Tăng giá điện từ 1-3: Mức bao nhiêu là hợp lý ?

Dự báo giá điện sẽ tăng khoảng 18% từ tháng 3-2011
Dự báo giá điện sẽ tăng khoảng 18% từ tháng 3-2011
TP - Dự kiến từ 1-3 giá điện sẽ tăng. Nhiều chuyên gia cho rằng mức tăng giá điện 15% - 20% là hợp lý. Tuy nhiên ít nhiều không khỏi gây tác động đến giá cả các mặt hàng.

 >> Khô hạn đe dọa thiếu điện trầm trọng

Dự báo giá điện sẽ tăng khoảng 18% từ tháng 3-2011
Dự báo giá điện sẽ tăng khoảng 18% từ tháng 3-2011 . Ảnh: Hồng Vĩnh

Hiện có 5 phương án giá điện đã được Bộ Công Thương và Bộ Tài chính xây dựng để trình lên Thủ tướng xem xét phê duyệt.

Tại cuộc họp triển khai công tác năm 2011, ông Đào Văn Hưng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong năm 2010 do phải huy động nguồn điện giá cao vào mùa khô để giảm thiếu hụt điện năng khi các nhà máy thủy điện thiếu nước nên bị lỗ khoảng 8.000 tỷ đồng.

Ngoài khoản lỗ này, EVN còn thêm gánh nặng trên 10.000 tỷ đồng do các khoản nợ, các nghĩa vụ tài chính... tăng do tỷ giá thay đổi. Nếu không điều chỉnh giá điện, tình trạng thiếu điện các năm tới sẽ rất căng thẳng.

Để đảm bảo cấp điện cho năm 2011, đồng thời đảm bảo cân bằng tài chính bền vững, huy động được nguồn vốn cho đầu tư, EVN cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành cho phép Quỹ Bảo hiểm xã hội cho tập đoàn vay 15.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án nguồn và chỉ đạo các bộ ngành hỗ trợ EVN sớm hoàn thiện thủ tục phát hành 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế.

Theo tính toán của chuyên gia ngành điện, với diễn biến bất lợi của thủy văn và phải huy động các nguồn phát điện như năm 2010, giá điện, nếu được tính đầy đủ các chi phí sản xuất và đủ sức hấp dẫn để thu hút đầu tư vào ngành điện, sẽ phải tăng khoảng 50% so với hiện nay. Đây cũng là mức được Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) đề xuất gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ hồi cuối năm 2010.

Theo VEA, để đạt được mục tiêu đặt ra, kể từ năm 2011, Chính phủ cần phải tăng giá điện ở mức 8 cent/kWh (tương đương khoảng 1.655 đồng/kWh nếu tính theo tỷ giá quy đổi 1 USD = 20.693 đồng). Mức giá này vẫn thấp hơn giá điện trong khu vực, với cơ cấu giá nhiên liệu đầu vào ở mức 100 USD/tấn than như hiện nay.

Không nên chia nhỏ các đợt tăng giá

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, trong bối cảnh hiện nay giá điện tăng như mong muốn của ngành điện là rất khó do ảnh hưởng đến các ngành kinh tế khác. Việc tăng giá điện cần theo lộ trình.

Nếu bất đắc dĩ phải tăng thì mức tăng 18% (với mức tăng này giá điện bình quân năm 2011 bằng khoảng 1.200 đồng/ kWh) là chấp nhận được trong ngắn hạn vì không gây ra nhiều biến động cho kinh tế vĩ mô.

Trong những năm qua, lạm phát đã tăng vài chục phần trăm nên giá điện có tăng nhưng cũng không kịp. Việc điều chỉnh giá điện một phần bù lại sự mất giá, phần khác để bù lại mức tăng giá thật.

Theo ông Thành, việc điều chỉnh giá điện đương nhiên sẽ ảnh hưởng tới mức tăng giá chung. “Nếu kéo dài, chia nhỏ các đợt tăng giá thì sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và khuếch đại việc tăng giá các mặt hàng khác. Theo tính toán kỹ thuật không có yếu tố tâm lý, tăng giá điện với mức trên chỉ làm tăng 1-2% mức tăng giá chung” - Ông nói.

Theo nghiên cứu tác động của việc tăng giá điện đối với đời sống người dân và nền kinh tế do TS Nguyễn Đức Thành và các đồng nghiệp tiến hành năm 2008, nếu giá điện tiêu dùng tăng 20%, điện cho sản xuất tăng 10% thì GDP giảm 0,15% và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,73%; còn nếu giá điện cả hai khu vực đều tăng 20% thì GDP giảm 0,16% và CPI tăng 1,25%.

Tính toán của cơ quan chức năng cho thấy, nếu giá điện tăng 18%, tổng số tiền điện tăng thêm sẽ vào khoảng 19.000 tỷ đồng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng khoảng 0,54 - 0,72%; tổng số tiền điện tăng thêm đối với các ngành sản xuất là 9.600 tỷ đồng, tăng giá thành từ 0,02 đến 9,03%.

Các hộ nghèo có mức tiêu thụ điện 50kWh/tháng trở xuống thì số tiền phải trả tăng thêm vào khoảng trên 5.000 đồng/tháng, các hộ có mức tiêu thụ điện trung bình dưới 100kWh/tháng sẽ trả thêm trên 21.000 đồng/tháng.

Các hộ có thu nhập trung bình hoặc khá có mức tiêu thụ đến 200kWh/tháng sẽ trả tiền tăng thêm trên 55.000 đồng/tháng. Các hộ sử dụng lượng điện ở mức 400kWh/tháng sẽ phải trả thêm từ khoảng 100.000 - 140.000 đồng/tháng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG