Lúng túng trước luật mới

Rừng mất, nhà dân ngập cát vì khai thác titan ở Bình Định Ảnh: Việt Hương
Rừng mất, nhà dân ngập cát vì khai thác titan ở Bình Định Ảnh: Việt Hương
TP - Sở TN&MT các tỉnh có hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản có phép cũng như không phép nói rằng, rất khó áp dụng Luật Khoáng sản (có hiệu lực từ ngày 1-7) vì chưa có văn bản hướng dẫn. Một số quan chức còn nêu ra vài điểm bất cập trong luật mới.

> 'Chặt tay' vàng tặc

Rừng mất, nhà dân ngập cát vì khai thác titan ở Bình Định Ảnh: Việt Hương
Rừng mất, nhà dân ngập cát vì khai thác titan ở Bình Định.
Ảnh: Việt Hương.
 

Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, đơn vị tham mưu có tiếng nói gần như quyết định lên UBND tỉnh việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản cũng như kiểm tra, truy quét vàng tặc, nói rằng, hiện vẫn chưa biết triển khai Luật Khoáng sản như thế nào…

Ông Doãn Văn Thanh, Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam) cho hay, 2 đoàn kiểm tra liên ngành vừa hoàn thành việc kiểm tra khai thác khoáng sản ở hầu hết các huyện miền núi. Tuy nhiên, việc kiểm tra chỉ dừng lại ở một số đơn vị khai thác có phép, còn trái phép vẫn chưa thể đẩy đuổi tận gốc.

Theo ông Thanh, việc kiểm tra truy quét khai thác trái phép, đặc biệt là vàng tặc, vẫn chỉ là kết hợp, đi trên đường gặp đâu xử lý đó. Bởi hiện nay, vàng tặc không tổ chức quy mô rầm rộ như ngày xưa mà đi từng tốp nhỏ lẻ, ẩn sâu trong rừng, muốn kiểm tra, truy quét phải mất nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày đi bộ trong rừng. Vì thế, vấn nạn vàng tặc rất khó làm được tận gốc, dẹp chỗ này bùng lên chỗ khác.

“Khi chúng tôi đi kiểm tra ở huyện Phước Sơn, giờ không còn là điểm nóng nữa thì ở Nam Giang lại bùng lên, rồi sau đó là Tây Giang, Đông Giang… Đẩy đuổi trái phép cực kỳ khó khăn”, ông Thanh nói.

Chỉ là nhân tiện truy quét trên đường đi, nhưng qua đợt kiểm tra vừa rồi, hàng trăm lán trại, hàng trăm phương tiện, nhiều tàu cuốc, hàng ngàn lít dầu, máy nổ… đã bị tịch thu rồi tiêu hủy. Như vậy có thể thấy, rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn cũng như cuộc sống người dân vùng thượng và hạ lưu các dòng Vu Gia, Thu Bồn bị vàng tặc tàn phá khủng khiếp đến mức nào, ông nói.

Việc kiểm tra các đơn vị khai thác có phép mà theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Phước Thanh, là “quyết liệt nhất từ trước đến nay” có kết quả sạch sẽ hơn so với dự kiến: chỉ có 3 đơn vị khai thác vàng ở huyện Nam Giang, Đại Lộc và Tây Giang bị đề nghị thu hồi giấy phép.

“Chúng tôi đang tập hợp kết quả thành văn bản báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh để UBND lập đoàn kiểm tra, thanh tra lại kết quả mà 2 đoàn liên ngành vừa đưa ra. Với cách thức trên, sẽ rất khó đưa ra kết quả khác với thực tế”, ông Doãn Văn Thanh nói.

Rừng mất, nhà dân ngập cát vì khai thác titan ở Bình Định Ảnh: Việt Hương

Đãi vàng trái phép ở Quảng Nam. Ảnh: Nam Cường

 

Chờ hướng dẫn

Ông Nguyễn Viễn, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, cho hay, Luật Khoáng sản được ban hành từ năm 2010 và có hiệu lực từ ngày 1-7-2011, nhưng các đơn vị chưa nhận được văn bản hướng dẫn thi hành luật nên rất lúng túng trong việc triển khai, hiện vẫn chủ yếu dựa vào luật cũ để làm việc.

Theo ông Doãn Văn Thanh, muốn triển khai luật một cách trơn tru, cần rất nhiều văn bản hướng dẫn thi hành luật cụ thể, như: nghị định hướng dẫn thi hành Luật quy định chi tiết việc hoàn trả chi phí điều tra cơ bản về địa chất về khoáng sản, chi phí thăm dò; quy định chi tiết khoanh định khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ; quy định chi tiết việc lựa chọn tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản; quy định chi tiết việc chuyển nhượng thăm dò khoáng sản, cấp, gia hạn, trả lại giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản, trả lại một phần diện tích khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản; thủ tục quy định thẩm định, phê duyệt trữ lượng; nghị định xử phạt vi phạm hành chính về khoáng sản…

Luật Khoáng sản mới có 11 chương, 86 điều, nhiều hơn so với luật cũ năm 1996 (66 điều, 10 chương) với 10 điểm mới như: Chiến lược, quy hoạch khoáng sản; Bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, bảo vệ nguồn lợi địa phương, người dân nơi có khoáng sản đang khai thác; Quy định cấp giấy phép; Thẩm quyền cấp phép…

“Hàng ngàn phương tiện không thể tiêu hủy, vì sao? Vì luật quy định phương tiện thuê lại thì vô can. Vàng tặc có thể lách điều này bằng những hợp đồng khống, muốn kiểm tra cũng rất khó chứ đừng nói tiêu hủy, tịch thu. Trung ương chưa trả lời, mà có trả lời chắc chắn cũng theo luật thôi”, ông Doãn Văn Thanh nói.

Theo ông Viễn, Luật Khoáng sản vừa có hiệu lực có một điểm mới rất cơ bản là UBND tỉnh chỉ được cấp giấy phép khai thác khoáng sản than bùn, vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản tận thu. Còn lại, tất cả đều phải quy về trung ương, cụ thể là Bộ TN&MT.

Khai thác trái phép thường… dựa hơi có phép. Nhiều nơi gần như cả hai loại làm chung với nhau. Vì thế, với quy định chỉ Bộ TN&MT được quyền cấp phép, sẽ khó khăn hơn đối với cấp địa phương truy quét, đẩy đuổi những người khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt là vàng tặc.

Theo ông Hồ Quốc Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, luật mới phù hợp với công tác quản lý khoáng sản đi vào nề nếp, nhưng tỉnh chưa nhận được văn bản hướng dẫn của Chính phủ, nên dù đã sẵn sàng nhưng vẫn phải chờ.

“Tài nguyên mất đi rất nhiều, hậu quả về môi trường để lại cũng không ít, khắc phục hậu quả là bài toán khó mà UBND tỉnh Bình Định chưa tìm ra cách giải… UBND tỉnh vô cùng thắc mắc tại sao Nhà nước không biến đồng tiền chết ký quỹ phục hồi môi trường thành đồng tiền sống”, ông Dũng nói.

Theo ông, số tiền mà doanh nghiệp ký quỹ không chỉ không đủ cho việc hoàn thổ vùng dự án mà còn bị đóng băng một chỗ, trong khi đồng tiền bị rớt giá. Đó chính là nguyên nhân doanh nghiệp chây ì trong khâu hoàn thổ, khiến việc phục hồi môi trường kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đời sống nhân dân, ông Dũng nhận định.

Đại diện Sở TN&MT Bình Định, ông Lê Minh Luận, cho biết: “Sở cũng đang rà soát lại tất cả văn bản của UBND tỉnh theo luật cũ để tập hợp khi có thông tư hướng dẫn mới từ cấp trên gửi về để cùng nhau phối hợp triển khai thực hiện”.

Theo ông Luận, một số văn bản liên quan cơ chế quản lý khoáng sản trước đây có kẽ hở để doanh nghiệp lách luật, để chạy theo lợi nhuận trước mắt, gây ra hậu quả rất nặng nề về môi trường.

Tháng trước, Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Bình Định dừng việc cấp phép thăm dò, khai thác titan trên địa bàn. Đoàn thanh tra của Bộ TN&MT cũng thanh tra, kiểm tra các dự án khai thác, chế biến titan để lại nhiều tác hại về môi trường và phát hiện 7/21 giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản titan do UBND tỉnh cấp phép không đủ tiêu chuẩn, đề nghị phải thu hồi.

Cách chức chủ tịch huyện nếu để “khoáng tặc” nghiêm trọng

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Phước Thanh, nạn khai thác trái phép vẫn “nóng” dù các năm qua nhiều lần truy quét vì “làm chưa quyết liệt, chưa dài hơi”. Lần này, phải quyết liệt và có lộ trình lâu dài.

“Các đoàn kiểm tra phải công khai và minh bạch. Sau khi các đoàn liên ngành kiểm tra xong, đoàn của lãnh đạo tỉnh sẽ đi thị sát, thanh tra lại kết của của các đoàn kiểm tra. Nếu thực tế không đúng như báo cáo thì cán bộ phải chịu trách nhiệm”, ông Lê Phước Thanh nói.

Ông Thanh cho biết, UBND tỉnh đã trao quyền trực tiếp xử lý việc khai thác khoáng sản cho các chủ tịch huyện; nếu huyện nào làm không rốt ráo, để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép nghiêm trọng, kéo dài, có thể cách chức chủ tịch UBND huyện đó.

“Hình thức kỷ luật dành cho chủ tịch huyện, nhẹ nhất là cảnh cáo, nặng có thể bị cách chức. Với mức kỷ luật nặng này, UBND tỉnh sẽ đề nghị HĐND huyện đó đề xuất ý kiến lên Tỉnh ủy. Thú thật, việc này chưa có tiền lệ và cũng hơi khó thực hiện. Nhưng không còn cách nào khác, phải cương quyết thôi”, ông Thanh nói với PV Tiền Phong.

Ngoài việc nhất quyết thu hồi giấy phép của những doanh nghiệp vi phạm, tỉnh cũng tạm dừng cấp phép khai thác khoáng sản. “Các giấy phép đã hết hạn không được gia hạn. Phải chấn chỉnh quyết liệt, sau khi đã đi vào ổn định, tình hình lắng dịu mới tùy theo để cấp mới hoặc gia hạn. Không thể để tình trạng năm nào cũng có người chết, năm nào cũng có sập hầm vàng diễn ra ở Quảng Nam”, ông Thanh nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG