy nhiên, theo Tổng Thư ký HHVT Thái Văn Chung, những bất cập về tải trọng cầu đường bộ vẫn chưa được tháo gỡ. Trừ các cầu mới xây theo tiêu chuẩn mới không gắn biển báo giới hạn tải trọng, các cây cầu cũ vẫn gắn biển báo tối đa không quá 30 tấn (tổng trọng lượng cả xe và hàng). Trong lúc đó, trọng lượng xe khoảng 11 - 14 tấn, vỏ container 4 tấn và theo tiêu chuẩn chung của quốc tế, một container chứa tối đa từ 30,48 tấn đến 32,77 tấn hàng.
Nếu căn cứ vào biển báo tải trọng trên phần lớn cầu như hiện nay là từ 18-25 tấn (thậm chí có cầu nằm trên QL 1A thuộc huyện Bắc Bình Minh đi Cần Thơ chỉ cắm biển báo 16 tấn) và căn cứ vào quy định về tải trọng của Cục Đăng kiểm (chưa bằng 1/6 tiêu chuẩn chung của thế giới) thì nhiều khi chỉ xe chở container rỗng qua cầu cũng đã quá tải và bị phạt. Do đó, gần như 100% xe đầu kéo chở container đều vi phạm lỗi quá tải trọng cầu và bị xử phạt nặng, trong lúc tổng trọng lượng cả xe và hàng chưa vượt quá quy định thông tư, sửa đổi trên (44 - 48 tấn). Muốn “vượt vũ môn”, DN vận tải phải xin giấy phép lưu hành xe quá khổ, do Bộ GTVT quy định.
Giấy phép con hành doanh nghiệp
Ngày 9-7, HHVT đã làm việc với các đơn vị thành viên xung quanh quy định xin “giấy phép lưu hành xe quá khổ giới hạn trên đường bộ”.
Cái khó đối với các doanh nghiệp chuyên vận chuyển hàng thiết bị là hàng nguyên đai, nguyên kiện của khách hàng có giá trị lên đến vài triệu USD, không thể tháo rời. Theo một số DN, loại giấy phép trên thực tế chỉ sao lại những thông tin đã được chứng nhận trong sổ đăng kiểm phương tiện. Mục “nơi đi” của giấy phép chỉ được ghi chung chung là “TPHCM”, dẫn đến việc CSGT hoặc thanh tra Sở GTVT TPHCM “bắt bí” với lỗi lưu thông không đúng lộ trình, phạt tài xế 4 triệu đồng và tạm giữ giấy phép lái xe 30- 60 ngày.
Trong khi đó, Sở GTVT TP hiện vẫn chưa ban hành được danh mục các tuyến đường cho phép loại xe chở hàng là thiết bị quá khổ lưu thông, dẫn đến tình trạng xe được đăng ký là quá khổ nhưng dù không vận chuyển hàng thiết bị cũng bị tuýt còi. Theo Phó Chủ tịch Thường trực HHVT Lương Hoàng Trung, DN bị hành với loại giấy phép con trên đã tồn tại nhiều năm nay. Năm 2009, HHVT đã làm việc với Khu Quản lý đường bộ 7 (Bộ GTVT), Sở GTVT TPHCM. Đại diện Sở GTVT cam kết nhanh chóng đưa ra danh mục các tuyến đường cho phép xe quá khổ lưu thông nhưng đến nay vẫn chỉ là lời hứa.
Theo một số DN vận tải, Bộ GTVT cần sớm loại bỏ giấy phép con và Sở GTVT TPHCM sớm đưa ra danh sách các tuyến đường cho phép xe quá khổ lưu thông, để các doanh nghiệp khỏi bị phạt oan.
(còn nữa)