> Cách dùng thiết bị sưởi ấm an toàn
> Hai vợ chồng già hôn mê vì sưởi bằng than tổ ong
> Gặp nạn vì chống rét
Thận trọng khi dùng thiết bị sưởi có tia hồng ngoại
Thạc sĩ Võ Tường Kha, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Thể thao cho biết, vào mùa lạnh, cơ thể hay bị phong hàn xâm nhập gây đau, cứng mỏi, cứng cơ, co thắt mạch máu tại chỗ, đau cơ xương khớp.... Ủ ấm giúp tuần hoàn máu tốt, tránh bị nhiễm lạnh, tránh viêm khớp, đau bụng... Vì vậy, trong những ngày thời tiết rét đậm như hiện nay, việc sử dụng các thiết bị sưởi ấm như quạt sưởi, điều hòa, túi giữ nhiệt... là phương án cần thiết để tăng cường nhiệt độ, giữ ấm không chỉ cho trẻ nhỏ, người già mà cả các thành viên cho gia đình.
Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Kha, nguyên lý chung của các thiết bị ủ ấm (quạt, điều hòa) và phần lớn các thiết bị làm ấm hiện nay là tỏa nhiệt, đốt cháy ô xy, làm mất độ ẩm trong không khí. Đặc biệt, trong thời tiết khô hanh như miền Bắc thời điểm hiện tại thì độ ẩm trong không khí càng thiếu. Vì vậy, nếu sử dụng thiết bị sưởi với công suất lớn trong phòng nhỏ, chỉ sau một thời gian ngắn hiện tượng khô da, nứt nẻ da sẽ xảy ra.
Đặc biệt, ở trẻ nhỏ, do da còn mỏng nên sẽ bị căng, rát, rất khó chịu. Nếu sử dụng lâu trong điều kiện phòng chật, đóng kín cửa sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp, làm viêm niêm mạc mũi, khô mũi và dễ dẫn tới chảy máu cam.
Thạc sĩ Kha lưu ý, đối với một số sản phẩm sử dụng những tia hồng ngoại phát ra để sưởi ấm, người dùng phải rất cẩn trọng. Ngoài việc gây khô da ảnh hưởng đến hệ hô hấp như máy sưởi bình thường, tia hồng ngoại còn có thể xiên vào cơ thể và nếu để lâu sẽ gây hại. Do đó, cần tránh để tia hồng ngoại chiếu vào mắt, gáy, vùng đầu mặt cổ, đặc biệt không nên dùng các thiết bị này cho trẻ nhỏ.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Lợi, Viện Khoa học Công nghệ Nhiệt lạnh (Đại học Bách Khoa Hà Nội) người tiêu dùng cũng cần chú ý khi sử dụng chăn điện.
Chăn điện được bố trí một dây điện sưởi ấm. Khi bật nguồn điện, dây điện trở phát nhiệt làm chăn ấm lên. Khi dùng, phải kiểm tra thường xuyên, nếu dây điện trở bị gãy thì không nên dùng hoặc phải ngắt điện trước khi dùng bởi loại dây này được sản xuất bằng kim loại, bên ngoài bọc một lớp cách điện và chống ẩm. Nếu dây gãy, dễ gây rò điện, nguy hiểm cho người sử dụng. Tốt nhất, nên bật điện trước, để chăn ấm, tắt điện rồi sử dụng và tuyệt đối không nên lạm dụng những sản phẩm này vì có thể bị mẩn ngứa, phát ban, thậm chí điện giật.
Tuyệt đối không để phòng quá kín
Theo các bác sĩ, tuyệt đối không được sử dụng bếp than tổ ong để sưởi ấm, đặc biệt là trong những phòng kín hoặc đóng kín cửa. Khí than từ bếp tỏa ra rất độc, có thể gây hôn mê và tử vong. |
Thạc sĩ Kha khuyên, để khắc phục tình trạng khô da, khi bật các thiết bị sưởi nên để một chậu nước hoặc thiết bị phun sương trong phòng để tạo độ ẩm cho không khí. Trước khi ngủ trong phòng có thiết bị sưởi, nên bôi kem giữ ẩm ban đêm dày hơn một chút, đặc biệt là với trẻ nhỏ, người già.
Tuyệt đối không được để phòng quá kín. Dù trời lạnh, chạy điều hòa, quạt sưởi cũng cần không khí trong phòng được lưu thông. Nếu phòng ngủ quá kín, lại thêm máy sưởi sẽ gây hiện tượng ổ nhiễm không thoát được, khiến con người ngột ngạt, thiếu không khí, mệt mỏi khí thức dậy.
Các chuyên gia cảnh báo, tình trạng tình trạng bị bỏng do quạt sưởi, lò sưởi, đèn sưởi cũng dễ xảy ra. Vì vậy, không nên để gần trẻ nhỏ, người già; luôn phải có người bên cạnh trẻ, tránh để trẻ sờ vào gây bỏng.
Nhiều gia đình không có điều kiện dùng các thiết bị sưởi tiêu hao điện năng có thể dùng loại túi sưởi (có thể giữ nhiệt trong tám tiếng), đặc biệt là tiện lợi mang theo người khi ra ngoài trời, lên tàu xe, tới trường học, đến công sở hay đi thăm người thân...
Hiện nay, sản phẩm này đang "cháy hàng", trong khi nhiều túi cũ đã sử dụng lâu năm gặp phải các sự cố phồng căng, rách mép hoặc không vào điện, nhiều người muốn thay túi mới nhưng không mua được.
Theo bà Nguyễn Thị Thành Thực, Tổng giám đốc CTy Bagaco, đơn vị chuyên sản xuất túi sưởi Mimosa khuyên, mọi người có thể tự điều chỉnh và sử dụng túi cũ một cách an toàn. Bởi, theo giải thích của bà Thực, túi sưởi thường được làm bằng nhựa cao cấp, chịu nhiệt.
Túi được làm nóng bằng chất kích thích tăng nhiệt. Chất dẫn nhiệt bên trong là nước và muối. Sau một vài năm sử dụng dẫn tới sự thẩm thấu, nước hao dần và làm cho không khí lọt vào bên trong túi. Khi cắm điện, nhiệt độ tăng, làm cho lượng không khí sinh ra bên trong túi căng phồng, nhiều lần sẽ bị giãn, làm rách đường viền hoặc bục túi.
Để tránh và khắc phục hiện tượng này, theo bà Thực, sau 1 – 2 năm sử dụng, khi thấy túi có hiện tượng căng hơn trước kia khi làm nóng thì người sử dụng nên cậy nắp vàng nơi ổ điện trên túi. Dựng ngược túi lên để dung dịch dồn xuống dưới, không khí dồn lên trên. Tiếp tục dùng tay bật nắp nút nhựa màu trắng – nơi cho dung dịch nước muối vào trong túi – rồi bóp nghiêng lưỡi gà đổ dồn nước bên trong đẩy phần không khí trong túi ra ngoài. Đậy lại và sử dụng như bình thường. Trường hợp không may mép vải bị rách thì có thể may lại hoặc hơ lửa để vải không bị xổ ra.
Hiện tượng cắm điện không vào, theo bà Thực, là do sử dụng quá lâu cục bên trong đã tan hết. Trường hợp này nếu vẫn muốn tiếp tục sử dụng thì cho túi vào nồi nước, đun nhỏ lửa lên khoảng 800C để khoảng 10 phút cho dung dịch nước muối trong túi nóng lên là có thể tiếp tục mang ra lau khô và sử dụng như bình thường.
Khi sử dụng cần lưu ý, đối với trẻ nhỏ, da mỏng dưới 2 tuổi không nên dùng vì có thể bị bỏng. Trẻ lớn hơn – dưới 6 tuổi, khi dùng, có thể dùng miếng lót may sẵn hoặc gói vào chiếc khăn bông tránh tiếp xúc trực tiếp làm bỏng da trẻ.