Hội đồng Nhân dân cấp quận, huyện, phường: Bỏ hay không?

Việc bỏ HĐND quận, huyện, phường vẫn chưa ngã ngũ tại Hội nghị toàn quốc về HĐND và UBND các cấp. Ảnh: TTXVN
Việc bỏ HĐND quận, huyện, phường vẫn chưa ngã ngũ tại Hội nghị toàn quốc về HĐND và UBND các cấp. Ảnh: TTXVN
TP - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho rằng, đây là vấn đề lớn, rất nhạy cảm. Do vậy, cần cân nhắc kỹ, tiến hành tổng kết thật thấu đáo.
Việc bỏ HĐND quận, huyện, phường vẫn chưa ngã ngũ tại Hội nghị toàn quốc về HĐND và UBND các cấp. Ảnh: TTXVN
Việc bỏ HĐND quận, huyện, phường vẫn chưa ngã ngũ tại Hội nghị
toàn quốc về HĐND và UBND các cấp. Ảnh: TTXVN.


Đột phá

Tại Hội nghị toàn quốc về HĐND và UBND các cấp ngày 12-9, báo cáo tổng kết của Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh, thí điểm bỏ HĐND huyện, quận, phường là “bước đột phá”. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Hữu Thắng, khẳng định: Thí điểm đã đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, tạo bước đột phá trong cải cách hành chính, góp phần tổ chức hợp lý chính quyền địa phương, phân biệt rõ sự khác nhau giữa chính quyền khu vực đô thị và khu vực nông thôn, đảm bảo tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính.

Bộ Nội vụ đưa 3 phương án lựa chọn là: Xem xét sửa đổi một số điều của Hiến pháp 1992 liên quan đến HĐND tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội để thực hiện không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trên phạm vi cả nước từ tháng 5- 2011; Xem xét ban hành Nghị quyết của Quốc hội mở rộng phạm vi thí điểm trong cả nước trong nhiệm kỳ 2011 - 2016 cho đến khi sửa đổi tổng thể Hiến pháp và các luật liên quan; Tiếp tục thực hiện thí điểm quy mô như hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn cho biết, Chính phủ đồng tình với phương án một, nghĩa là nên sửa đổi Hiến pháp rồi nhân rộng trên phạm vi cả nước. Phương án này sẽ giúp việc thực hiện thuận lợi hơn. Nhưng lo ngại là thời gian quá gấp, chuẩn bị không kịp. Do vậy, Chính phủ chuẩn bị cả phương án tiếp tục thí điểm nhân rộng mô hình trên phạm vi cả nước, vừa thí điểm vừa kết hợp sửa Hiến pháp.

Trước lo ngại chưa sửa Hiến pháp mà nhân rộng trong cả nước liệu có vi hiến hay không, Bộ trưởng Trần Văn Tuấn nói: “Chỉ không tổ chức HĐND ở một số cấp thì vẫn gọi là thí điểm được. Sau đó sẽ cân nhắc, nếu thấy hợp lý thì làm tiếp”. Ông Tuấn cũng cho biết, sẽ nghiên cứu chính quyền đô thị chỉ có 2 cấp: “Một số nước đã làm theo cách này. Cấp quận sẽ nhỏ hơn về quy mô, không còn đơn vị cấp phường, nhưng quận có bộ máy đủ mạnh để vừa quản lý dân, phục vụ dân tốt hơn. Hiện nay phường tuy gần dân nhưng bộ máy ít quá nên cứ bơi trong công việc, không sâu sát dân được”.

Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo mạnh dạn đề xuất bỏ luôn cả HĐND xã. Tại những nơi bỏ HĐND sẽ chuyển UBND thành Ủy ban hành chính. Điều này sẽ giúp tăng cường tính chuyên nghiệp, trách nhiệm người đứng đầu chính quyền.

Vội vàng?

Tuy nhiên, đại diện tỉnh Ninh Bình cho rằng: “Nếu khẳng định các tỉnh thí điểm bỏ HĐND tốt mọi mặt như thế thì không lẽ các tỉnh khác không tốt là tại HĐND cấp huyện, quận, phường?”. Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lạng Sơn Trương Hùng Anh, sẽ thiếu thuyết phục khi nhiều nội dung được đánh giá tích cực đều gắn với việc không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, “xem HĐND như là trở ngại”.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Tính đồng tình và cho biết, ông rất buồn khi mới chuyển từ Phó Chủ tịch UBND sang nhận nhiệm vụ tại HĐND. Buồn không phải vì chức vụ mà vì các văn bản pháp lý của HĐND thiếu, dẫn đến hoạt động khó khăn.

Ông Trương Hồng Anh đặt vấn đề: Tại sao chỉ thí điểm bỏ HĐND quận, huyện, phường mà không làm ngược lại. Đó là bổ sung quy định pháp luật, tăng cường cán bộ, điều kiện…làm cho HĐND cấp này mạnh lên. “Chính quyền vững mạnh phải trên cơ sở xây dựng cả HĐND và UBND vững mạnh chứ không phải bỏ hội đồng. Ở bất cứ cấp nào cũng không thể bỏ cơ quan quyền lực”- Ông Anh nói.

Trả lời báo chí bên lề hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Quang Bình cho rằng, đây là vấn đề lớn liên quan quyền làm chủ của dân. Do vậy, chưa nên vội vàng kết luận ngay trong kỳ họp Quốc hội tới, chỉ nên tiếp tục thí điểm, nghe ý kiến các kênh thật sự độc lập rồi mới quyết định. “Tổng kết khiến tôi cảm nhận, nếu hỏi các cơ quan Chính phủ thì đảm bảo tuyệt đại đa số muốn bỏ, nhưng hỏi ý kiến HĐND một cách độc lập thì HĐND có thể sẽ kiến nghị không bỏ”- Ông Bình nói.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết, có nên tiếp tục tổ chức HĐND huyện hay không từng là vấn đề được đặt ra cách đây 20 năm, từ đại hội VII của Đảng. Khi đó, một số địa phương đã đề xuất việc này. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó, phải đánh giá rất toàn diện, cân nhắc kỹ, không thể “nhảy từ cực này sang cực kia”. “Chưa thể đưa ra kết luận bây giờ, quyết định có thí điểm nữa hay không là việc của Trung ương và Quốc hội” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Theo Bộ Nội vụ, kết quả điều tra ở một số tỉnh, thành phố, đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Điều tra tại TPHCM cho thấy có 70,37% ý kiến đồng ý không nên tổ chức HĐND quận, huyện, phường. Tại Nam Định có 51,6% ý kiến được hỏi đánh giá bỏ HĐND quận, huyện, phường thì tốt hơn, chỉ 1,9% ý kiến đánh giá kém hơn.

MỚI - NÓNG
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
TPO - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.