Nhiều nơi ở miền Trung lại chìm trong biển nước

Trường tiểu học xã Sơn Thịnh bị ngập trên 1 mét Ảnh: M.T
Trường tiểu học xã Sơn Thịnh bị ngập trên 1 mét Ảnh: M.T
TP - Sau hai ngày mưa lớn, lũ ống, lũ quét tiếp tục đổ về hai huyện Hương Khê và Hương Sơn, Hà Tĩnh. Chiều qua, huyện Hương Khê có 4/22, huyện Hương Sơn 16/32 xã bị cô lập. Nước sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu lên gần mức báo động 3.

>>  Đến với bà con vùng lũ Hương Khê
>> Nhiều nơi ở miền Trung lại chìm trong biển nước 

Trường tiểu học xã Sơn Thịnh bị ngập trên 1 mét Ảnh: M.T
Trường tiểu học xã Sơn Thịnh bị ngập trên 1 mét. Ảnh: M.T.

Trưa 15-10, PV Tiền Phong có mặt tại xã Sơn Thịnh, nơi bị ngập sâu nhất của huyện Hương Sơn. Các xã Sơn Thịnh, Sơn Hòa, Sơn Ninh… bị cô lập hoàn toàn. Nước dâng cao trên 1m; trường học, trạm xá, nhà cửa chìm trong biển nước mênh mông. “Lũ về nhanh không kịp trở tay, sáng nay nước sông Ngàn Phố ở mức bình thường, vài giờ sau nước lũ đỏ ngầu cuồn cuộn”, bác Lê Tùng, trú tại thôn Minh Thịnh, xã Sơn Thịnh cho biết. Lũ về nhanh, hàng trăm hộ dân thôn Minh Thịnh phải di dời người già, trẻ em và lương thực đến các xã khác cao hơn.

Phó ban thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Hương Sơn Phan Xuân Yên cho biết, do mưa lớn từ hai ngày qua, lũ quét và triều cường làm 16/32 xã bị ngập hoàn toàn. “Hiện mực nước trên các sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu gần vượt báo động ba. Nếu trời tiếp tục mưa to, Hương Sơn đứng trước nguy cơ đối đầu cơn đại hồng thủy của năm 2002”, ông Yên nhận định.

Nước chảy xiết đã cuốn trôi em Đoàn Hiệp Đông (SN 1996, trú tại xóm Cao Sơn, xã Sơn Thủy), học sinh lớp 9, trường THCS Thủy Mai đang trên đường đi học sáng qua. Theo ghi nhận của PV, tại các khúc cua của sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu, nhiều người dân liều mình lao ra giữa dòng nước xoáy để vớt củi, rất nguy hiểm.

Theo báo cáo nhanh từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Hương Sơn, gần 200 cống bị lũ cuốn trôi, hàng ngàn cột điện bị ngã, hàng ngàn hécta lúa mùa, ngô đông, khoai đông bị chìm trong nước. Gần 30 trường THCS và tiểu học ở huyện Hương Sơn phải cho học sinh nghỉ học, tất cả các trường mầm non đóng cửa.

Sau hai ngày mưa lớn, chiều qua, nhiều xã vừa bị ngập nặng trong cơn lũ vừa qua ở huyện Hương Khê như Phương Mỹ, Hương Đô, Lộc Yên, Hà Linh… lại tiếp tục chìm trong biển nước. Tỉnh lộ 15A từ Hà Tĩnh đi Hương Khê sau vài ngày thông đường nay tiếp tục bị tắc do ngập nước.

Liều mình giữa dòng nước xoáy để vớt củi
Liều mình giữa dòng nước xoáy để vớt củi .


Quảng Nam - mưa lớn tắc đường nhiều nơi

Trong hai ngày 14 và 15-10, các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam có mưa vừa đến mưa to trên diện rộng. Tại huyện miền núi Nông Sơn, trưa 15-10, tuyến đường chính ĐT 611 từ huyện Quế Sơn đi vào trung tâm huyện Nông Sơn bị ngập hơn 1m. Giao thông bị đình trệ hoàn toàn. Một quả đồi tại Đèo Le (xã Sơn Viên, Nông Sơn) bị sạt lở, gây tắc nghẽn giao thông.

Tại TP Tam Kỳ, trong hai ngày qua, mưa lớn đã làm ngập sâu nhiều tuyến đường (như Hùng Vương, Lê Lợi, Huỳnh Thúc Kháng, Lý Thường Kiệt...) khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn.

TT-Huế: Lốc xoáy và mưa lớn, một người chết

Một trận lốc xoáy kèm mưa lớn xảy ra chiều tối 15-10 đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho dân bản Hạ Long, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền.

Theo thống kê của UBND huyện Phong Điền, trận lốc trong vòng nửa giờ kèm mưa rất lớn (hơn 600mm) làm hư hỏng 60 ngôi nhà, tốc mái hai trường học; trong đó, 37 nhà gần như bị sập đổ hoàn toàn. Đã có một người chết do bị vật cứng rơi trúng đầu, hai người bị chấn thương phải cấp cứu.

Quảng Bình đối mặt với lũ chồng lên lũ

Tin từ Ban PCLB&TKCN tỉnh Quảng Bình, do ảnh hưởng của không khí lạnh và dải hội tụ nhiệt đới, từ đêm 14-10 trên địa bàn tỉnh này đã phải hứng chịu những trận mưa như trút nước khiến mực nước các sông đang lên rất nhanh.

Đến 16 giờ ngày 15-10, nước sông Gianh đã lên ngấp nghé báo động II, nước sông Kiến Giang vượt báo động II 0,7m. Theo dự báo, đến sáng 16-10, nước trên sông Gianh và Kiến Giang sẽ đạt và vượt báo động III.

Ông Đinh Hồng Hộ - Phó Chủ tịch huyện Minh Hóa cho biết: Mưa to trong hai ngày vừa qua khiến đường về các xã Tân Hóa, Minh Hóa (tâm lũ trong đợt lũ trước - PV) đã bị ngập và chia cắt. Đường Hồ Chí Minh đoạn qua thôn Phú Nhiêu (xã Thượng Hóa) cũng bị ngập. “Nước vừa rút trên mặt, đang ứ trong lòng đất nên mưa đến đâu là nước lên đến đó. Nếu thêm một trận lụt nữa, người dân chúng tôi chắc là không chịu đựng nổi”- ông Hộ nói.

Tại huyện Quảng Trạch, mưa to đã làm ngập một số cồn nổi trên sông Gianh. Hiện chính quyền các địa phương đang gấp rút di dời 1.800 hộ dân với 4.000 nhân khẩu. Tương tự, huyện Tuyên Hóa cũng đang nỗ lực di dời hàng ngàn hộ dân hai bên bờ sông Gianh trước nguy cơ bị sạt lở.

Cùng Tiền Phong cứu trợ lũ lụt

51 người chết và 11 người mất tích, hàng vạn ngôi nhà đã bị ngập, nhiều người dân ở vùng lũ lâm vào cảnh đói khát. Với tinh thần lá lành đùm lá rách, báo Tiền Phong kêu gọi các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, kiều bào dành một phần tiền, hiện vật để giúp đồng bào vùng lũ vượt qua khó khăn.

Mọi sự hỗ trợ xin gửi về các địa chỉ sau: báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương - Hà Nội; ĐT: 39434031. Ban đại diện tại TP Hồ Chí Minh: 384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 8, Q3, ĐT: (08) 3848 4366, Fax: (08) 3843 5095, Ban đại diện tại miền Trung: 19 Ngô Gia Tự - Đà Nẵng, ĐT: 3828 039, Fax: (05113) 897 080, Ban đại diện tại Đồng bằng sông Cửu Long: 46A, Quốc lộ 91B, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, ĐT và Fax: 07103823829, Ban đại diện tại Tây Nguyên: 26 Trần Nhật Duật- TP Buôn Ma Thuột - Đăk Lăk, ĐT và Fax: (0500) 3950029.

* Vào ngày 12-10, báo Tiền Phong cùng Cty Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi Việt Nam sẽ đến vùng lũ gửi tới tận tay dân nghèo gặp nạn tại 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình 1.500 phần quà là thực lương thực, thực phẩm thiết yếu. Tổng trị giá các phần quà cứu trợ đợt 1 này khoảng 300 triệu đồng.

MỚI - NÓNG