>> Xăng tăng giá, giới trẻ đổ xô mua xe đạp
Tàu đậu ở cửa biển Nghĩa An (Tư Nghĩa). Ảnh: Nam Cường. |
Xã đảo Nghĩa An (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) có gần 1.500 tàu, trong đó số tàu đánh bắt xa bờ chiếm hơn 60%. Nằm biệt lập với đất liền và quay mặt ra biển nên đánh bắt xa bờ gần như là kế sinh nhai duy nhất của người dân ở đây. Giá xăng dầu tăng vùn vụt đang khiến đội tàu nằm bờ.
Ông Nguyễn Bốn (Tân Mỹ, Nghĩa An), thuyền trưởng tàu QNg 82456 cho hay, kể từ khi giá dầu đang ở ngưỡng trên 14 ngàn đồng/lít, ông đã nhẩm tính chi li và quyết định cho tàu nằm bờ ở cửa biển Nghĩa An gần 2 tháng nay.
"Khó quá, thời gian trước nằm bờ độ nửa tháng là phải ra khơi, nhưng giờ chi phí cao quá. Bỏ biển vài tháng, tìm đỏ mắt không có lao động". Theo tính toán của ông Bốn, tàu ông đánh bắt xa bờ nhưng công suất vừa, mỗi chuyến biển ông phải bù thêm không dưới 20 triệu đồng khi giá dầu vọt lên 21 ngàn đồng/lít.
Khác với thời gian trước, bây giờ, tàu thuyền xa bờ đang đậu kín cả một đoạn cửa biển Nghĩa An. Lượng tàu của xã Nghĩa Phú ít hơn, nhưng trong 98 tàu đánh bắt xa bờ hiện nay, số ra khơi đang không đủ đếm trên 10 ngón tay.
Ông Lê Quang Khâm, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phú, cho biết: Gần như bà con ngư dân cho tàu nằm bờ hết, một phần vì biển động, một phần vì giá dầu tăng cao. Chúng tôi cũng chỉ biết khuyên người dân bình tĩnh chờ chứ không còn cách nào. Kinh phí của xã không có, mà nếu có cũng không có cơ chế. Anh Ngô Thành Linh (trưởng thôn 7 Nghĩa An), ngư dân có 20 năm bám biển Hoàng Sa, nói: Chưa bao giờ thấy khó khăn như lúc này.
Tại âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng), nơi tập trung hầu hết các tàu cá của ngư dân miền Trung vào trú tránh, hiện tàu nằm bờ cũng khá nhiều. Ngoài các tàu của Đà Nẵng, những chủ tàu ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… cũng đã nằm ở âu thuyền gần nửa tháng nay. Lao động bỏ về quê, chủ tàu, thuyền trưởng sáng cà phê, trưa tối nhậu nhẹt qua ngày.
Tại quán cà phê của anh Lê Nam (Thanh Khê Đông, Thanh Khê, Đà Nẵng) - một thuyền trưởng gắn bó với biển, nay bỏ thuyền về mở quán cà phê, nói: Mấy tháng nay rồi, sáng nào các thuyền trưởng cũng tụ tập tại đây. Sáng cà phê nói chuyện phiếm, rồi nhậu miết. Không đi biển, đàn ông vùng này còn biết làm gì. Đội tàu Thanh Khê Đông gần trăm chiếc xa bờ đợt vừa rồi chỉ duy nhất một tàu ĐNa 90307 của Nguyễn Phú Hùng có lãi.
Đã ngâm tàu ở sông Hàn cả tháng nay, Hùng buồn thiu: "Bứt rứt lắm anh ạ, muốn ra khơi lắm rồi mà đành chịu. Chuyến vừa rồi chỉ tàu em có lãi, mỗi lao động cầm hơn 10 triệu đồng về quê mà giờ cũng bó tay. Huống chi tàu khác". Lỗ sặc máu là từ mà thuyền trưởng Hồ Ngọc Thạnh - tàu ĐNa 90449 nói về chuyến biển vừa vào. "Chẳng còn tâm trạng khi giá xăng dầu cứ phi như ngựa thế này" - anh Thạnh nói.
Theo tính toán của thuyền trưởng Thạnh, mỗi chuyến ra khơi, tàu 300 CV của anh cần hơn 5 ngàn lít dầu, hơn 1 ngàn cây đá và khoảng 15 - 18 bình ga.
"Từ khi giá dầu 14 ngàn đồng/lít, đá 7 ngàn đồng/cây, ngư dân đã choáng. Giờ thì dầu hơn 21 ngàn đồng/lít, đá 13 ngàn đồng/cây. Cứ tăng thêm chừng nào là ngư dân lỗ chừng đó. Mà đâu chỉ có giá xăng dầu và giá ga tăng, còn bao nhiêu thứ giá khác cũng vùn vụt tăng theo. Cách đây chừng một tháng, ra khơi chỉ cần hơn 100 triệu đồng, nhưng bây giờ phải bỏ thêm 50 - 60 triệu nữa. Mà giá hải sản lại không tăng" - thuyền trưởng Thạnh kể.
Ông Trần Đình Quỳnh - Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng cho hay, đến thời điểm này, Sở vẫn chưa nhận được thông tin nào về việc sẽ hỗ trợ cho ngư dân trước sức ép giá xăng dầu tăng. "Do xăng dầu mới tăng thời gian gần đây nên Đà Nẵng vẫn chưa quyết được điều gì, chúng tôi cũng đang họp bàn để kiến nghị lãnh đạo thành phố có cơ chế hỗ trợ ngư dân" - ông Quỳnh nói.
Chiều tối qua, khi chúng tôi rời quán cà phê - nơi thuyền trưởng, ngư dân tụ tập than vãn về giá dầu, anh Lê Nam điện thông báo, có 3 tàu xa bờ đã liều mình xuất bến. "Dù có bù lỗ thế nào thì họ cũng không chờ thêm được nữa. Cố gắng hòa vốn là tốt rồi" - anh Lê Nam nói.