'Chặt tay' vàng tặc

'Chặt tay' vàng tặc
TP - Trước thực trạng núi lở, sông tắc vì nạn khai thác vàng trái phép, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam quyết định áp dụng những biện pháp xử lý kiên quyết: “Phá hủy tất cả phương tiện đào đãi của vàng tặc, cách chức chủ tịch huyện nào để xảy ra tình trạng khai khoáng trái phép”.

Khoáng sản trước giờ giới nghiêm - Bài 3:

'Chặt tay' vàng tặc

> Miền địa đạo thiếc tặc
> Biến dạng vì ti tan

Sông cạn, đá mòn

Hầu như tất cả các xã trên địa bàn huyện đều xảy ra khai thác trái phép, như Phước Chánh, Phước Công, Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc, Phước Xuân, Phước Đức, Phước Hòa, Phước Hiệp… Hàng chục năm nay, dân tứ chiếng đổ về thị trấn Khâm Đức thuộc Phước Sơn để đào đãi vàng sa khoáng. Thời gian gần đây rộ lên hai điểm nóng là huyện Nông Sơn và Đông Giang.

“Trước đây trồng cây bắp là có bắp, trồng lúa có hạt lúa, giờ không có gì nảy mầm được trên những mảnh đất này... Tội con cháu, không biết lấy gì mà trồng lúa, trồng keo. Nước sông không còn, đất đai cũng hết” - Ông Ái Văn Xước (một người dân Quảng Nam)

Tại Khe Tăng (Phước Thành), suối đục ngầu chảy, đưa chất thải thẳng ra dòng Vu Gia. Hai dòng sông Vu Gia và Thu Bồn cùng hàng chục nhánh sông nhỏ ở Quảng Nam bị ô nhiễm nặng, thay đổi dòng chảy vì mỗi ngày có đến hàng chục tàu cuốc, hàng trăm nhóm thợ đào quật lòng sông tìm vàng sa khoáng.

Ông Doãn Văn Thanh nói rằng, bây giờ, từ huyện Phú Ninh đến Phước Sơn, rồi Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang, Nam Trà My…, tất cả các lòng sông đều không thoát khỏi nạn vàng tặc.

Sông Vàng đoạn chảy qua xã Ba và xã Tư (huyện Đông Giang) trước đây là nguồn nước tưới tiêu, thủy lợi cho cả vùng. Nhưng sông đang có nguy cơ biến mất bởi nạn khai khoáng trái phép. Gần một năm trước, đoạn sông này đã tắc dòng, nước vàng khè, nhưng đất rừng hai bên vẫn rộng lớn. Hiện giờ, đất rừng bị khoét sâu về hai phía làng mạc. Nhiều nhà vừa trồng keo được độ 1-2 năm đã hạ xuống để bán đất cho các Cty khai thác vàng kiếm vài chục triệu đồng mua tivi, xe máy, điện thoại... Bà Trần Thị Phước (người dân thôn Đa Nghi, xã Tư) vừa cùng chồng đi mót xái vàng về, nói: “Ở đây, giờ người dân hầu như không có giấc ngủ trưa. Chú xem chỗ cái máy đó trước là lòng sông, giờ khác gì công trường. Không chừng khi thiếu đất người ta lại ra giữa sông mà xây nhà”.

Đất nông nghiệp ven sông suối cũng bị đầu nậu mua đứt (thỏa thuận ngầm với người dân) để cày xới lên lấy vàng, bỏ lại sỏi đá và thạch tín (cyanua). Theo lãnh đạo HĐND tỉnh Quảng Nam, vàng tặc trong tỉnh mỗi năm dùng hơn 1.000 tấn hóa chất cực độc này để đãi vàng. Nhiều người cả đời gắn bó với nương rẫy quyết giữ đất tới cùng, nhưng không ít người bị đưa vào cái thế không bán không được. Ông Đinh Văn Bảo, Chủ tịch UBND xã Tư, cho biết: “Từ chỗ toàn xã có khoảng 300 ha đất nông nghiệp trước đây thì đến nay còn khoảng một nửa. Biết được nguồn vàng trong đất, các Cty khai thác đã lân la đến hỏi mua của người dân với giá hàng chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng mỗi héc-ta”.

Ông Ái Văn Xước (89 tuổi, trú thôn Phú Bảo, xã Ba) cho hay: “Trước đây trồng cây bắp là có bắp, trồng lúa có hạt lúa, giờ không có gì nảy mầm được trên những mảnh đất này. Họ lừa người dân. Tui thì gần chết rồi, tội con cháu, không biết lấy gì mà trồng lúa, trồng keo. Nước sông không còn, đất đai cũng hết”.

Theo Sở TN-MT Quảng Nam, năm 2010, các cấp - ngành tổ chức hơn 100 lần truy quét, tiêu hủy 237 lán trại, 109 máy nổ, 9.750m dây dẫn nước, 4 thuyền máy, đồng thời đẩy đuổi 2.037 người đãi vàng ra khỏi địa bàn tỉnh, thu về số tiền phạt gần 4 tỷ đồng. Ông Hồ Văn Lợi ở thôn 4B, xã Phước Thành nói: “Bỏ rồi, không làm vàng nữa. Thà đi rừng đi rẫy kiếm chút cháo, còn hơn đi tọ mọ (mót xái vàng), ba bữa bị truy quét, khổ lắm”. Theo một cán bộ Sở TN-MT, hầu như năm nào cũng tổ chức hàng trăm lượt truy quét, kiểm tra, song đâu lại đóng đấy.

Nước thải chứa thạch tín từ một bãi vàng có phép ở xã Phước Thành chảy ra sông Khe Tăng Ảnh: Nam Cường
Nước thải chứa thạch tín từ một bãi vàng có phép ở xã Phước Thành chảy ra sông Khe Tăng Ảnh: Nam Cường.

Tiêu hủy phương tiện

Trao đổi với PV Tiền Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Phước Thanh, cho biết, tỉnh đã xin phép trung ương cho những quyền hạn nhất định để xử lý việc khai thác trái phép khoáng sản một cách cứng rắn hơn. Đó là tiêu hủy toàn bộ phương tiện đào đãi. Theo quy định hiện hành, không được tịch thu phương tiện thuê lại nên vàng tặc khi bị bắt thường làm thủ tục hợp thức hóa việc đi thuê phương tiện, nộp phạt xong lại tiếp tục vi phạm. “Mà có phải lúc nào đoàn kiểm tra cũng có thể sẵn sàng thành lập, sẵn sàng đi truy quét đâu. Lần này, chúng tôi cho tiêu hủy tất, bất kể phương tiện gì”, ông Thanh nói.

Ông Doãn Văn Thanh, Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam), cho rằng, giải pháp chưa có tiền lệ này sẽ thực sự hữu hiệu vì sau khi phương tiện bị phá hủy, khả năng phục hồi, mua lại của chủ phương tiện là rất thấp. Theo ông, 2 đoàn kiểm tra của tỉnh và huyện Phước Sơn (nơi có trữ lượng vàng sa khoáng được đánh giá là lớn nhất nước) mới đây truy quét, tiêu hủy 104 lán trại, 49 máy nổ, 2 tàu cuốc, trên 880 lít dầu diesel, 300m ống cỡ lớn…

Tuy nhiên, ông Doãn Văn Thanh thừa nhận, truy quét vàng tặc luôn khó khăn, bởi đa số dân đào vàng là người ngoại tỉnh, chủ yếu đến từ các tỉnh phía Bắc. Mỗi lần truy quét, vàng tặc lại rút vào khu vực rừng núi hiểm trở, rất khó đẩy đuổi họ quyết liệt. Hồ Mít, một người dân Phước Thành bỏ rẫy 5 năm nay để đãi vàng sa khoáng, nói: “Muốn truy quét, hãy vào tận những doanh nghiệp đang ngày đêm ầm ầm khai thác. Còn bọn tui, chỉ mót xái vàng”.

Lý giải việc thông tin về các đợt kiểm tra, truy quét thường bị lộ, ông Doãn Văn Thanh nói: “Phần lớn chúng tôi phải báo trước cho chính quyền huyện, xã để phối hợp. Chủ trương chung là báo trước cho các doanh nghiệp khai thác, vì nếu họ đã được thông báo rồi mà vẫn vi phạm thì sẽ bị phạt nặng. Ngoài ra, thực tế là các doanh nghiệp cũng như cánh đãi vàng trái phép thường có rất nhiều “vệ tinh”. Chỉ cần rục rịch có đợt kiểm tra là họ đã dọn dẹp sạch sẽ, chuẩn bị đối phó kỹ càng rồi”.

“Khách quan mà nói, cái lợi của việc khai thác khoáng sản (đặc biệt là vàng ở Quảng Nam) thu được chẳng bao nhiêu, mà cái mất mát, môi trường bị ảnh hưởng quá lớn!” - Ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG