Ông Đinh Xuân Thảo. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Hai đề xuất
Ông Thảo cho biết: Trong việc chuẩn bị sửa Cương lĩnh 1991 và các báo cáo chính trị trình đại hội XI tới đây đều có nội dung là tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi Hiến pháp 1992. Điều này là tất yếu bởi Hiến pháp 1992 là sự thể chế hóa Cương lĩnh 1991. Mà tới đây Đại hội XI sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung Cương lĩnh 1991 thì Hiến pháp 1992 cũng sẽ được xem xét sửa đổi. Do vậy, ngay bây giờ phải nghiên cứu, tổng kết Hiến pháp 1992. Viện Nghiên cứu Lập pháp đã có hai đề tài nghiên cứu và mới tổ chức hội thảo về chủ đề này.
Trong hội thảo mới đây có hai luồng ý kiến. Một là chỉ nên sửa đổi, bổ sung một số điều, hai là sửa đổi toàn diện. Những ý kiến khác nhau này dựa trên cơ sở nào, thưa ông?
Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc và nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Vũ Đức Khiển, những người trong cuộc soạn thảo Hiến pháp 1992, cho biết, năm 2001 cũng đặt vấn đề sửa nhiều nội dung trong Hiến pháp 1992, nhưng sau khi nghiên cứu thấy chưa chín muồi nên chỉ sửa một số điều. Từ đó đến nay, càng thấy nhiều vấn đề trong Hiến pháp 1992 cần phải sửa.
Tinh thần tại hội thảo mới đây là phải nghiên cứu kỹ, sâu để sửa toàn diện Hiến pháp 1992. Tuy nhiên, khả năng chỉ sửa một điều cũng đặt ra. Điều này liên quan đến việc thí điểm tại 10 tỉnh, thành phố về việc không tổ chức HĐND quận, huyện, phường. Cuối tuần này sẽ có hội nghị đánh giá, tổng kết việc thí điểm. Nếu thấy việc bỏ HĐND cấp quận, huyện, phường là hiệu quả, phù hợp với tiến trình cải cách hành chính, thì sẽ chính thức áp dụng trên phạm vi toàn quốc.
Đến tháng 5-2011 sẽ không tổ chức bầu HĐND cấp quận, huyện, phường nữa. Mà muốn như vậy thì phải sửa Luật Bầu cử đại biểu HĐND, đồng nghĩa phải sửa Hiến pháp 1992. Bởi trong Hiến pháp 1992 đã quy định rõ chính quyền địa phương có 3 cấp hoàn chỉnh. Chậm nhất là tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XII vào tháng 3- 2011 là phải xem xét sửa nội dung này.
Nếu sửa toàn diện Hiến pháp 1992 thì dự kiến sẽ tập trung vào những nội dung gì, thưa ông?
Mặc dù chưa có đánh giá, tổng kết toàn diện, nhưng qua hội thảo một số ý kiến cho rằng, cần tập trung sửa ở 3 lĩnh vực. Thứ nhất là về tổ chức bộ máy. Tại Điều 2, Hiến pháp 1992 đã xác định “Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là nhà nước pháp quyền XHCN… quyền lực nhà nước thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
Nhưng trong phần cụ thể hóa, các chương về tổ chức bộ máy thì phần nói về quyền lực hành pháp của Chính phủ chưa thể hiện rõ. Chính phủ mới thể hiện là cơ quan hành chính. Những quy định về quyền của Chính phủ rất chi tiết, nhưng chi tiết quá thành ra không đủ, dẫn đến bó tay. Lĩnh vực đề xuất sửa thứ hai là làm rõ quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Lần đầu tiên Hiến pháp 1992 đã đặt ra vấn đề quyền con người, nhưng cũng cần cụ thể hóa.
Lĩnh vực sửa thứ ba là về kinh tế, liên quan đến sở hữu. Phải xác định được các chế độ sở hữu, hình thức sở hữu và các loại tài sản. Trước đây một số tài sản chúng ta quy định là sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý. Nhưng sở hữu toàn dân suy cho cùng là không của ai cả.
Do vậy, phải xác định chủ sở hữu trực tiếp. Như đất đai, người dân chỉ được giao quyền sử dụng, nhà nước mới có quyền sở hữu, nhưng khi muốn thu hồi đất thì phải thỏa thuận, đền bù theo giá thị trường, thực chất là mua bán và người dân có quyền sở hữu. Chỗ này phải làm rõ. Mới nghiên cứu sơ sơ nhưng chúng tôi đã nhận thấy nhu cầu sửa đổi Hiến pháp là có.
Tiền của dân phải được giám sát
Còn nội dung thể hiện “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” có được xem xét để làm rõ hơn không, thưa ông?
Vấn đề là phải làm rõ quyền lực nhà nước đang nắm giữ là của người dân. Có nhiều mô hình nhà nước tại các quốc gia khác nhau. Mà người giữ các cương vị lãnh đạo nhà nước, là do người dân bầu trực tiếp hoặc gián tiếp. Đó là nhân dân trao quyền lực cho người đại diện của mình.
Ở nước ta từ Hiến pháp 1946 đã thể hiện nội dung này. Nhưng chúng ta thường thực hiện theo dân chủ đại diện nhiều hơn, dân chủ trực tiếp còn hạn chế. Đặc biệt, cơ chế giám sát quyền lực, cơ quan cấp cao giám sát cấp dưới thì dễ, nhưng người dân giám sát cơ quan nhà nước bằng cách nào? Do vậy, các cơ chế về phản biện xã hội, tham vấn nhân dân cần được đẩy mạnh.
Vậy còn vấn đề dân phúc quyết xây dựng hiến pháp có được đặt ra như những nghiên cứu gần đây?
Ở các nước trước khi sửa hiến pháp là phải xin ý kiến nhân dân. Nhưng khâu xây dựng cụ thể vẫn là việc của Quốc hội. Viện cũng đang nghiên cứu, làm một tiểu chuyên đề về giá trị của Hiến pháp 1946, bởi ngay trong bản hiến pháp đầu tiên này đã quy định về dân phúc quyết.
Ngoài ra còn những điểm tiến bộ gì trong Hiến pháp 1946 mà chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu?
Trong Hiến pháp 1946 không quy định chế định về kinh tế. Điều này khá phù hợp với hiến pháp hiện hành của các nước. Quyền kinh tế của công dân thì đưa vào phần quyền và nghĩa vụ của công dân, quyền quản lý về kinh tế của nhà nước đưa vào phần quản lý nhà nước, chứ họ không để một chương riêng về chế độ kinh tế như ở Hiến pháp 1992. Nhiều chuyên gia cho rằng, điều hành kinh tế là quyền của cơ quan hành pháp và không nên can thiệp sâu vào.
“Trong Cương lĩnh 1991 và Hiến pháp 1992 chỉ có nội dung kinh tế nhà nước là chủ đạo, lần này nếu sửa đổi coi kinh tế tư nhân là động lực cho phát triển thì cũng cần ghi rõ trong Hiến pháp” - ông Đinh Xuân Thảo nói. |
Đặc biệt, trong Hiến pháp 1946 cũng quy định rõ về quyền lực của Nghị viện. Thực ra, Quốc hội quyết quá nhiều chỉ tiêu chưa chắc là tốt, mà chỉ cần nắm những chỉ tiêu lớn cần quyết.
Đặc biệt, vấn đề về ngân sách là Quốc hội phải quyết. Ở nước ngoài, tất cả các nguồn tiền do dân đóng góp thì việc chi tiêu phải được Quốc hội quyết định, bởi Quốc hội là đại diện cho nhân dân.
Mỗi đồng tiền thuế của dân khi sử dụng phải được giải trình, công khai minh bạch bởi đó là của dân chứ không phải của nhà nước. Có ý kiến cho rằng hiện nay Quốc hội quyết ngân sách còn hạn chế do không có bộ máy, nhân lực, trong khi Chính phủ có Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT…Nhưng thực ra không phải, một khi có yêu cầu là phải có bộ máy.
Cám ơn ông.
Hà Nhân (Thực hiện)