Trùng tu hay xây mới địa đạo ?

Trùng tu hay xây mới địa đạo ?
TP - Địa đạo Phú An - Phú Xuân dài 2km (xã Đại Thắng, Đại Lộc, Quảng Nam) được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Thế nhưng khi người dân địa phương đang băn khoăn hiện nay một đoạn địa đạo lại đang được bê tông hóa!?

Địa đạo Phú An - Phú Xuân được đào trong kháng chiến chống Mỹ, bắt đầu từ năm 1965 đến năm 1967 thì hoàn thành. Địa đạo dài hơn 2.000m, nằm sâu trong lòng đất với 21 ngõ ngách phức tạp xuyên dưới các lũy tre, bụi cây, nhà dân thuộc 5 thôn trong xã. Cùng với đó là hệ thống giao thông hào và đường giao thông chằng chịt xung quanh. Tùy vào địa hình, địa chất mà lòng địa đạo có thể rộng hẹp khác nhau. Các ngách và lỗ thông hơi cũng được bố trí ở nhiều nơi nhằm tạo thế liên hoàn, tránh sự phát hiện của địch cũng như hỗ trợ nhau trong chiến đấu. Trong địa đạo có hầm cấp cứu, hầm dự trữ lương thực, hầm hội họp, hầm chỉ huy. Ngoài ra, mỗi đoạn địa đạo đều có những nhánh nhỏ nối liền với hai khu giao thông hào chạy dọc theo để cảnh giới và tác chiến khi địch đến. Cứ khoảng 20m có một lỗ thông hơi và hầm cá nhân để tránh phi pháo bất ngờ khi chưa kịp xuống địa đạo.

Tháng 5-2010, Sở VHTT & DL Quảng Nam phê duyệt dự án trùng tu, tôn tạo địa đạo Phú An - Phú Xuân, với tổng kinh phí hơn 2,3 tỷ đồng, bao gồm tuyến địa đạo dài 142m và Nhà tiếp đón. Cuối năm 2010, Sở phê duyệt gói thầu xây lắp do Cty TNHH XD&TM Tân An trúng thầu. Tháng 3–2011, dự án được khởi công với thời gian thi công 90 ngày.

Giống… cống thủy lợi ?

Tấm bảng lớn ngay tại công trình ghi “Trùng tu, tôn tạo địa đạo Phú An - Phú Xuân”. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, hơn 100m địa đạo đã và đang được đơn vị thi công dùng máy xúc đào bới, đổ bê tông cốt thép, xây dựng một đường địa đạo mới. Toàn bộ đường ống thông hơi được dùng bằng ống nhựa.

Ông Lê Giao (56 tuổi, Trưởng thôn Phú An) cho rằng: “Địa đạo mới khác địa đạo cũ rất nhiều. Địa đạo mới giống một đường ống cống thủy lợi. Việc làm mới tuyến địa đạo không giống địa đạo cũ là không chấp nhận được”. Ông Giao cho biết thêm, địa đạo trước đây đi theo hình dích dắc, thông qua dưới đất vườn các hộ dân chứ không thẳng tuột như bây giờ. Ông đã nhiều lần góp ý với đơn vị thi công và đã có chỉnh sửa nhưng không đáng là bao. Cũng theo ông Giao, trong quá trình khảo sát địa đạo trước khi thi công, người dân trong vùng không được hỏi ý kiến để góp ý về cách thức làm địa đạo. Quá trình trùng tu, tôn tạo địa đạo Phú An - Phú Xuân bằng máy xúc đào bới, rồi bê tông hóa địa đạo đang dẫn tới nhiều ý kiến phản đối của người dân địa phương trong vùng.

Ông Trần Quang Tám (73 tuổi) - một người trực tiếp tham gia đào địa đạo thời chiến tranh, cho biết: “Địa đạo Phú An là chứng tích lịch sử hết sức có ý nghĩa trong việc giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ sau. Đây được xem là địa đạo lòng dân. Lực lượng chủ lực tham gia đào địa đạo là nông dân và thanh niên”. Cũng theo ông Tám, trong chiến tranh nhiều đoạn địa đạo bị địch bỏ bom, nhưng do có nhiều hầm bí mật, ngõ ngách nên quân địch không thể bắt được bộ đội và cán bộ cách mạng.

Theo ông Hồ Văn Chín, Chủ tịch UBND xã Đại Thắng: “Dự án do Sở VHTT&DL làm chủ đầu tư, việc thiết kế cũng do Sở làm, địa phương không được tham gia. Xã chỉ có trách nhiệm cử một cán bộ địa chính đứng ra giám sát chất lượng công trình”.

Trước câu hỏi trùng tu hay làm mới địa đạo, ông Hồ Xuân Tịnh - Phó GĐ Sở VHTT&DL Quảng Nam cho biết: “Khi phê duyệt dự án đã có sự thỏa thuận với Bộ VHTT&DL và được UBND tỉnh cho phép. Việc trùng tu không thể đào lại địa đạo y như xưa. Bên trong bê tông cốt thép sẽ được trát vữa xi măng giả đất, bên trên sẽ được làm lại hiện trạng cũ để đảm bảo an toàn khi du khách tham quan”. Ông Tịnh cho biết thêm, nguyên tắc trùng tu địa đạo chưa có, hiện nay trên toàn quốc các địa đạo đều được trùng tu theo phương pháp này, ngay cả địa đạo Củ Chi cũng vậy. Sở VHTT&DL đã có văn bản gửi UBND huyện Đại Lộc và xã Đại Thắng nói rõ và yêu cầu chính quyền giải thích với người dân.

Trong chiến tranh chống Mỹ, địa đạo Phú An - Phú Xuân từng là nơi đứng chân của Đặc khu ủy Quảng Đà và Huyện ủy Đại Lộc, là căn cứ địa vững chắc bẻ gãy nhiều cuộc hành quân càn quét của Mỹ - ngụy, làm bàn đạp tiến công giành thắng lợi ở các mặt trận Khu V, tạo thời cơ cho việc tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 ở khu V và Quảng Nam - Đà Nẵng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG