Kiên định công cuộc đổi mới đất nước

Kiên định công cuộc đổi mới đất nước
TP - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng họp từ ngày 24 đến 27-6-1991 tại Thủ đô Hà Nội. Một số đoàn đại biểu quốc tế được mời tham dự.

>> Những chặng đường vinh quang
>> Thống nhất đất nước đến đổi mới toàn diện

Đại hội lần thứ VII diễn ra trong hoàn cảnh thế giới có những biến động mới. Ở trong nước, công cuộc đổi mới đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo đã được triển khai rộng khắp và đã đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng.

Nhiều nhân tố mới xuất hiện và tình hình nhiều lĩnh vực đã có sự cải thiện nhất định. Song nước ta vẫn chưa ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội.

Trên thế giới, sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và ở các nước Đông Âu đã khiến cho lực lượng cách mạng trên thế giới bị tổn thất nặng nề, cục diện thế giới đã có sự thay đổi không có lợi cho phong trào cách mạng.

Đại hội lần thứ VII của Đảng trên cơ sở đánh giá những thành tựu và những thiếu sót trong thời gian qua, đã nêu ra số kinh nghiệm bước đầu về việc tiến hành công cuộc đổi mới.

Đại hội đã thông qua “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” và “Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000”.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 146 ủy viên. Bộ Chính trị gồm 13 ủy viên. Đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư. Các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công được giao trọng trách cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ (tháng 1-1994) đã kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VII và xác định chủ trương giải pháp đưa công cuộc đổi mới tiếp tục phát triển.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng họp từ ngày 28-6 đến 1-7-1996 tại Thủ đô Hà Nội. 35 đoàn đại biểu các Đảng Cộng sản và công nhân, phong trào giải phóng dân tộc, các đảng cầm quyền các nước được mời tham dự.

Đại hội VIII của Đảng họp trong bối cảnh mặc dù còn một số lĩnh vực phát triển chưa vững chắc song nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội được xác định rõ hơn, quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước ta được mở rộng.

Đại hội đã tổng kết 10 năm thực hiện công cuộc đổi mới và quyết định mục tiêu phương hướng, giải pháp thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phấn đấu đưa nước ta đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Trên cơ sở đó, Đại hội đã nêu ra một số bài học chủ yếu.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 170 ủy viên. Bộ Chính trị gồm 19 ủy viên. Đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư. Bộ Chính trị cử Thường vụ Bộ Chính trị gồm các đồng chí: Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt, Lê Khả Phiêu, Nguyễn Tấn Dũng. Các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công tiếp tục được giao trọng trách Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương.

Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương họp tháng 12-1997 đã bầu đồng chí Lê Khả Phiêu làm Tổng Bí thư. Thường vụ Bộ Chính trị gồm các đồng chí: Lê Khả Phiêu, Phạm Thế Duyệt, Trần Đức Lương, Phan Văn Khải, Nông Đức Mạnh. Các đồng chí: Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt được giao trọng trách Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Còn nữa

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG