Một nhà máy thủy điện nhỏ ở Tây Nguyên . Ảnh: T.L |
Mấy tuần qua, cũng đúng vào mùa World Cup, hàng ngàn ngư dân kêu trời vì ông điện cúp nên không sục khí được, khiến tôm chết và cơ nghiệp có thể đi toi; các doanh nghiệp thiệt hại rất lớn.
Tại Hà Nội, người ta nói cắt điện để sửa chữa chứ không phải do thiếu. Cũng có người nói Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không chịu mua điện của các nhà máy khác không thuộc quyền quản lý của mình vì giá cao hơn của EVN, rồi bao nhiêu dự án điện chậm tiến độ nên không đủ điện.
Có quá nhiều lý do và lý do nào cũng có vẻ hợp lý. Nhưng lý do căn bản là do bản thân cách tổ chức ngành điện. Không cải tổ nó, tình hình không giải quyết được tận gốc rễ.
Từ độc quyền tự nhiên...
Hệ thống điện là hạ tầng cơ sở thiết yếu của đất nước. Hệ thống này có thể tạm phân ra làm 5 bộ phận:
(1) Các nhà sản xuất là các nhà máy điện; (2) bộ phận truyền tải điện quốc gia (là bộ phận mạng cao áp hoạt động tương tự như mạng giao thông quốc gia); (3) các bộ phận bán lẻ điện (cho một cộng đồng, như một thành phố hay một tỉnh nhưng không nhất thiết được tổ chức theo lãnh thổ hành chính); (4) các bộ phận mua bán điện trung gian (có thể là các tổ chức thuộc bộ phận (3), mua buôn-bán lẻ, hay tổ chức khác, hay thậm chí bộ phận (2) cũng có thể làm việc này); và (5) bộ phận các hộ tiêu dùng (các gia đình, các doanh nghiệp và cơ quan, các hộ tiêu dùng lớn như nhà máy thép có thể mua với giá bán buôn).
Các nhà máy điện (1) sản xuất ra hàng hóa bán cho các bộ phận loại (3) hay (4), rồi các bộ phận đó bán lại cho bộ phận (5) là các hộ tiêu dùng. Nhưng điện phải được chuyển qua bộ phận truyền tải điện quốc gia (2), hay nói một cách hình ảnh là hệ thống giao thông quốc gia, rồi mới qua hệ thống đường nội đô hay địa phương của bộ phận (3) là các tổ chức bán lẻ để đến tay người tiêu dùng, bộ phận (5).
Tại một địa phương (thí dụ một xã, một quận), không thể xây dựng vài ba hệ thống đường dẫn điện và biến áp để người tiêu dùng có thể chọn lựa, vì như thế quá tốn kém. Như thế, các hệ thống bán lẻ (3) có sự độc quyền tự nhiên, khó dẹp bỏ. Các tổ chức này nên được phân tán và gắn với cộng đồng và do cộng đồng giám sát. Chúng là các công ty có độc quyền tự nhiên và nên được đối xử như vậy (thí dụ bằng một đạo luật riêng).
Hệ thống truyền tải quốc gia (2), giống như hệ thống đường cao tốc, vì lý do tương tự, cũng có tính độc quyền tự nhiên và các công ty vận hành hệ thống này phải được coi như các Cty công ích (thu đủ phí để bảo dưỡng và phát triển hệ thống).
Các nhà máy điện sản xuất ra điện và bán buôn cho các tổ chức thuộc nhóm (3), (4) hay trực tiếp cho hộ tiêu dùng lớn thuộc nhóm (5). Nếu có vài ba người mua thuộc loại (4) thì các nhà máy điện có thể hoạt động theo cơ chế thị trường cạnh tranh. Còn nếu chỉ có một người mua thì cơ chế thị trường không hoạt động.
Cả bên bán lẫn bên mua đều phải trả phí vận tải cho hệ thống (2) theo tỷ lệ nào đó (và cũng phụ thuộc vào khoảng cách giữa bên bán và bên mua).
... đến đòi hỏi chẻ nhỏ EVN
Nếu nhìn nhận một cách đơn giản như vậy, có thể có vài gợi ý về cải tổ hệ thống như sau:
Bao cấp giá điện chính là khuyến khích ngược, làm lợi cho những người tiêu xài điện hoang phí. Giá thấp cũng không khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng nhà máy mới, trang bị công nghệ mới, và tham gia vào hệ thống. |
Các Cty sản xuất (1) hoàn toàn độc lập với tất cả các phần còn lại, hoạt động chủ yếu trên cơ chế thị trường cạnh tranh.
Hệ thống truyền tải quốc gia (2) hoạt động độc lập (có thể có vài Cty công ích hoạt động theo địa bàn địa lý). Nó chăm lo cho hệ thống truyền tải, duy trì, nâng cấp, phát triển hệ thống này. Nó được nhà nước đầu tư và hoạt động trên cơ sở thu phí và, nếu hạ thấp được tổn thất thì, lợi nhuận của nó sẽ tăng lên.
Các hệ thống bán lẻ (3) hay trung gian (4) cũng hoạt động độc lập với các tổ chức (1) và (2) cũng như độc lập với nhau (tất nhiên chúng có quan hệ kinh doanh, mua bán hay cung ứng dịch vụ với nhau) và không nhất thiết gắn với các đơn vị hành chính.
Làm được như vậy, thì giá điện về cơ bản là giá thị trường và công việc can thiệp của nhà nước sẽ dễ hơn.
Đáng tiếc, hiện nay một mình EVN chiếm phần lớn lĩnh vực (1), toàn bộ lĩnh vực (2), (3) và (4). Thế độc quyền này là nguyên nhân chính của các vấn đề, như hoạt động kém hiệu quả, tổn thất lớn và thiếu điện, dẫn đến phải cắt như cơm bữa như vừa xảy ra.
Giải pháp là phải chẻ nhỏ EVN ra, chứ không phải đẩy nó lên thành tập đoàn bao trùm tất cả. Chính vì sự độc quyền ấy mà EVN làm cao với các ông sản xuất điện khác dù là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam hay Tập đoàn Than&Khoáng sản Việt Nam hoặc Tổng Cty Lắp máy Việt Nam.
Đồng thời với việc tách EVN cũng cần để giá điện sát giá thị trường, do thị trường điều tiết là chính (giữa các tổ chức (1), (3)-(4) và (5)). Giá điện thấp khiến các hộ tiêu dùng ít có khuyến khích để tiết kiệm điện, không chịu khó đổi mới công nghệ và sử dụng điện không hiệu quả và, như thế, càng dẫn đến thiếu điện. Bao cấp giá điện chính là khuyến khích ngược, làm lợi cho những người tiêu xài điện hoang phí.
Cải tổ hệ thống điện tuy là việc phức tạp nhưng là cách chữa bệnh tận gốc và, vì thế, là việc không thể trì hoãn.