Người lao động chờ việc tại đường Hồng Hà. |
Lao động... tình cảm
Từ tờ mờ sáng, dọc theo các tuyến phố như Kim Ngưu (Hoàng Mai), Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân), Phạm Văn Đồng (Từ Liêm), Ngọc Thụy (Long Biên), đã có hàng trăm người tay thúng tay xẻng, kẻ đứng người ngồi chờ việc. Đa phần họ là lao động phổ thông ở các huyện thuộc Hà Tây cũ hoặc đến từ Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Nam Định, Thanh Hóa…
Để nhập cuộc vào chợ người, tôi vận chiếc áo cũ và cái quần bò bạc thếch lên người, sắm thêm chiếc thúng rách xin được của người hàng xóm mới xây nhà rồi dừng lại tại khu vực ngã tư Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân), lân la đến ngồi gần một nhóm người đang tụm năm tụm ba ở vỉa hè.
Một người đàn ông chừng 40 tuổi thấy tôi với bộ điệu e dè, nhút nhát liền trừng mắt hỏi: “Chú mày làm gì ở đây?”. Tôi trả lời muốn có việc gì đó để kiếm tiền. “Trông chú mày mặt mũi sáng sủa, sao lại phải đứng đường tìm việc thế này?”, anh ta hất hàm hỏi. Tôi tỏ vẻ thành thật trả lời: “Thú thật với anh, công ty em vừa giải thể, cuối năm rồi chẳng biết xin việc ở đâu nên đành ra đây kiếm mấy đồng tiêu Tết anh ạ”.
Nghe vậy, người đàn ông tên Tiến nháy mắt bảo: Cứ chờ đấy, khi nào có con mẹ nào tìm tao sẽ nhường cho, nhưng về phải chia hoa hồng đấy! Thấy tôi ngơ ngác, anh ta cười cười bảo: “Anh thấy chú khỏe mạnh, sạch sẽ, làm việc cho mấy con mẹ ấy nó sẽ trả công cao, vừa nhàn hạ lại có nhiều tiền, cơm no bò cưỡi tội gì mà không làm”.
Rồi anh ta nói thêm: Mấy bà đó có tiền, nhưng vì chồng bỏ hoặc đi công tác lâu ngày, họ cần tí tình cảm thôi chứ không phải hùng hục lau dọn nhà cửa như lời họ nói đâu. Chịu khó chiều chuộng, một giờ chú mày sẽ kiếm được 500.000 - 700.000 đồng, bằng bọn anh làm cả tuần…
Chờ việc tại chân cầu Chương Dương. |
Trộm cắp, lừa đảo
Anh Nam, quê Nam Định kể: Vừa rồi có mấy vụ lừa đảo ai cũng khiếp. Một số người cũng ra đứng đường tìm việc như bọn tôi, khi có người thuê đi lau dọn, họ tới nhà khoắng sạch đồ rồi lặn mất tăm. Chúng tôi còn bị công an mời đến lấy lời khai, song chẳng biết gì nên chúng tôi được tha về.
Anh Nam cho biết, ngày càng có nhiều đối tượng trà trộn vào chợ người để trộm cắp, lừa đảo. Chủ nhà chỉ cần sơ ý là ti vi, tủ lạnh không cánh mà bay. Ngoài ra, nhiều phụ nữ nhẹ dạ, cả tin còn bị chúng lừa cả tiền lẫn tình. Khi thấy những phụ nữ tới chợ người, bọn chúng thường nhao tới hỏi han, săn đón. Với bề ngoài mặt mũi sáng sủa, ăn mặc sạch sẽ hơn chúng tôi, chúng dễ được lựa chọn. Sau khi dọn dẹp nhà cửa, đi lại một thời gian, chúng sẽ tìm cách lấy lòng gia chủ, moi tiền, khoắng đồ rồi chuồn mất.
Anh Trần Văn Hà, lái xe tải chuyên chở phế liệu cho biết: Những người lao động ở đây mới hay cũ tôi đều biết. Riêng xe của tôi chỉ gọi những người đã quen, biết rõ lai lịch để lỡ có điều gì xảy ra cũng dễ truy tìm, xử lý.
Khó quản lý
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Đỗ Duy Chiến, Phó chủ tịch UBND quận Long Biên (Hà Nội) cho biết: Địa bàn quận đang trong quá trình đô thị hóa, nhiều công trình được xây dựng mới nên xuất hiện nhiều lao động ngoại tỉnh. Họ thường đứng tụ tập tại khu vực đầu cầu Chương Dương, cầu Long Biên. Chúng tôi cũng tạo điều kiện cho họ làm việc, song do đặc thù của công việc này nên công tác quản lý không đơn giản. Hôm nay họ đứng chỗ này, mai lại đứng chỗ khác, thậm chí trong 1 ngày họ di chuyển tới vài địa điểm.
Ông Nguyễn Hồng Thái, Phó trưởng Công an quận Long Biên nói, UBND các phường có trách nhiệm kiểm tra đối tượng lao động ngoại tỉnh tại những nơi họ đứng chờ việc; có trách nhiệm kiểm tra hộ khẩu tại nơi họ cư trú (thường là nhà trọ).
Tình trạng kẻ gian trà trộn giả làm người lao động để trộm cắp, lừa đảo tài sản là rất khó phát hiện, bởi họ làm việc nay đây, mai đó, ngày làm ngày nghỉ, khiến việc kiểm tra, quản lý của các lực lượng chức năng vô cùng khó khăn. Điều quan trọng là những gia đình có nhu cầu thuê người giúp việc nên thận trọng, giám sát chặt chẽ để phòng tránh những tình huống xấu có thể xảy ra.