Bọ xít hút máu: Mắn đẻ, thích nghi nhanh và mang trùng roi

Bọ xít hút máu: Mắn đẻ, thích nghi nhanh và mang trùng roi
TP - Sự xuất hiện rầm rộ của bọ xít hút máu từ giữa năm đến nay tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh cùng với phát hiện ban đầu về một loại ký sinh trùng truyền bệnh trong cơ thể chúng, khiến nhiều người hình dung hiểm họa bệnh tật tiềm ẩn, bất chấp trấn an của một nhóm khoa học gia bắt đầu nghiên cứu loài côn trùng còn nhiều bí ẩn này.

>> Phát hiện ổ bọ xít hút máu lớn nhất VN ở Hà Nội

Bọ xít hút máu: Mắn đẻ, thích nghi nhanh và mang trùng roi ảnh 1


Đẻ trứng như vãi đạn

Cách đây sáu ngày, tại ngoại thành Hà Nội đã thu được một ổ bọ xít hút máu với số lượng 200 con. Đến chiều qua, 35 con bọ xít cái trưởng thành trong tổng số 160 con khỏe mạnh đẻ gần 400 trứng. TS. Trương Xuân Lam - Trưởng phòng Côn trùng thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật (ST&TNSV) diễn giải: “Theo kinh nghiệm ban đầu mà chúng tôi vừa tích lũy, khoảng 17 ngày sau, trứng sẽ nở thành ấu trùng và những con bọ xít hút máu sơ sinh này cũng sẽ phải tự đi tìm máu để sinh tồn”. Đáng chú ý, tỷ lệ trứng nở cực cao. Cứ 100 trứng bọ xít hút máu, có không dưới 90 trứng nở thành con.

Với thời gian trứng nở hơn nửa tháng và tỷ lệ nở cao như vậy, TS Lam lo ngại mức độ lan tỏa của bọ xít hút máu trong các khu dân cư ở Hà Nội. “Chúng tôi mới điều tra trên một diện rất hẹp, phần lớn là phát hiện tình cờ từ các khu dân cư”, TS Lam cho hay.

Các nhà khoa học chưa biết mức độ phân bố của bọ xít hút máu ra sao nhưng có một điều chắc rằng loài côn trùng này đã và đang thích nghi rất nhanh với môi trường sống và tập tính của con người. Chúng thích nghi như thế nào, bắt đầu từ bao giờ, tàn phá rừng ảnh hưởng thế nào đến môi trường sinh sống tự nhiên của chúng, tác động ra sao đến việc chúng xâm nhập môi trường sống của con người, và chiều hướng phát triển sắp tới của chúng ra sao trong bối cảnh khí hậu toàn cầu thay đổi …, là những câu hỏi lớn chưa có lời giải ở Việt Nam.

Dù thu thập mẫu vật theo kiểu chỉ điểm từ ba tháng qua, bản đồ bọ xít hút máu cho thấy, địa bàn tìm thấy chúng đã lan ra khá nhiều tỉnh thành, nhất là tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng... Tại TP HCM, các nhà khoa học phát hiện được bọ xít hút máu tại không dưới 8 điểm ở các quận 1, quận 5, quận Gò Vấp...

Mấy tuần qua, một nhóm nhà khoa học ở cấp cơ sở đã chủ động tập hợp lại tìm hiểu đề tài này. Họ là các chuyên gia đến từ Viện ST&TNSV, Viện Công nghệ Sinh học (đều thuộc Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam), Viện Thú y (thuộc Bộ NN&PTNT) và Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế).

Cháu Tạ Đăng Quang, 3 tuổi ở ngõ 175, Cầu Giấy bị bọ xít đốt ở tay, chân và lưng Ảnh: Chụp tại phòng côn trùng học lúc 17 giờ 30 ngày 16-9 Ảnh: Phạm Yên
Cháu Tạ Đăng Quang, 3 tuổi ở ngõ 175, Cầu Giấy bị bọ xít đốt ở tay,
chân và lưng Ảnh: Chụp tại phòng côn trùng học lúc 17 giờ 30
ngày 16-9. Ảnh: Phạm Yên.


Ký sinh trùng đường máu, mầm họa

Đáng chú ý nhất là tìm thấy ký sinh trùng nội bào trong cơ thể những con côn trùng này. Hơn 100 người bị đốt có những triệu chứng như ngứa, đau, sưng thành vùng lớn nơi bị đốt; thậm chí, có người phải đến bệnh viện khám và điều trị.

TS. Trương Xuân Lam đã phát hiện ra một loài trùng roi sống trong hệ thống tiêu hóa của bọ xít hút máu mà ông đã thu thập. Kết quả nghiên cứu ông cùng Th.S Nguyễn Thị Giang Thanh – Bộ môn Ký sinh trùng, Viện Thú y, bước đầu đưa ra kết quả loài trùng roi ký sinh thuộc lớp Protozoa và giống Trypanosoma thông qua hình thái học (phiết kính nhuộm Giemsa) và các đặc tính sinh học như có khả năng di chuyển nhờ chuyển động roi trong dịch vật chủ, có khả năng sinh sản trực phân và thích ứng trên bản động vật chuột bạch trong phòng thí nghiệm.

Bọ xít hút máu người thuộc giống Triatoma và Rhodinus thuộc họ Reduviidae, bộ Hemiptera, tìm thấy nhiều ở Nam Mỹ. Năm 1996, ước tính 16 - 18 triệu người nhiễm bệnh. Trong số đó, hơn 6 triệu người bị bệnh lâm sàng và 45.000 người chết mỗi năm.  

Tuy nhiên, để xác định loài trùng roi này thuộc loài nào, các nhà khoa học còn phải nghiên cứu tiếp bằng kỹ thuật sinh học phân tử để so sánh giữa các hệ gene di truyền trong cùng loài, để nhận biết đặc điểm sinh học, đặc tính gây bệnh cho gia súc, người; và nhận biết sự trốn trách nhiệm miễn dịch của chúng. Công việc này do PGS-TS Lê Thanh Hòa, Viện Công nghệ Sinh học, thực hiện.

Đáng chú ý, dù thuộc loài nào, Trypanosoma đều có nguy cơ gây bệnh, nhẹ là cho gia súc và nặng là cho người.

Ở nước ta, loài Trypanosoma evansi đã được xác định gây bệnh cho trâu, bò, dê và ngành Thú y đã nghiên cứu về chúng nhiều năm. Bệnh do Trypanosoma evansi gây nhiều thiệt hại cho ngành chăn nuôi, đặc biệt ở thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước. Bệnh phát triển thành dịch, gây đổ ngã trâu bò hàng loạt.

Đến nay, chưa có nghiên cứu nào được thực hiện để tìm hiểu xem có Trypanosoma evansi trên người ở Việt Nam hay không. Tuy nhiên, ở Ấn Độ, Joshi và cộng sự đã công bố sự xuất hiện thích ứng của loài Trypanosoma evansi trên người và có khả năng gây bệnh cho người.

MỚI - NÓNG