Theo đó, đối với loại xe sơmi rơmoóc 6 trục hoặc lớn hơn quy định tổng trọng lượng cao nhất là 48 tấn (trước đây không quy định). Còn các loại xe đầu kéo sơmi rơmoóc 5 trục khi tham gia giao thông trên đường bộ được nâng lên mức tải trọng lên 44 tấn thay cho mức 40 tấn trở xuống như trước đây; loại xe 4 trục, tổng trọng lượng cao nhất 34 tấn; xe 3 trục, tổng trọng lượng cao nhất là 26 tấn.
Quy định mới tiếp tục cho phép xe chuyên dùng và container được xếp hàng hóa có chiều cao đến 4,35m thay vì 4,2m áp dụng kể từ ngày 1-1-2011 như qui định cũ. Tải trọng trục xe bị coi là vi phạm cũng được nâng lên ở mức 1,15 lần tải trọng trục xe tối đa được phép lưu hành thay vì 1,1 lần như trước.
Nhờ vậy, các doanh nghiệp vận tải bằng container sẽ phát huy được tối đa năng lực của phương tiện vận tải, giảm thiểu tình trạng chạy xe thiếu tải như trước đây. Đặc biệt, trong điều kiện xăng dầu tăng giá mạnh, giá cả các mặt hàng đều tăng như hiện nay thì việc phát huy tối đa năng lực của phương tiện vận tải sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu tối đa chi phí xăng dầu.
Tuy nhiên, khi doanh nghiệp vận tải container được thuận lợi thì sẽ nảy sinh vấn đề khiến các nhà quản lý đường bộ đau đầu đó là hệ thống hạ tầng giao thông đang bất cập của Việt Nam sẽ phải “oằn mình” dưới sức nặng quá tải.
Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trên toàn hệ thống quốc lộ hiện còn hơn 700 cây cầu yếu xuống cấp. Với các cây cầu này, việc cho phép các xe quá khổ, quá tải lưu thông là khá nguy hiểm.
Ngoài việc nâng tải trọng đối với các loại xe vận chuyển hàng hóa, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan trực thuộc Bộ, các Sở Giao thông vận tải tiến hành điều chỉnh lại hệ thống biển báo tải trọng cầu hiện nay để phù hợp với thực tế hoạt động của vận tải hàng hóa bằng đường bộ.
Theo Mạnh Hùng
Pháp luật Việt Nam