Hà Nội xây 8 cầu vượt chống ùn tắc

Hà Nội xây 8 cầu vượt chống ùn tắc
TP - Để giải bài toán ùn tắc tại nhiều nút giao thông, Sở GTVT Hà Nội đưa ra phương án xây 8 cầu cạn trên các trục giao thông trọng điểm.

>> Vũ điệu giao thông Hà Nội

Mạng lưới 8 cầu cạn (vòng tròn) theo phương án của Sở GTVT Hà Nội Ảnh: Trọng Đảng
Mạng lưới 8 cầu cạn (vòng tròn) theo phương án của Sở GTVT Hà Nội. Ảnh: Trọng Đảng.

Theo Sở GTVT, sau khi thực hiện các phương án phân luồng, tổ chức giao thông, do đặc thù riêng của nhiều tuyến phố nên Hà Nội vẫn còn những điểm đen ùn tắc. Để giải quyết vấn đề này, hôm qua, Sở GTVT đã đưa ra phương án xây 8 cầu cạn vượt nút giao khác mức tại một số trục giao thông trọng điểm.

Theo Tổng Cty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) - đơn vị thiết kế, xây dựng phương án, 8 cầu cạn được xây dựng bằng kết cấu thép, so với kết cấu bê tông dự ứng lực thì kết cấu thép có chi phí cao hơn.

Tuy nhiên, kết cấu thép mang lại rất nhiều lợi ích: kết cấu thanh mảnh, dễ thi công, thời gian thực hiện mỗi cầu chỉ hết từ 6 đến 8 tháng. Trường hợp cầu không còn nhu cầu sử dụng vẫn có thể thu hồi lại để sử dụng cho công trình khác. Đặc biệt phương án này còn cho phép thi công trong điều kiện mặt bằng hạn hẹp, chỉ xén bớt vỉa hè, dải phân cách chứ không xén vào nhà dân.

Cần thiết nhưng phải hiệu quả

Đại diện của Bộ GTVT và một số chuyên gia giao thông cho rằng, trước tình trạng ùn tắc và phương tiện giao thông không ngừng gia tăng, Hà Nội buộc phải xây các cầu vượt. Các thành phố trên thế giới chỉ giải được bài toán ùn tắc khi xây dựng hệ thống cầu vượt, hầm vượt. Lợi ích từ việc xây dựng cầu vượt ở các nút giao thông Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng... là khá rõ ràng.

Đồng thuận, với 8 phương án cầu vượt nhưng PGS - TS Bùi Xuân Cậy - Trưởng khoa Công trình, ĐH Giao thông - Vận tải cho rằng, Sở GTVT cần lưu ý một số thông tin, cầu cạn có kết cấu thép là công nghệ thi công mới áp dụng ở Việt Nam, vì vậy trước mắt chưa nên xây dựng trong nội đô mà chỉ nên xây dựng từ đường vành đai 2 trở ra.

Cũng theo PGS Cậy, hầu hết cầu chỉ rộng 9 m, sẽ hợp lý hơn nếu rộng từ 12 -15m, đủ cho 4 làn xe lưu thông và các phương tiện cũng dễ dàng xử lý khi gặp ùn tắc, sự cố.

Ông Mai Văn Hồng, Phó vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng (Bộ GTVT) cho rằng, vị trí đặt cầu cạn cần nghiên cứu kỹ hơn, tuyến đường vành đai 3 đoạn từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long dài khoảng 3 km nhưng có tới 3 cầu vượt.

“Giao thông liệu có thuận lợi khi trên một đoạn đường ngắn mà mọi người cứ hết leo lên rồi lại dội xuống? Hơn nữa, trong tương lai, tuyến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài sẽ được Bộ GTVT quy hoạch lại khi thực hiện dự án đường vành đai 3, liệu vị trí xây dựng thêm hai cầu vượt ở đây có hợp lý?”.

Quan tâm đến độ an toàn của cầu, ông Lê Vinh, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội góp ý, cầu có kết cấu thép sẽ chịu tải hạn chế hơn cầu bê tông, nên chiều dài cần phải tính toán kỹ, nhất là khi cầu xảy ra ùn tắc.

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, sau các ý kiến này, đơn vị sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các Sở, ngành và Bộ GTVT sau đó giao cho đơn vị tư vấn điều chỉnh cho hợp lý. Tiếp đó Sở sẽ xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện dự án.

8 nút được chọn xây cầu cạn bao gồm: nút 69 (cầu cạn trên đường Nam Hồng vượt đường Bắc Thăng Long - Nội Bài); nút Hoàng Quốc Việt (cầu cạn trên đường Bắc Thăng Long - Nội Bài vượt đầu đường Hoàng Quốc Việt); nút Láng - Nguyễn Chí Thanh (cầu cạn trên đường Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng vượt đường Láng và sông Tô Lịch);

Nút Láng - Lê Văn Lương (cầu cạn trên đường Lê Văn Lương – Láng hạ vượt đường Láng và sông Tô Lịch); nút Láng Hạ - Thái Hà (cầu cạn trên đường Láng Hạ vượt phố Thái Hà - Huỳnh Thúc Kháng); nút Chùa Bộc - Tây Sơn (cầu cạn trên đường Tây Sơn - Nguyễn Lương Bằng vượt đường Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch); nút Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch (cầu cạn theo hướng Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch). 

Lập dự án thu phí chống ùn tắc giao thông

Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong đang nghiên cứu, lập dự án thu phí chống ùn tắc giao thông do UBND TPHCM đặt hàng từ năm 2010. Theo đó, ô tô các loại khi lưu thông vào trung tâm sẽ phải đóng phí nhằm giảm ùn tắc giao thông trên các trục đường chính nối đến khu vực trung tâm, thúc đẩy người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài, TP đã chỉ đạo các quận, huyện lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000, điều kiện tiên quyết là cân đối được đất cho các công trình công cộng. Đảm bảo đủ đất cho giao thông mới giải quyết được căn cơ ùn tắc giao thông.

TPHCM sẽ tiếp tục cải cách thủ tục, thu hút nhà đầu tư tham gia xây dựng công trình giao thông.

UBND TPHCM vừa chấp thuận đầu tư trung tâm quản lý điều khiển giao thông hiện đại nhất Việt Nam với tổng vốn đầu tư dự kiến là 131 triệu euro, từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Pháp. Dự án lắp camera quan sát ở hơn 1.400 giao lộ. Hình ảnh ghi nhận được sẽ chuyển về trung tâm điều khiển giao thông, giúp kiểm soát, phân luồng giao thông tại các giao lộ (đặc biệt vào giờ cao điểm) sẽ dễ dàng hơn. Phạm Lê Thư 

Trọng Đảng

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG