Đáng lo ở khâu xét nghiệm

Đáng lo ở khâu xét nghiệm
TP - Chuyên gia y tế cho hay thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong lây truyền dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả và liên cầu khuẩn, nhưng khâu xét nghiệm thực phẩm hiện nay đang có nhiều thực tế đáng lo ngại.

Thời gian qua cùng lúc tại nhiều địa phương trên cả nước xuất hiện các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Theo nhận định của PGS.TS Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, nhiều khả năng dịch tiêu chảy cấp do vi khuẩn tả còn có thể tiếp tục xảy ra ở một số địa phương trong mùa hè này.

Nguyên nhân là dịch vẫn tản mát tại một số địa phương, trong khi đó một số nước trong khu vực vẫn tiếp tục ghi nhận bệnh nhân tả. Sự gia tăng giao lưu giữa các quốc gia, khu vực làm tăng nguy cơ dịch xâm nhập và bùng phát tại các địa phương trên cả nước.

Thống kê của ngành y tế cho thấy khoảng 75% người nhiễm phẩy khuẩn tả không có triệu chứng lâm sàng nhưng vẫn đào thải mầm bệnh ra môi trường. Đáng lo ngại, mùa mưa tới, sốt xuất huyết sẽ diễn biến phức tạp và có xu hướng bùng phát thành dịch nếu không có các biện pháp phòng chống kịp thời.

Mầm bệnh từ thực phẩm không an toàn

TS Nguyễn Trần Hiển cho biết, thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong lây truyền dịch bệnh, đặc biệt là bệnh tả và liên cầu lợn. Mầm bệnh tả lây nhiễm trực tiếp qua nước hoặc qua thực phẩm bị ô nhiễm trong hoặc sau khi chế biến. Các loại rau quả được thu hoạch và rửa ở những nơi có nước bị ô nhiễm và ăn sống hoặc nấu chưa kỹ là nguyên nhân lây lan bệnh tả.

 Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn thừa nhận nhiều vụ việc phát hiện thực phẩm mất an toàn là nhờ báo chí, ngành y tế luôn vào cuộc chậm. Theo lãnh đạo Bộ Y tế có một thực tế là tỷ lệ hậu kiểm đối với hàng nghìn mặt hàng thực phẩm có nguy cơ cao là rất thấp.

Tuy nhiên không phải địa phương nào cũng có thể thực hiện các xét nghiệm để xác định thực phẩm có nhiễm khuẩn hay không. GS-TS Nguyễn Công Khẩn - Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (ATVSTP), Bộ Y tế cho hay, năm 2009, Cục khảo sát đánh giá năng lực xét nghiệm chỉ tiêu về an toàn thực phẩm tại các tỉnh.

Kết quả về chỉ tiêu vi sinh, hầu hết các tỉnh đã thực hiện được xét nghiệm Coliform, E. Coli, Salmonella, S. aureus nhưng đối với B. cereus còn có 20 tỉnh, thành phố chưa thực hiện được xét nghiệm này; chiếm tỷ lệ 31,75%.

Đối với chỉ tiêu ô nhiễm hóa học, mới chỉ có Quảng Bình có khả năng thực hiện được xét nghiệm dư lượng kháng sinh, chiếm tỷ lệ 1,59%. Thái Bình, Hà Nam và Quảng Trị có khả năng thực hiện được xét nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm pyrethroide, chiếm tỷ lệ 4,76%.

Chỉ có 8 tỉnh trên cả nước có thể thực hiện xét nghiệm độc tố vi nấm, chiếm tỷ lệ 12,70%. Đối với chỉ tiêu xét nghiệm kim loại nặng, có 20 tỉnh, thành phố đã có khả năng thực hiện được, chiếm tỷ lệ 31,75%. Về kiểm nghiệm phụ gia thực phẩm chỉ mới tập trung vào hai nhóm chính là phẩm màu và chất ngọt tổng hợp; các nhóm phụ gia còn lại như chất bảo quản, chất chống oxy hóa ... hầu như chưa có khả năng thực hiện được.

MỚI - NÓNG