Ông Nguyễn Ngọc Hoàn cùng cháu ngoại trong cái nóng nực mất điện . Ảnh: P.N |
Ông bảo: Mất điện liên tục, mỗi ngày trên 10 tiếng, từ 8 -9 giờ sáng tới 21- 22 giờ đêm. Mất điện, tôi cảm giác như trở về sinh hoạt của thời chiến. Thời chiến thì còn tự mình chủ động được ánh sáng, bây giờ thì hoàn toàn bị động. Nồi cơm điện, quạt điện, TV trở thành thứ bỏ đi khi không có điện.
Điện cứ cắc bụp, cắc bụp xoè như trêu ngươi. Có khi nửa đêm có điện, dân làng vội vã dậy chạy máy bơm, tuốt lúa, thậm chí nấu cơm, nhộn nhịp không khí sản xuất, nhưng có khi được 10 phút thì điện lại tắt ngúm, lại về với bóng đêm . Sinh hoạt của dân làng tôi bị đảo lộn hoàn toàn vì mất điện.
Xót xa nhất là các cháu học sinh đang sắp thi tốt nghiệp, thi đại học nhưng lại phải học bài trong ánh đèn dầu và nóng nực khủng khiếp. Dân làng ăn cũng ngóng điện, ngủ ngóng điện, học ngóng điện, ngày xưa thì trông trời trông đất, trông mây, bây giờ thì trông điện. Điện cao thế. Càng ngóng càng mất.
Ngành điện giải thích vì sao họ cắt điện?
Giải thích ư? Điều đó cũng hiếm như... Điện. Họ có giải thích gì đâu. Mà giải thích thì cũng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, lại điệp khúc: do hạn hán, nguồn nước thủy điện cạn kiệt...Tôi thấy chúng ta có có cái bệnh hay đổ lỗi cho thời tiết, cho biến đổi khí hậu, cho cơ chế…
Nói gì thì nói, công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà không có điện thì khác gì “tay không bắt giặc”. Đáng lẽ điện phải đi trước một bước, đằng này, ngành điện lại đang tụt hậu. Vì sao lại cứ để tình trạng phải “ăn đong” điện như hiện nay? Thiếu tiền hay thiếu tầm nhìn?
Ai có ở trong nỗi khổ mất điện mới thấu hiểu được cho tình cảnh của chúng tôi. Nhưng dân không sợ thiếu điện, chỉ sợ không công bằng...
Tôi thấy xóm làng ở đây, đều mất điện cả, thế cũng công bằng đấy chứ?
Nhưng nhà máy thép, các cơ sở sản xuất khác vẫn chạy suốt ngày đêm ở xóm bên đấy. Nhà máy thép thì cũng chỉ là một hộ tiêu thụ điện, mà tiêu thụ điện khổng lồ, tại sao lại có điện trong khi dân làng ở trong bóng tối.
Nhà máy thép sản xuất ra một đơn vị vật chất, nhưng có biết bao nhiêu cháu học sinh đang học, đang ôn thi tốt nghiệp, đại học đang sáng tạo ra những giá trị tinh thần và cả tương lai thì không đáng có điện sao? Dân cũng sản xuất chứ, hàng xóm tôi có anh làm bún, cứ chuẩn bị xay bột là mất điện, phải đổ mấy tạ gạo, thiệt hại này ai chịu?
Ngành điện không sòng phẳng với dân, cả xã này không ai thiếu một xu tiền điện, cứ đúng 2 ngày 28 – 30 hàng tháng là đóng đủ. Vậy mà ngành điện cắt điện không thèm nói trước với dân một câu. Thời bao cấp có cái anh lương thực thực phẩm là ghê, bây giờ anh bán điện mới thật là thượng đế.
Tôi nghe kể chuyện vui, hôm ấy ngành điện họp vào đúng hôm trời nắng, có bà bán kem đi qua, anh lễ tân chạy ra mua kem để vào các sếp đang nghỉ giải lao ăn cho mát. Bà bán kem bảo: Tôi bán cho các anh 200 que kem với giá bằng 300 que, nhưng tôi đếm, không phải các anh đếm. Càng mua nhiều thì tôi càng bán đắt, các anh mua nhiều là bị tôi ghét đấy”.
Anh lễ tân giãy nảy: “Sao vô lý thế?” Bà bán kem thản nhiên: “Thì các anh cũng đang bán điện theo cách đó”.
Bác cũng phải thông cảm cho ngành điện, họ đang thiếu điện nên phải có cách bán phù hợp...
Tôi rất thông cảm. Mà dân chúng tôi không thông cảm cũng không được cơ. Họ đang độc quyền thì họ nói sao nghe vậy thôi. Bức xúc, cuối cùng cũng là để nói cho nhau nghe vậy, họ có mấy khi nghe dân chúng tôi kêu, dân chúng tôi nói.
Nếu cứ mất điện mãi thì sao bác nhỉ?
Tôi cũng chưa hình dung ra sẽ làm sao nữa. Nhưng thằng cháu tôi có bài hát “Cầu vồng khuyết” gì đó hay đáo để
“Đã khuya rồi vẫn ngồi ngắm sao
Mong ông “Điện” đóng đôi cầu dao
Ánh trăng kia cũng dần tắt
Chỉ còn xóm làng mờ tít
Và người dân đơn côi” ...
Phùng Nguyên thực hiện