Không thể tiếp tục tư duy tăng trưởng sùng bái con số

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương
Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương
TP - “Nét mới của Nghị quyết ĐH Đảng XI chính là đã nhấn mạnh đến tái cấu trúc nền kinh tế, đó là một định hướng có tính bước ngoặt lớn” - Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương trả lời phỏng vấn PV Tiền Phong.

> Kịch bản nào cho phát triển bền vững của Việt Nam?
> Đổi mới toàn diện, phát huy sức mạnh toàn dân tộc

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương
Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu
Quản lý kinh tế Trung ương.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung nói:

Sau 25 năm đổi mới, ĐH XI đã đưa ra một định hướng lớn, đánh dấu bước ngoặt thay đổi tư duy - đó là tái cấu trúc, đổi mới mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Nghĩa là tăng trưởng phải xuất phát từ nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất và năng lực cạnh tranh của từng DN, từng ngành và cả nền kinh tế nói chung.

Tái cơ cấu thực ra là biện pháp để chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đưa nền kinh tế tăng trưởng cao hơn, bền vững hơn.Vì đó là tăng trưởng dựa vào sức mạnh, năng lực cạnh tranh của nội tại nền kinh tế của chúng ta.

Tăng trưởng bề rộng đã tận khai

Thưa ông, tại sao việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng lại được coi là bước đột phá trong giai đoạn hiện nay?

Mô hình tăng trưởng của ta hiện tại chủ yếu dựa vào tăng quy mô vốn đầu tư, tăng khai thác tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản và đất đai. Như vậy, tăng trưởng đó dựa vào những nguồn lực đang cạn dần, thiếu bền vững: Vốn đầu tư chúng ta đã huy động tối đa sức chịu đựng của nền kinh tế, tới 40-41% GDP, khó có thể huy động cao hơn nữa; Tài nguyên thì dần cạn kiệt, đặc biệt gần đây nhu cầu sử dụng trong nước ngày càng lớn, nên khả năng xuất khẩu tài nguyên để có ngoại tệ sẽ giảm đi.

"Tư duy tăng trưởng và mô hình tăng trưởng đều không còn phù hợp, chúng ta không thể tiếp tục tư duy tăng trưởng theo lượng, sùng bái con số, và che đậy các khuyết điểm của nền kinh tế. Bởi như vậy, càng tăng trưởng, có thể Việt Nam sẽ càng nghèo đi."  - Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung.

Tức là động lực của mô hình tăng trưởng chiều rộng đã tận khai. Nếu cứ tiếp tục mô hình này, thì càng mở rộng đầu tư (đổ thêm vốn, mở rộng tín dụng, mở rộng tài khóa, tăng vốn nước ngoài) thì càng khó đạt mục tiêu tăng trưởng. Năm 2009-2010, chúng ta đặt mục tiêu tăng GDP trên 7% nhưng cố gắng lắm cũng chỉ đạt hơn 6%, dù vẫn tăng đầu tư.

Nếu cứ tiếp tục mô hình cũ, không những chúng ta không đạt mục tiêu mà còn chịu tác dụng phụ rất nguy hại, làm bất ổn kinh tế vĩ mô, xa hơn là làm xói mòn thành quả cải cách kinh tế trong 25 năm qua.

Để chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế như NQ Đại hội Đảng XI xác định, cần làm những gì?

Chuyển đổi mô hình là một quá trình chứ không thể làm nhanh trong 1-2 năm. Đồng thời phải tiến hành làm rất nhiều việc: Phải thiết lập cân đối và ổn định kinh tế vĩ mô; thứ hai là thay đổi lại căn bản động lực của nền kinh tế theo hướng khuyến khích người dân, DN đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Từ đó thay đổi lại cơ chế huy động, phân bổ nguồn lực. Nguồn lực phải đi vào các ngành, lĩnh vực có năng suất, hiệu quả cao hơn trước đây. Thực chất đó là quá trình làm thay đổi cơ cấu, thể chế phân bổ, sử dụng nguồn lực trong nội tại nền kinh tế.

Để chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chúng ta cần tới ít nhất một thập niên tiếp theo. Trong 5 năm đầu tiên, phải thiết lập được nền tảng cho mô hình tăng trưởng, để có thể chuyển đổi lên nấc thang cao hơn. Về mặt thể chế, phải sửa đổi, bổ sung hầu hết các luật về đầu tư, kinh doanh như Luật thuế, Luật DN, Luật Đất đai, Luật kinh doanh bất động sản. Tức là cần tạo một khung pháp lý, hệ khuyến khích mới, động lực mới cho phát triển.

Cần môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng

Dường như đến nay, chúng ta vẫn đang hướng đến việc xây dựng một môi trường kinh doanh mà ở đó thực sự có cạnh tranh bình đẳng?

Chúng ta phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tự do hóa kinh doanh, mở cửa và hội nhập sâu rộng hơn nữa và tạo quyền bình đẳng trong kinh doanh. Sắp tới, phải tạo ra một môi trường kinh doanh thực sự bình đẳng, minh bạch, theo cơ chế thị trường. Việc đó nhằm tạo ra động lực vừa khuyến khích vừa buộc các nhà đầu tư phải kinh doanh thực sự để tìm kiếm lợi nhuận. Nó loại trừ hành vi kinh doanh chụp giật để trục lợi, theo cơ chế xin- cho.

Ví dụ, thay vì đổi mới công nghệ, quy trình, cải tiến sản phẩm để giảm chi phí, tăng lợi nhuận thì người ta lại đi tìm một mảnh đất để kiếm chênh lệch địa tô. Đấy không phải lợi nhuận, không phải giá trị mới tạo ra từ quá trình sản xuất. Phải loại trừ, hạn chế tối đa kiểu kinh doanh chụp giật dựa trên những mối quan hệ tìm kiếm từ chênh lệch địa tô như thế.

Khi đó, chúng ta tạo điều kiện, buộc và thúc đẩy các DN phải kinh doanh thực sự, tạo ra năng lực sản xuất mới. Những DN thực sự đổi mới, dấn thân thì được hưởng lợi xứng đáng. Nhưng với cơ chế hiện nay, những DN như vậy thường gặp rất nhiều rủi ro, nhiều khi thua thiệt hơn người đi tìm kiếm một dự án từ mối quan hệ, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản.

Cảm ơn ông.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG