Tạo khuôn khổ cho nhóm lợi ích

Tạo khuôn khổ cho nhóm lợi ích
Việc thúc đẩy một số dự án lớn vừa qua cho thấy những nguy cơ tác động của các nhóm lợi ích. TS Hoàng Ngọc Giao - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển - phân tích sâu về vấn đề này.

 >> Chúng tôi không bị nhóm lợi ích chi phối

 
Tạo khuôn khổ cho nhóm lợi ích ảnh 1

Ông Hoàng Ngọc Giao Ảnh: V.Dũng

Ông cho rằng một chủ trương, chính sách bị tác động có lợi cho một nhóm nào đó tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng của cả một khu vực, thậm chí ảnh hưởng đến cả vấn đề lớn của quốc gia. Ông Giao nói:

- Trong mọi xã hội, các nhóm lợi ích tồn tại rất tự nhiên. Nó hình thành trên cơ sở đồng lợi ích, đồng mối quan tâm. Các nhóm lợi ích luôn tìm cách tác động lên quá trình hoạch định và ban hành chính sách để có lợi cho họ.

Những người dân có chung lợi ích

* Ông đánh giá thế nào về các nhóm lợi ích ở VN?

- Các nhóm lợi ích dễ thấy nhất là các hiệp hội nghề nghiệp, các tập đoàn, doanh nghiệp. Các nhóm này thường tác động vào những chính sách, quyết sách cụ thể như xây dựng thủy điện, việc di dời trung tâm hành chính...

Cách đây vài năm, dư luận phản đối việc một doanh nghiệp được làm dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng ở đồi Vọng Cảnh (Thừa Thiên - Huế). HĐND tỉnh họp cũng phản đối nhưng đến lúc bỏ phiếu thì 95% đồng ý với dự án, đấy chính là biểu hiện có sự tác động của nhóm lợi ích.

Ông Martin Rama, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại VN, nói khi các tập đoàn nhà nước lớn tới mức đủ sức để tác động tới chính sách thì không loại trừ khả năng những chính sách đưa ra không phải vì lợi ích của nhân dân mà là vì lợi ích của các tập đoàn.

* Các nước xây dựng khuôn khổ pháp lý thế nào?

- Những nước phát triển đều có các thể chế đó. Đã đến lúc VN cũng phải có các thể chế này. Sự cần thiết không phải chỉ vì người dân mà vì chính nhà nước. Nếu có được những khuôn khổ này, nhà nước sẽ mạnh hơn. Vì sao vậy? Vì nhà nước sẽ ra được những quyết sách đúng đắn, thông minh, phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân bởi khi đó nhà nước có đầy đủ thông tin của toàn xã hội đưa đến. Nếu nhà nước chỉ ngồi nghe một chiều, chỉ nghe thông tin của một vài nhóm lợi ích mạnh thì không ra được quyết sách có lợi chung và nó sẽ ảnh hưởng đến các nhóm lợi ích khác, khi đó sẽ tạo tiềm ẩn bất đồng xã hội. Về hình thức, nhà nước đã quyết định thì người dân phải nghe nhưng trong lòng không sướng, có thể khẩu phục nhưng tâm không phục.

Không chỉ quá trình ban hành các chủ trương, chính sách mà trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cũng có thể có sự tác động của các nhóm lợi ích. Nhưng vì quy trình xây dựng không minh bạch, không có kênh tiếp cận thông tin nên không có tiếng nói của người dân trong quá trình ban hành văn bản pháp luật.

Ngoài ra, nhóm lợi ích có thể là những người dân có chung lợi ích khi phát sinh vấn đề từ quyết sách của chính quyền. Chẳng hạn, khi TP Hà Nội cho phép xây dựng khách sạn trong công viên Thống Nhất, người dân thấy đấy là công viên, là cây xanh... và họ cùng quan điểm phải bảo vệ nó, không để bị xâm phạm, thế là hình thành nhóm lợi ích. Các nhóm liên kết với nhau một cách rất phong phú, có thể phản ánh với báo chí, bàn tán ở quán nước...

Dự án này cuối cùng không thực hiện được vì chính quyền TP đã lắng nghe, đã thay đổi quyết định. Đấy là tác động tích cực của nhóm lợi ích.

* Như vậy, sự tồn tại của các nhóm lợi ích khác nhau trong xã hội là điều rất bình thường?

- Đúng vậy. Nhưng quan trọng là các nhóm lợi ích yếu hay mạnh đều có cơ hội như nhau để đưa tiếng nói của mình đến quá trình ra chính sách. Nếu không có cơ hội bày tỏ tiếng nói, bảo vệ lợi ích, những nhóm lợi ích yếu thế sẽ bị ảnh hưởng xấu bởi một chính sách.

Để có cơ hội đó thì phải có khuôn khổ pháp lý, phải có quy trình ra chính sách một cách minh bạch và quy trình này phải bị “soi”, không chỉ báo chí “soi” mà cả các tổ chức xã hội, Quốc hội, HĐND cùng giám sát.

Tạo điều kiện cho tất cả các nhóm lợi ích

* Làm thế nào để có sự minh bạch trong hoạch định chính sách cũng như tạo cơ hội cho các nhóm lợi ích đưa được tiếng nói đến quá trình hoạch định chính sách?

- Các nước có luật, có hành lang pháp lý để sự tác động vào chính sách được minh bạch, không bị lạm dụng. Sự tác động đó lành mạnh nhất, mang tính cạnh tranh nhất để chính phủ và các cơ quan ra chính sách có được thông tin nhiều chiều từ các nhóm lợi ích khác nhau.

Nếu không có hành lang pháp lý để điều chỉnh các tác động vào quá trình ra chính sách thì sự tác động vẫn diễn ra mà không ai kiểm soát được, cộng với việc không có sự soi xét của thông tin đại chúng, sự giám sát của nhân dân thì cơ hội cho một vài nhóm lợi ích có sức mạnh lũng đoạn chính sách rất lớn.

Vấn đề là phải có khuôn khổ pháp luật rõ ràng để tạo điều kiện cho tất cả các nhóm lợi ích có cơ hội tiếp cận với quá trình ra chính sách, tác động vào quá trình đó theo luật.

Nhờ có tác động minh bạch trong khuôn khổ pháp lý rõ ràng, chính phủ, cơ quan hoạch định chính sách sẽ đưa ra được những chính sách thông minh nhất, có lợi chung cho cả dân tộc, mang tính đồng thuận xã hội, thúc đẩy sự phát triển.

* Cụ thể, khuôn khổ pháp lý đó là gì?

- Chúng ta cần có luật về tiếp cận thông tin, luật về vận động hành lang và luật về trưng cầu ý dân.

Luật tiếp cận thông tin cho phép quy trình ban hành chính sách được minh bạch, xã hội được biết, truyền thông được biết.

Luật về vận động hành lang tạo nên hành lang pháp lý để mọi chủ thể cùng tiếp cận và vận động được lợi ích chính đáng cho nhóm của mình và làm rõ ranh giới giữa vận động hành lang với tham nhũng.

Còn luật về trưng cầu ý dân là một công cụ để nhân dân có ý kiến đối với những vấn đề lớn, nếu chỉ Quốc hội có ý kiến là chưa đủ bởi chưa chắc Quốc hội đã phản ánh đầy đủ tiếng nói thật sự của toàn dân.

Hiện nay, do VN chưa có những luật này nên sự tác động của các nhóm lợi ích đến việc hoạch định chính sách dựa trên sự thân quen. Chỉ những nhóm nào mạnh về quyền mới có thể tác động đến chính sách, còn những nhóm yếu thế trong xã hội thì không tiếp cận được.

Theo Khiết Hưng
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Meghan Markle khó chịu với Victoria Beckham
Meghan Markle khó chịu với Victoria Beckham
TPO - Theo nguồn tin, Meghan Markle và Victoria Beckham không nói chuyện với nhau, cũng không có kế hoạch hàn gắn mối quan hệ. Nữ công tước còn được cho là tức giận vì Netflix hợp tác với cựu thành viên Spice Girls.