Thương nhân Trung Quốc đổ xô về Lục Ngạn mua vải thiều

Thương nhân Trung Quốc đổ xô về Lục Ngạn mua vải thiều
TP - Vài năm trở lại đây, nhiều thương nhân Trung Quốc tìm đến Lục Ngạn (Bắc Giang) để thu mua vải thiều. Năm nay, có tới hơn 100 tư thương Trung Quốc xuất hiện tại Lục Ngạn.

> Bắc Giang: Vải thiều sớm mất mùa, rớt giá
> Giải mã tư thương Trung Quốc mua gom nông sản

Chị Trần Hương Lý (người Trung Quốc) năm nào cũng về Lục Ngạn để đặt các điểm cân vải thiều, thu mua rồi vận chuyển về Trung Quốc bán. Cách làm của chị cũng giống như nhiều thương nhân người Hoa ở đây, đó là thuê các điểm cân, mua ở những nơi tập trung đông vải thiều đẹp như khu vực xã Hồng Giang, Phì Điền, thị trấn Chũ... Sau đó, họ nhờ chủ nhà đứng ra mua thùng xốp, đá và thuê người làm.

Đích thân những thương nhân Trung Quốc sẽ đứng ra chọn và quyết định giá mua vải thiều. Trần Hương Lý cho biết: “Bản thân tôi đặt 4-5 điểm thu mua ở thị trấn Chũ, mỗi ngày thu mua khoảng 14-15 tấn vải thiều tươi xuất khẩu về Trung Quốc. Chi phí cho các hoạt động thu mua vải được chuyển qua ngân hàng, mỗi năm đến hàng chục tỷ đồng”.

Tại điểm cân, mua khác, một người đàn ông Trung Quốc mặc áo ba lỗ, quần soóc nâu cùng một cây bút bi, một tập giấy nhỏ chăm chú nhìn những chiếc xe máy chở vải thiều đi qua. Vẫy một xe chở vải đẹp lại, lấy tay lật lật chùm vải, người đàn ông Trung Quốc ghi vào tờ giấy số 8 rồi xé đưa cho người bán vải, người này liền xua tay, không đồng ý.

Sau một phút suy nghĩ, người đàn ông Trung Quốc ghi tiếp vào tờ giấy kế tiếp số 9, đưa cho người kia rồi chỉ chỗ cân vải. Một cán bộ ngành công thương huyện Lục Ngạn đi cùng tôi cho biết, vậy là cuộc mua bán đã xong, giá chấp nhận là 9.000 đồng/kg.

Hỏi chuyện người đàn ông Trung Quốc thông qua phiên dịch, anh ta cho biết: Tên anh ta là Thủy Thanh Sơn, năm nay mới đến Việt Nam lần đầu tiên nên chưa nói được tiếng Việt. Chính quyền ở đây cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người Trung Quốc đến mua vải nên anh không gặp phải khó khăn gì, Thủy Thanh Sơn đã ở đây gần một tháng qua.

Bà Trương Thị Đào, chủ một điểm thu mua vải ở Lục Ngạn cho biết: Các thương nhân Trung Quốc chủ yếu mua loại vải thiều đẹp (vải loại I) và sẵn sàng trả mức giá cao hơn 5-10% so với giá của thương nhân Việt Nam.

Năm nay, được mùa vải nên các thương nhân Trung Quốc đến nhiều hơn. Có người mang theo cả thanh niên Trung Quốc sang làm các công việc lặt vặt như cân, đóng hộp, vận chuyển... Nhiều người dân trồng vải cũng muốn bán cho các thương nhân Trung Quốc không chỉ bởi giá vải cao mà còn bởi việc mua bán thường rất nhanh chóng, dứt khoát, không có chuyện cò kè, mặc cả nhiều.

“Tuy nhiên, cũng vì các thương nhân Trung Quốc mua hết vải đẹp nên không có vải thiều đẹp cung cấp cho thị trường trong nước, các thương nhân Việt cũng gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh với thương nhân Trung Quốc” - bà Đào nói.

Hiện nay, vải thiều đang bước vào giai đoạn chính vụ nên lượng thương nhân khắp nơi đổ về Lục Ngạn nhiều. Với sản lượng vải thiều tăng gấp đôi năm ngoái và các thương nhân Trung Quốc đã quen với thị trường Bắc Giang nên lượng tư thương Trung Quốc tại Lục Ngạn cũng tăng lên đáng kể.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong vụ vải thiều này đã có hơn 100 tư thương người Hoa có mặt ở Lục Ngạn và khả năng con số này sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Khảo sát sức mua tại các điểm cân lớn cho thấy, các tư thương Trung Quốc tiêu thụ đến 40% sản lượng vải thiều Lục Ngạn.

Tuy nhiên, vải thiều của các huyện khác thì hầu như các thương nhân này không mua bởi chất lượng, hình thức đều kém hơn nhiều so với vải thiều Lục Ngạn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.