Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (UBPL) Nguyễn Văn Thuận phát biểu tại phiên họp thứ 34 Ủy ban Thường vụ QH (sáng 18-9) tổng kết bước 1 thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường trong một năm qua.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuật: "Hội đồng nhân dân là thiết chế dân chủ không thể thiếu". Ảnh: N.T. |
Chủ nhiệm UBQP-AN Lê Quang Bình nhìn nhận, thời gian thí điểm chưa nhiều, nếu chỉ qua một năm không tổ chức HĐND mà đánh giá là kinh tế, văn hóa, quốc phòng an ninh các địa phương đó phát triển tốt hơn… là chưa đủ cơ sở khoa học. Trong khi đó, các địa phương đều đánh giá hoạt động của HĐND là tốt.
“Nước ta là nước dân chủ, dân làm chủ thông qua lá phiếu của mình bầu ra HĐND. Nhưng ta lại bỏ cơ quan đại diện đó mà nói là mọi thứ vẫn được tăng cường thì cơ sở là gì? Báo cáo nói bộ máy nhà nước cồng kềnh, kém hiệu lực, hiệu quả, không thông suốt, kỷ luật chưa nghiêm thì phải phân tích. Còn đánh giá HĐND là hình thức, vậy thì MTTQ có hình thức không, QH hình thức ở mức độ thế nào?”-Ông Bình nói.
"Bỏ HĐND là bỏ đi một thiết chế dân chủ, bỏ đi một diễn đàn quan trọng phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân và tiếng nói tập trung của Mặt trận, các đoàn thể của nhân dân địa phương" - Chủ nhiệm UBPL Nguyễn Văn Thuận |
Ông Trần Thế Vượng-Trưởng Ban Dân nguyện cho rằng báo cáo về tổng kết việc thí điểm có chỗ chưa khách quan, nên tỏ ra hoài nghi: “Căn cứ vào đâu, Báo cáo của Chính phủ đưa ra đánh giá: Các địa phương thí điểm bỏ HĐND thì quyền đại diện và quyền dân chủ của nhân dân trên địa bàn được đảm bảo, phát huy hơn? Nếu đúng như vậy thì từ trước tới nay vai trò của HĐND nguy hiểm quá!”.
Không như báo cáo của Chính phủ, Thẩm tra của UBPL cho rằng: “Ở những nơi không có HĐND (nhất là với cấp huyện), cơ chế để người dân tham gia và giám sát việc quyết định những vấn đề lớn của địa phương chưa được đảm bảo”.
Chủ nhiệm UBPL Nguyễn Văn Thuận phân tích: “Ở các địa phương thí điểm, Mặt trận và các đoàn thể có nhiều cố gắng trong giám sát. Tuy nhiên, giám sát của các tổ chức này mang tính xã hội, không thể thay thế chức năng giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước”.
Cần thí điểm rộng hơn, lâu hơn
Chủ nhiệm UBQP-AN Lê Quang Bình đề nghị, nên tiếp tục thí điểm việc không tổ chức HĐND ở 10 tỉnh thành đang thí điểm. Đồng thời, nên nghiên cứu xem có thể bỏ hẳn ở một cấp nào đó không?
Chủ tịch HĐDT Ksor Phước nói: “Chính quyền đại diện cho quyền lực, vì vậy phải được giám sát để nó không tha hóa. Vấn đề là phải chỉ ra có mô hình nào tốt hơn HĐND không? Tôi chưa thấy mô hình nào hơn HĐND để kiểm soát quyền lực của chính quyền. Trên thế giới cũng vậy. Theo tôi, nên bỏ HĐND phường, nhưng quận thì rất cần giữ lại. Ngoài ra, cần chọn thêm một số tỉnh khác nữa để thí điểm mô hình bỏ HĐND ở một số cấp”.
Ủy ban Pháp luật tán thành phương án tiếp tục thí điểm, đa số ý kiến cho rằng chỉ nên thí điểm tại 10 tỉnh và không nên mở rộng thêm như đề xuất của Chính phủ. Cũng theo Ủy ban này, có ý kiến đề nghị không thí điểm nữa và cần có cơ chế để HĐND hoạt động như quy định của pháp luật. Có ý kiến đề nghị bỏ toàn bộ các thiết chế tại cấp huyện, kể cả Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.
Các quyết định về HĐND đều liên quan đến luật gốc là Hiến Pháp, do đó nếu bỏ HĐND thì phải sửa Hiến pháp. Chủ nhiệm UBQP-AN và Trưởng ban dân nguyện đều cho rằng từ nay đến hết năm, chắc chắn chúng ta không thể sửa Hiến pháp, vì không có thời gian, con người để làm. “Sửa Hiến pháp cần một trình tự, thủ tục đặc biệt. Phải sau Đại hội Đảng chúng ta mới có thể làm được, không thể làm ngay bây giờ”- Ông Bình nói.