Miền Trung: lũ chồng lũ

Miền Trung: lũ chồng lũ
TP - Nước trên sông Gianh đã vượt báo động ba, khiến hàng trăm làng mạc tại Quảng Bình lại chìm trong lũ. Tại Hà Tĩnh, Nghệ An mưa xối xả hai ngày qua làm cho hệ thống đập thủy lợi, cầu cống, đường sá bị sập, 65 xã ở các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang…tiếp tục chìm trong nước.

 >> Lũ trên sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình diễn biến nghiêm trọng
>> Vỡ đập Khe Mơ, hàng nghìn người dân hoảng hốt

 
Miền Trung: lũ chồng lũ ảnh 1

Anh Nguyễn Văn Nhàn đã thức trắng đêm tát nước để thuyền khỏi chìm, chiếc thuyền cũng là tài sản duy nhất của gia đình anh. Ảnh: Hoàng Nam

Quảng Bình: 6/7 huyện, thành phố ngập chìm trong lũ

Hậu quả nặng nề của đợt lũ lụt vừa qua chưa kịp khắc phục xong, Quảng Bình lại đang phải gánh một cơn lũ mới. Tin từ Ban PCLB&TKCN Quảng Bình, lúc 19 giờ ngày 16-10, trời vẫn mưa rất to và lũ đang lên nhanh, 6/7 huyện, thành phố của tỉnh Quảng Bình bắt đầu ngập lụt. Giao thông bị ngưng trệ do bị ngập nhiều điểm.

Quốc lộ 12A có 2 điểm bị ngập sâu hơn 1m, tại xã Mai Hóa và Phong Hóa thuộc huyện Tuyên Hóa. Đường Hồ Chí Minh cũng bị ngập 2 điểm tại xã Thượng Hóa và Trung Hóa. Quốc lộ 15, đoạn Tân Ấp - Đồng Lê nhiều đoạn bị sạt lở nặng. Cho đến 19 giờ ngày 16-10, hai huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa bị nước lũ cô lập hoàn toàn.

Ông Đậu Minh Ngọc - Chủ tịch huyện Quảng Trạch cho biết, hầu hết các cồn nổi trên sông Gianh đã bị ngập chìm trong nước. Trong chiều 16-10, PV Tiền Phong đã cố gắng về một số cồn nổi trên sông Gianh.

Ông Hoàng Ngọc Thắng (bí thư Đảng ủy xã) lo lắng: “Rút kinh nghiệm đợt lũ trước, xã đã cử cán bộ về tận từng thôn để chỉ đạo và cùng dân chống lũ. Nhưng với tình hình này, dân vùng cồn bãi của chúng tôi chắc không chịu nổi mất. Nước mới rút được mấy ngày, đang kiệt sức vì khắc phục hậu quả thì nay lại phải hứng chịu một đợt lũ mới”.

 
Miền Trung: lũ chồng lũ ảnh 2

Nhiều ngôi nhà bị chìm sâu trong nước. Ảnh: Hoàng Nam

Từ bến đò chợ Mới sang thôn Cồn Nâm, nước sông Son và sông Nan đổ về đục ngầu chảy xiết khiến chiếc thuyền 12 mã lực không thể cập đúng bến. Nước đã ngập trắng xóa làng Cồn Nâm, nhiều nhà ngập sâu hơn 1m.

Anh Nguyễn Văn Nhàn (50 tuổi) người ướt sũng, ngồi co ro trong khoang thuyền được che bằng một tấm bạt nhỏ, vừa run rẩy vừa nói: “Trận lụt trước nhà tui bị trôi chưa dựng lại được, cả gia tài nay còn chiếc thuyền nhỏ ni. Vợ con tui đã cho vào trú nhờ nhà trong xóm, còn tui khi đêm đến giờ thức trắng ở đây để tát nước để thuyền khỏi chìm. Mất chiếc thuyền ni nữa là coi như nhà tui hết đường sống”.

Điều khiến anh Nguyễn Văn Sơn - Trưởng thôn Cồn Nâm lo lắng nhất là lương thực cho dân trong lũ. “Đợt lũ trước hầu hết lúa gạo của dân bị ngập và trôi hết. Lũ ra, gần như cả thôn đang ăn gạo cứu trợ nhưng cũng không được nhiều. Nay nhiều nhà đã hết gạo. Theo kinh nghiệm của các cụ trong làng, mặc dù nước đã ngập nhà cửa nhưng đây mới chỉ là nước mưa ứ đọng ở hạ nguồn, chứ nước thượng nguồn chưa đổ về đến. Nhìn màu nước là biết, màu vẫn bạc trắng chứ chưa đục ngầu” -
anh Sơn nói.

Vùng cồn bãi xã Quảng MInh chỉ còn là một vệt mờ trong mênh mang nước lũ
Vùng cồn bãi xã Quảng Minh chỉ còn là một vệt mờ trong mênh mang nước lũ. Ảnh: Hoàng Nam

Qua điện thoại, ông Cao Văn Định – Bí thư huyện ủy Minh Hóa cho biết: “Sáng nay tôi vào Tân Hóa, nước đã ngập 100% số nhà trong xã, có nhà ngập hơn 2m. Với tình hình này chắc lại phải di dân trở lại hang đá tranh lũ”.

Tại huyện Lệ Thuỷ, nước lũ đã gây ngập lụt hầu hết 8 xã vùng giữa của huyện. Đặc biệt, một cơn lốc mạnh vào tối 15-10, đã làm tốc mái 65 nhà dân các xã Văn Thuỷ, Dương Thuỷ, Tân Thuỷ, Mỹ Thuỷ. Mặc dù đang bị ngập sâu trong nước nhưng chính quyền các địa phương ở đây đang huy động lực lượng giúp dân lợp lại nhà để có chỗ ở tạm.

Huyện Tuyên Hóa có 10 xã bị ngập. Huyện đã tổ chức di dời 1.400 người dân ra khỏi vùng nguy hiểm dọc các điểm sạt lở ở triền núi và dọc sông Gianh. Cũng sáng nay, huyện Bố Trạch đã chỉ đạo các xã Liên Trạch, Hưng Trạch, Sơn Trạch di dời 1.200 người ra khỏi vùng ngập lụt sâu.

Hà Tĩnh: Vỡ đập Khe Mơ, lũ lớn nhất trong vòng 100 năm

Mưa xối xả hai ngày qua trên địa bàn Hà Tĩnh, Nghệ An làm cho hệ thống đập thủy lợi, cầu cống, đường sá bị sập, 65 xã ở các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang…tiếp tục chìm trong biển nước. Nước lũ lên nhanh, hàng ngàn người dân của các xã huyện Vũ Quang, Hương Khê dọc đường Hồ Chí Minh phải di dời lên đường tránh lũ. Đợt lũ mới này có 2 người chết, một người mất tích.

Miền Trung: lũ chồng lũ ảnh 4
Đập Khe Mơ vỡ, người dân bàng hoàng. Ảnh: Minh Thùy.

Vỡ đập Khe Mơ, hàng nghìn người dân hoảng hốt

Tin vỡ đập Khe Mơ làm hàng nghìn người dân thị trấn Phố Châu, Sơn Hàm, Sơn Phú hoảng hốt. Tại thị trấn Phố Châu, nước từ các xã Sơn Hàm, Sơn Phú kéo về gây ngập nhiều tuyến đường. Tại xã Sơn Hàm, biển nước mênh mông bao trùm cả xã.

“Gần 7 giờ sáng nay, tôi đang dắt trâu ra đồng, bỗng nghe âm thanh rầm rầm vọng đến từ phía đập thủy lợi. Trong chốc lát, nước, cây cối cuồn cuộn lao về. Tôi chạy một mạch lên núi. Nước ngập vượt ngọn cây, ngập đồng hơn chục mét” - ông Nguyễn Văn Hưng, trú tại thôn 1, xã Sơn Hàm kể lại. Cũng theo ông Hưng, sau gần một giờ đồng hồ, bất ngờ nước rút hẳn xuống. Nhận được tin báo, Bộ chỉ huy quân sự huyện Hương Khê huy động gần 50 cán bộ, chiến sỹ vào giúp dân di dời.

Gần 9 giờ sáng qua, phóng viên Tiền Phong có mặt tại đập Khe Mơ, sau khi vượt 3km đường rừng. Đập vỡ toác khoảng 30mét, từng khối đất, đá tiếp tục bị nước kéo xuống, các đường nứt kéo dài hàng chục mét từ phía sạt lở lên tận núi.

“Khoảng 5 giờ sáng, tôi và anh em đi kiểm tra, phát hiện đập có dấu hiệu rò rỉ. Chúng tôi huy động anh em xuống khắc phục nhưng nước đã ngấm sâu vào thân đê chắn. Rất may, nước chỉ tuôn về trong vòng một giờ rồi ngừng hẳn” - một cán bộ tên Hoàn của đập thủy lợi Khe Mơ bàng hoàng kể lại.

Khoảng 10 giờ trưa, nước lũ đã rút rất nhanh, lãnh đạo huyện Hương Sơn cùng hàng trăm cán bộ, công nhân đã có mặt tại đập Khe Mơ để khắc phục và đánh giá thiệt hại ban đầu.

Miền Trung: lũ chồng lũ ảnh 5
Người dân Hương Khê (Hà Tĩnh) lại phải di dời tránh lũ. Ảnh: Minh Thùy.

Lên đường tránh lũ

Tại thị trấn Hương Khê, nước dâng cao 1,5m, xe máy, ô tô chết máy ngổn ngang trên đường. Các xã Phương Mỹ, Phương Điền, Hương Đô, Hương Thủy, Lộc An, thị trấn Hương Khê…chìm trong biển nước. Dọc đường mòn Hồ Chí Minh, rất nhiều nhà bạt dựng tạm, xe bò chất đầy đồ đạc, trâu, bò, lợn, gà…tập kết hai bên đường.

Khoảng 2 giờ chiều cùng ngày, Công an huyện Hương Khê nhận được tin cầu cứu của 12 công nhân Cty Cổ phần xây dựng Tiến Đạt Hà Tĩnh đang bị mắc kẹt tại xóm Phú Hương, xã Phú Xuân đã đến giải cứu kịp thời.

UBND tỉnh Hà Tĩnh sẽ làm rõ sự vô trách nhiệm của nhà máy thủy điện Hố Hô. Họ quá xem thường tính mạng của hàng ngàn người dân huyện Hương Khê”.

Tối qua, hàng chục chiếc xuồng của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và Công an Hương Khê tiếp tục xé toạc màn đêm đến giải cứu người dân đang bị lũ cô lập. Trận lũ mới này làm 2 người chết và 1 người mất tích. Điện mất, nước dâng, hàng ngàn người dân các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn…đang sống trong cảnh màn trời chiếu đất.

Cho đến 22 giờ đêm qua, TP Vinh và TP Hà Tĩnh cũng bị chìm trong biển nước, nhiều tuyến phố ngập sâu trên 1m. Trong khi đó, những cơn mưa lớn vẫn trút xuống không dứt. Tổng lượng mưa ở hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An trong hai ngày qua đạt mức từ 200mm đến 400mm. Một số nơi như Chu Lễ, Hòa Duyệt (Hương Khê), Sơn Diệm (Hương Sơn)…đạt gần 600mm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho biết, tối 15-10, UBND tỉnh cử đoàn công tác lên kiểm tra hệ thống thủy điện Hố Hô. Trong khi nước lũ đang cuồn cuộn đổ về thì nhà máy thủy điện Hố Hô cửa đóng then cài, không có cán bộ nào trực. Liên lạc với các cán bộ nhà máy không được, đoàn phải mò mẫm trong mưa lũ để kiểm tra.

“Mực nước của cơn lũ mới này vượt qua cơn lũ lịch sử năm 2007. Trong vòng 100 năm nay, Hà Tĩnh chưa bao giờ xuất hiện cơn lũ lớn như thế này”, ông Bùi Lê Bắc, Chánh văn phòng Ban PCLB tỉnh Hà Tĩnh cho biết.

Cùng Tiền Phong cứu trợ lũ lụt

51 người chết và 11 người mất tích, hàng vạn ngôi nhà đã bị ngập, nhiều người dân ở vùng lũ lâm vào cảnh đói khát. Với tinh thần lá lành đùm lá rách, báo Tiền Phong kêu gọi các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, kiều bào dành một phần tiền, hiện vật để giúp đồng bào vùng lũ vượt qua khó khăn.

Mọi sự hỗ trợ xin gửi về các địa chỉ sau: báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương - Hà Nội; ĐT: 39434031. Ban đại diện tại TP Hồ Chí Minh: 384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 8, Q3, ĐT: (08) 3848 4366, Fax: (08) 3843 5095, Ban đại diện tại miền Trung: 19 Ngô Gia Tự - Đà Nẵng, ĐT: 3828 039, Fax: (05113) 897 080, Ban đại diện tại Đồng bằng sông Cửu Long: 46A, Quốc lộ 91B, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, ĐT và Fax: 07103823829, Ban đại diện tại Tây Nguyên: 26 Trần Nhật Duật- TP Buôn Ma Thuột - Đăk Lăk, ĐT và Fax: (0500) 3950029.

* Vào ngày 12-10, báo Tiền Phong cùng Cty Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi Việt Nam sẽ đến vùng lũ gửi tới tận tay dân nghèo gặp nạn tại 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình 1.500 phần quà là thực lương thực, thực phẩm thiết yếu. Tổng trị giá các phần quà cứu trợ đợt 1 này khoảng 300 triệu đồng.

MỚI - NÓNG