Mặc vào rồi lại cởi ra

Mặc vào rồi lại cởi ra
TP - Trước vấn nạn ‘sưa tặc’ hoành hành, cơ quan quản lý tỏ ra lúng túng trong việc tìm giải pháp bảo vệ hiệu quả. Những sáng kiến bảo vệ sưa triển khai đến thời điểm này cơ bản phá sản.

Bảo vệ cây sưa bằng “váy thép”:

Mặc vào rồi lại cởi ra

> Khi cây xanh mặc… váy thép

Chỉ điểm hay gợi lòng tham?

Hàng loạt vụ sưa tặc táo tợn làm hàng chục cây sưa từ vài năm đến hàng chục năm tuổi bỗng dưng biến mất trong đêm khiến những người quản lý đau đầu tìm biện pháp bảo vệ. Từ việc đóng những thanh sắt dài vào thân cây nhằm gây khó cho những cưa thủ nhưng rồi cũng bị sưa tặc hóa giải. Những cây sưa cứ thế bốc hơi dần và những người yêu Hà Nội cảnh báo với tốc độ lộng hành này của sưa tặc, tương lai không xa trong danh mục những cây xanh quý hiếm của thủ đô văn hiến khái niệm cây sưa biến mất.

Cùng tắc biến! Đến lúc này chưa xác định ai là tác giả của sáng kiến mặc váy thép cho cây sưa. Người ta đồng loạt triển khai sáng kiến này cho những cây sưa còn lại. 20 cây sưa trên đường Xuân Thủy đoạn thuộc phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) được hàn những khung sắt cao từ 1,5 đến 2 mét dựng lên quanh gốc sưa, như khung váy của tiểu thư quý tộc châu Âu thế kỷ 18. Bên ngoài khung váy này, người ta phủ tôn cứng vít chết vào khung và yên chí rằng từ nay sưa tặc…bó tay.

Nhiều mốt “váy thép” cho sưa
Nhiều mốt “váy thép” cho sưa.
Càng che, càng thuận lợi để chứa rác
Càng che, càng thuận lợi để chứa rác.

Được mấy ngày, nhiều người đi đường thấy chuyện dị thường sưa xanh mặc váy thép và có lời ta thán rằng, đóng váy cho sưa khác chi chỉ điểm cho sưa tặc khỏi phải mất công tìm, mà cứ thế thấy cây nào có váy thép là đốn hạ. Lại có ý khác, đã là sưa tặc thượng thặng thì có nhắm mắt cũng biết đâu là sưa, đâu là xoan. Có chăng đóng váy mặc định như thế thì khiến cho những người không biết cây sưa là gì cũng nảy sinh lòng tham muốn đoạt. Rồi lại có nhiều ý kiến dưới góc độ mỹ quan đô thị và văn hóa. Như tiến sỹ Mỹ học Thế Hùng, Nguyên giám đốc Chương trình nghệ thuật, Trung tâm nghiên cứu văn hóa Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) nói: Việc quây váy thép cho cây xanh, thế giới chưa ai làm. Làm như vậy thật ngớ ngẩn, hành động bột phát của trẻ con, phi thẩm mỹ và ấu trĩ. Việc dùng thùng tôn quây gốc cây sưa để chống trộm, chỉ là giải pháp nhất thời. Về lâu dài, cần giáo dục cho cộng đồng cái tôi văn hóa, xây dựng lòng tự trọng để bảo vệ thủ đô Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Lan, Dịch Vọng (Cầu Giấy) nói, việc dùng tôn, sắt để quây, chẳng khác nào nhốt cây xanh vào cũi. Đến cây xanh còn bị cầm tù thì còn gì là môi trường nữa! Đó là chưa nói đến việc về lâu dài, những tấm tôn, thanh sắt sẽ bị han rỉ có thể làm cho sưa ngộ độc, có thể chết vì rác và nước thải.

Chê thì cởi

Sáng qua, 7-7, cũng vội vàng như khi mặc vào, người ta lại vội vàng cởi bỏ một phần váy thép giải phóng cho sưa. Vội vàng đến mức, hiện trường để lại nham nhở kiểu nửa kín nửa hở, chìa hết xương cốt của khung xương ra ngoài rất nguy hiểm cho người đi đường. Sự dang dở này thuận lợi cho những người thiếu ý thức tranh thủ đổ rác, đặt bếp than tổ ong, phóng uế…

Váy được cởi, gốc sưa thành nơi đặt bếp than tổ ong
Váy được cởi, gốc sưa thành nơi đặt bếp than tổ ong.

Trao đổi với ông Nguyễn Xuân Hưng-phó Tổng Giám đốc Cty TNHH nhà nước một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội, ông nói: Việc dùng sắt thép quây gốc cây sưa là do quận và phường làm. Chúng tôi không biết. Qua thông tin từ báo chí chúng tôi mới biết và đang lên kế hoạch xử lý.

Quảng cáo vặt đã xuất hiện
Quảng cáo vặt đã xuất hiện.

Chưa có tài liệu chính thức nào nói về tác dụng của cây gỗ sưa. Tuy nhiên, một số người kinh doanh loại gỗ này cho rằng, người ta mua gỗ sưa để làm hương liệu ướp xác, dược liệu, làm đồ thờ cúng, đồ gia bảo. Tuy nhiên thông tin này chưa được kiểm chứng và chưa có tài liệu khoa học nào chứng minh.

Ngày 30-6-2006, Chính phủ ban hành Danh mục thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm kèm theo Nghị định 32/NĐ-CP, thì cây sưa hay còn gọi là huê mộc vàng, trắc thối có tên khoa học là Dalbergia tonkinesis thuộc nhóm 1A, nhóm thực vật có giá trị đặc biệt về kinh tế, khoa học và môi trường. Số lượng còn ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng, nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG