Khu mộ dưới lòng hồ B - Biển Hồ trơ ra khi nước rút . Ảnh: K.H |
Công trình nuốt nghĩa địa
Biển Hồ-còn gọi là Hồ Tơ Nưng nằm ở xã Biển Hồ-TP Pleiku-Gia Lai vốn là miệng núi lửa, diện tích hơn 230 ha. Đây là một trong những hồ tự nhiên rộng thứ 2 ở Tây Nguyên ( sau hồ Lắk - Đăk Lăk). Nước của Biển Hồ dùng để cấp cho dân ở TP Pleiku sinh hoạt. Liệu có nghĩa địa dưới lòng hồ tự nhiên như vậy?
Ngày 8-2, chúng tôi đã có mặt tại UBND xã Biển Hồ, gặp Chủ tịch UBND xã Lê Huy Quang. Ông Quang chìa cho tôi báo cáo nhanh đề ngày 30-1-2011, nội dung: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo TP Pleiku về việc có một số quan tài nổi lên tại mặt nước Biển Hồ xã Biển Hồ. Sau khi kiểm tra thực tế, UBND xã Biển Hồ báo cáo nội dung như sau:
Trước đây, khu vực Biển Hồ có xây dựng đập thủy lợi, khi các đơn vị chức năng tiến hành thi công, khảo sát nhận thấy nghĩa địa Sở Trà có khả năng bị ngập nước, vì vậy UBND thị xã Pleiku đã tiến hành di dời nghĩa địa nói trên. Qua tiến hành kiểm tra hiện nay, khu vực nói trên không còn mồ mả chôn cất và không có quan tài nổi lên trên mặt nước.
Tuy nhiên, ông Quang cho biết, tại khu vực nghĩa địa cũ ở thôn 4- xã Biển Hồ có nhiều gò đất bị ngập nước, nay nước rút, ông Quách Đình Hoan, 72 tuổi, sống gần đó đến cắm cọc và thắp nhang. Chính quyền địa phương kiểm tra có 58 gò đất như vậy nghi là những ngôi mộ còn sót lại.
Trưởng công an xã Biển Hồ, anh Bùi Ngọc Lộc cùng với Xã Đội phó Nguyễn Bá Quang đưa chúng tôi ra khu vực vốn là nghĩa địa Sở Trà cũ xem xét. Dấu tích một nghĩa địa cất bốc cẩu thả, còn sót lại là có thật. Anh Lộc cho hay, nghĩa địa Sở Trà hình thành khá sớm, từ đầu thế kỷ 20, khi những người Pháp lên xây dựng đồn điền chè Biển Hồ, có bia mộ ghi lập năm 1930. Đây là nơi chôn cất người làm đồn điền chè Biển Hồ chết.
Từ năm 1976, tỉnh Gia Lai - Kon Tum xây đập thủy lợi, đã thông báo cho người dân di dời mồ mả. Những mộ không có thân nhân chính quyền địa phương tổ chức di chuyển lên khu vực làng Tiêng - Biển Hồ. Tuy nhiên, điều kiện lúc đó khác với hiện nay nên trong số hàng nghìn ngôi mộ của nghĩa địa cũ, có mộ còn sót lại là không tránh khỏi.
Không ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt
Sau khi xem xét khu mộ trong lòng hồ, chúng tôi đến làm việc với ông Trần Hồng Sâm - Giám đốc Xí nghiệp Pleiku-Mang Yang - Cty TNHH MTV, cấp nước Gia Lai, đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi Gia Lai, đơn vị quản lý hồ nước này. Ông Sâm cho biết, ông ở đây từ những ngày xây dựng công trình. Trước đây lòng hồ có diện tích hơn 12 km2; cây cối um tùm chứ không quang đãng, nhiều người ở như hiện nay.
Thủy lợi Biển Hồ chặn dòng suối Tiêng Sơn đoạn hợp lưu giữa hồ Tơ Nưng với dòng suối để xây nên một hồ lớn gọi là hồ B-Biển Hồ. Hồ A là hồ nước tự nhiên ( hồ Tơ Nưng), hồ B-hồ nhân tạo liên thông nhau.
Hồ Tơ Nưng lượng nước ngầm rất lớn, những ngày mùa khô nước thường xuyên chảy sang hồ B để tưới cho 3.500 ha cây công nghiệp và nông nghiệp trong đó chủ yếu là vùng trọng điểm 3.000 ha cà phê ở Ia Sao huyện Ia Grai.
Ngày mưa lũ, nước thượng nguồn đổ về nước hồ B chảy sang hồ Tơ Nưng qua tràn xả lũ. Ông Sâm quản lý Trạm này từ nhiều năm khẳng định: Do cửa nhận nước giữa hồ Tơ Nưng với hồ B qua tràn xả lũ khá gần trong khi từ cửa nhận nước hồ B đến khu vực cấp nước sinh hoạt hơn 3000m nên nước từ hồ B không thể đến khu vực nhận nước sinh hoạt. Vì thế, nước của hồ nhân tạo có ngâm nghĩa địa cũng không ảnh hưởng đến lượng nước cấp cho TP Pleiku sinh hoạt.
Ông Hà Quang Khanh - Giám đốc Cty TNHH MTV cấp nước Gia Lai cho hay: Ngay từ chiều 28 Tết, khi nhận tin có nghĩa địa dưới lòng Biển Hồ, ông đã trực tiếp ra khu vực này khảo sát. Song qua kiểm tra, biết rõ nghĩa địa ở hồ B, nước hồ B không ảnh hưởng đến nguồn nước đơn vị cấp cho dân TP Pleiku sinh hoạt.
Thực tế qua nhiều lần lấy mẫu nước từ hồ Tơ Nưng kiểm tra, chất lượng nước luôn được đánh giá tốt.
Chủ tịch UBND xã Biển Hồ cho biết, đang kiến nghị với UBND TP Pleiku cùng Cty TNHH MTV công trình đô thị và Phòng LĐTBXH thành phố có những giải pháp cụ thể, kiểm tra, cất bốc số mộ còn sót lại bởi đây vừa là vấn đề tâm linh vừa là đạo lý của người Việt.
Việc ông Quách Đình Hoan nhà ở gần khu vực này phát hiện khu mộ cũ, cắm cọc đánh dấu và thắp nhang là rất đáng trân trọng, song con số 140 mộ còn sót lại mà ông nêu ra là chưa có căn cứ.