Thiếu điện, người dân phải viện tới máy nổ Ảnh: TP
“Dù đã có thêm nhiều nguồn điện từ các nhà sản xuất điện khác như Tập đoàn dầu khí (PVN), Tập đoàn than khoáng sản (TKV) hay Tập đoàn Sông Đà, nhưng EVN không lượng hóa được phụ tải tăng quá cao nên điện vẫn thiếu. Dự báo phụ tải năm nay tăng 18%, nhưng thực chất mức tăng phải trên 30%, cho thấy dự báo rất tù mù, không có cơ sở. Năm ngoái EVN phát toàn bộ hệ thống có 13.000 MW, năm nay gần 20.000 MW, nhưng vẫn không đủ, lượng thiếu lên tới 5.000 - 6.000 MW”, ông Ngãi cho biết.
* Ông có nghĩ là bất cập khi EVN không đủ khả năng lo hết nguồn điện nhưng vẫn được độc quyền khâu phân phối, mua bán?
- Hiện nay TKV, PVN, Sông Đà đều bán điện qua EVN, việc EVN nắm toàn bộ hệ thống truyền tải, phân phối là do lịch sử để lại. Bộ Công thương trong đề án tái cơ cấu ngành điện có đề xuất tách nguồn điện, vận hành hệ thống, mua bán điện ra khỏi EVN. Tôi cho rằng trong vài năm trước mắt chưa nên tách, nhưng nên cơ cấu lại phân khúc nào bộc lộ bất cập, để hạn chế dần tình trạng độc quyền của EVN. Chính phủ và các bộ ngành có trách nhiệm phải nghiên cứu về vấn đề này, khâu nào bất hợp lý thì chuyển đổi.
Những hộ sản xuất nhiều điện cũng đừng để phụ thuộc vào một đối tượng khác, mà nên tự sản tự tiêu. Cũng nên áp dụng mô hình như PVN đang làm một nhà máy điện ở Luang Prabang (Lào) công suất 1.500 MW, tập đoàn này xây đường dây 500 kV từ Lào về VN, đấu vào đường dây 500 kV của VN, và bán điện qua đường dây này chứ không bán qua đường dây 110 kV hay 220 kV nữa.
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Ảnh: Mai Hà
* Nhưng nếu không tách dần từng khâu, sẽ khó lòng giải tỏa được vị thế độc quyền hiện nay của EVN, thưa ông?
- Khâu mua bán điện hiện khó tách rời khỏi EVN vì gần 70% nguồn do tập đoàn này đang quản lý, 30% từ nguồn bên ngoài. Nhưng cùng với sự tham gia ngày càng nhiều hơn của các hộ sản xuất điện khác, cần cải tổ khâu này để khuyến khích các nhà đầu tư. Nếu tách mua bán điện khỏi EVN thì nên có một cơ quan độc lập (có sự tham gia của Bộ Tài chính, Bộ Công thương...) xem xét khách quan giá bán buôn, bán lẻ và chỉ đạo về giá. Hiện chúng ta chưa có, cơ quan quản lý cao hơn có mỗi vụ Năng lượng. Nếu Chính phủ quyết tâm mạnh dạn làm thì cũng có thể cơ cấu lại, dù trong 5 năm trước mắt rất khó thực hiện. Về lý thuyết, tách truyền tải, phân phối đều được nhưng điện là một sản phẩm không đổ kho được, vừa sản xuất vừa bán luôn nên đòi hỏi một hệ thống hết sức hoàn chỉnh
Dự báo phụ tải năm nay tăng 18%, nhưng thực chất mức tăng phải trên 30%, cho thấy dự báo rất tù mù, không có cơ sở. | |
Nên trợ giá để phát triển điện gió, điện mặt trời
* Như vậy việc tái cơ cấu sẽ phải gác lại thêm rất nhiều năm nữa?
- Vấn đề hiện nay không phải tách khâu nọ, khâu kia. Trước mắt nên dồn tiền cho 13 dự án nhiệt điện chạy than, nếu không lo cho các dự án này thì năm sau và nhiều năm nữa chúng ta vẫn thiếu điện dài dài, thậm chí còn gay gắt hơn bây giờ. Hiện các dự án đều đang bị tắc ở khâu quy hoạch tổng thể mặt bằng, chưa nơi nào xong. Ngoài ra vốn chưa huy động được, chưa giải phóng mặt bằng. Cộng thêm năng lực thiết kế, thi công trong nước còn rất hạn chế, như Lilama làm tổng thầu EPC (tư vấn, thiết kế - cung cấp thiết bị - xây lắp, vận hành - PV), nhưng thực chất đều đi thuê nước ngoài từ nồi hơi, máy phát, lò...
Theo kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, thị trường điện VN sẽ được hình thành và phát triển theo ba cấp độ. Cấp độ 1: thị trường phát điện cạnh tranh (giai đoạn 2005 - 2014); cấp độ 2: thị trường bán buôn điện cạnh tranh (giai đoạn 2015 - 2022); cấp độ 3: thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (giai đoạn sau 2022). |
13 dự án này nằm trong Tổng sơ đồ 6, nếu nằm trong Tổng sơ đồ 3 hay 4 thì đã đi vào vận hành rồi và thiếu điện không xảy ra. Ngoài việc tập trung phát triển nguồn cần phát triển lưới điện cho đồng bộ.
Đặc biệt, nên mạnh dạn trợ giá để đầu tư điện gió, năng lượng mặt trời. Mình vẫn đang cò kè giá nên chẳng ai chịu làm, Chính phủ chỉ cần trợ giá 1 - 2 cent/kWh, vì khoảng 8 - 9 cent/kWh là nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ nhảy vào. Mùa này gió nhiều, nước thì thiếu, chúng ta để lãng phí như vậy trong khi điện vẫn thiếu nghiêm trọng.
* Nhiều hộ bán điện than phiền rằng, EVN “bắt chẹt” giá mua. Giá vẫn là mấu chốt lớn nhất để hình thành thị trường điện cạnh tranh, nhưng lại chưa có giải pháp giá nào cho hợp lý?
- Giá đầu ra Nhà nước quy định, nếu EVN mua thấp hơn sẽ lỗ. Phải nói rõ giá mua chẳng hạn từ PVN 5,5 cent/kWh, EVN được bán ra 6 cent để còn duy trì lợi nhuận, chi phí vận hành. Nhưng chỉ một mức giá bán duy nhất là 5,3 cent, không có lãi sẽ không ai chịu làm.
Một điều nữa cần tính đến, là bên cạnh các hộ nghèo, chính sách, đối tượng thu nhập cao ngày càng tăng lên nhiều. Chính phủ cho mức giá hợp lý với 50 kWh đầu tiên, nhưng không nên cào bằng mức giá này với mọi thành phần. Người thu nhập cao hiện rất nhiều, có đủ khả năng trả 7 - 8 cent/kWh điện, chia mức giá như vậy mới đủ tiền tái cơ cấu. Mấu chốt giá là điều cần thay đổi.
Theo Mai Hà
Thanh Niên