Ông Hiền (phải) cho rằng nền kinh tế VN bộc lộ không ít hạn chế cần lời giải cụ thể. Ảnh: T.L. |
Báo cáo Chính phủ cho hay, năm 2010 tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,7% (cao hơn chỉ tiêu dự kiến) đồng thời cho biết chỉ tiêu dự kiến năm 2011 là 7-7,5%. Trong 21 chỉ tiêu đề ra trong năm nay, có 15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Cân đối vĩ mô ổn định bội chi giảm từ 6,9% (2009) xuống 5,95%, xuất khẩu tăng 3 lần. Tuy nhiên, chính sách lãi suất cao, tình trạng thiếu điện đang gây khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Đánh giá tổng quát thực hiện kế hoạch 5 năm (2006-2010), tăng trưởng GDP khoảng 7%, không đạt mục tiêu đề ra là 7,5-8%.
Chính phủ nhận định: “Tình trạng cửa quyền, sách nhiễu gây phiền hà trong bộ máy hành chính, tham nhũng lãng phí…vẫn chưa được khắc phục triệt để, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh và hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước”.
Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng, nhiều năm qua nguồn đầu tư không đủ bù đắp bằng tiết kiệm nội địa, nên phải dựa nhiều vào bên ngoài. Ước tính đến nay, nợ công khoảng 52% GDP, trong đó dư nợ Chính phủ bằng 44,5% và dư nợ quốc gia bằng 42,2% GDP cũng đang tiến dần đến ngưỡng an toàn cho phép. Vì vậy cần kiểm soát vốn đầu tư bằng ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, tránh nợ công trầm trọng hơn. “Nợ công có xu hướng tăng nhanh sẽ là những trở ngại lớn cho sự phát triển kinh tế trong những năm gần đây”- ông Hiền nói.
Cần lời giải kinh tế tập đoàn
Theo ông Hiền, bên cạnh những thành tựu đáng khích lệ, kinh tế- xã hội nước ta bộc lộ không ít hạn chế, bất cập “đòi hỏi phải được phân tích thấu đáo và có lời giải cụ thể” để tạo bước chuyển những năm sau.
Kinh tế vĩ mô thiếu nền tảng vững chắc, chất lượng tăng trưởng thấp, tiềm ẩn bất trắc. Trong khi đó, các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn do tác động của một số chính sách bất cập, thắt chặt tín dụng, lãi suất cao, thiếu điện nghiêm trọng. Báo cáo của UB Kinh tế |
Đáng lưu ý, quản lý nhà nước và thực hiện quyền chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước nói chung và tập đoàn kinh tế, tổng Cty nhà nước nói riêng bộc lộ rõ sự bất cập, chưa thay đổi kịp thời với chuyển biến của nền kinh tế thị trường; cơ chế kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán và quản lý tài chính nội bộ còn kém hiệu quả.
Việc phân công, phân cấp quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu nhà nước đối với tập đoàn, tổng Cty còn phân tán, cắt khúc dẫn đến không có cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm về quản lý vốn, tài sản của các đơn vị này.
Mô hình, phương thức quản lý trong nội bộ tập đoàn cũng còn nhiều bất cập, hạn chế.
“Việc tập đoàn Vinashin rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ phá sản là hậu quả của quá trình tập đoàn đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả, chưa thực sự tuân theo quy luật thị trường và công tác kiểm tra, kiểm soát còn nhiều hạn chế, chưa phát hiện và ngăn chặn kịp thời những quyết định sai trái về đầu tư, sử dụng vốn của lãnh đạo tập đoàn” - ông Hiền nhận định.