Ngư dân miền Trung vẫn quyết bám biển. Ảnh: Nam Cường. |
“04 đi hướng nào ? Áp sát Đà Nẵng bật ra...” - chưa bao giờ ngư dân lại cập nhật thông tin trên sóng điện nhiều như thời điểm này. Và trong bối cảnh Trung Quốc đơn phương cấm biển một cách vô lý, đến thời điểm hiện nay, phần lớn ngư dân tỉnh Quảng Ngãi vẫn đi về Hoàng Sa.
Theo thống kê của Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, đến thời điểm hiện nay, có 50 tàu thuyền và gần 500 ngư dân đang đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa, 113 tàu thuyền, 2.204 ngư dân đang đánh bắt tại vùng biển Trường Sa.
Một trong những địa bàn có số lượng ngư dân đi Hoàng Sa đông nhất hiện nay, là xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) với tổng số 24 thuyền, 235 ngư dân. Tại địa bàn này có 2 đài thông tin cộng đồng ở thôn Châu Thuận và Định Tân. Thông tin từ Hoàng Sa luôn dồn dập được chuyển về đất liền.
Theo các ngư dân, muốn bảo vệ nhau thì phải vừa làm vừa canh chừng. Chính vì vậy, tất cả các tàu thuyền đang hành nghề trên vùng biển Hoàng Sa đang liên kết thông tin hết sức chặt chẽ. Khi trên biển xuất hiện một chấm đen, máy Icom trên các thuyền đã thông báo để tất cả các tàu tập trung sự chú ý, phòng tránh.
Toàn tỉnh Quảng Ngãi có 13 đài canh cộng đồng tại các địa phương ven biển cộng với đài canh của Bộ đội Biên phòng. Các đài canh này đang thực hiện chế độ trực chiến liên tục để theo dõi tình hình ngư dân làm ăn trên biển. Hiện nay, ngư dân các huyện Bình Sơn, Lý Sơn thường kẹp 3 – 4 chiếc để vừa làm ăn, vừa hỗ trợ, nắm tình hình của nhau, khi xảy ra việc bắt bớ của Trung Quốc.
Thuyền trưởng Mai Phụng Lưu (Lý Sơn, Quảng Ngãi) từng 3 lần bị TQ bắt giữ tại Hoàng Sa: “Họ cấm biển nhưng làm sao cấm được quyết tâm của ngư dân”. Ảnh: Nam Cường. |
Ngư trường hẹp, sản lượng giảm
Mới sáng sớm âu thuyền Thọ Quang (Sơn Trà - Đà Nẵng) đã tấp nập từng chiếc tàu cập bờ xả cá. Nghỉ ngơi vài ngày, họ lại chuẩn bị nạp nhiên liệu để ra khơi. “Chúng tôi vẫn quyết bám biển ra khơi” – ông Trần Bay (trú huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi), thuyền trưởng tàu QNg 48759 TS bộc bạch.
Gần 50 tuổi, ông Bay có đến 30 năm theo nghề biển xa bờ, chủ yếu gắn bó với ngư trường Hoàng Sa. Không ít lần gặp bão táp phong ba, đời ngư phủ đầy cơ cực nhưng ông Bay cho hay, khó khăn do thời tiết, bão tố ông đều vượt qua nhưng lệnh cấm đánh bắt trên nhiều khu vực thuộc lãnh hải, chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc là điều vô lý không thể chấp nhận và thêm khó cho hàng nghìn ngư dân miền Trung.
“Từ ngày lệnh cấm của Trung Quốc có hiệu lực, chúng tôi phải dạt ra xa quần đảo Hoàng Sa đến 200 - 300 hải lý mới dám đánh bắt. Họ cấm ở tọa độ 12 độ vĩ bắc tới 113 độ kinh đông kéo dài gần đảo Hải Nam đến tận Nha Trang chẳng khác nào “bịt” đường ra biển của ngư dân chúng tôi. Trong khi đó, mùa này cá thường tìm về khu vực có các rạn san hô như ở đảo Hải Nam, Hoàng Sa nếu không được đánh bắt ở đây thì sản lượng sẽ giảm đáng kể” - ông Bay nói.
Không thể tiếp cận với các khu vực biển truyền thống quanh quần đảo Hoàng Sa, tàu ông Bay trở về trong tình trạng lỗ nặng. Chi phí cho hơn 2 tuần lễ ra khơi lên đến 60 triệu đồng, nhưng ông thu về được vài tấn cá, giá bán lại giảm mạnh nên hầu như không lời lãi gì. Cùng cảnh ngộ, anh Ngụy Bon (Đức Phổ, Quảng Ngãi) - thuyền trưởng tàu QNg 98948 TS nhìn số cá ít ỏi mà buồn.
“Trước đây chúng tôi vô tư đánh bắt quanh khu vực cách quần đảo Hoàng Sa 10 - 20 hải lý mà chẳng hề hấn gì nhưng từ 5 năm đổ lại đây, ngư trường càng ngày càng thu hẹp. Ngư dân chúng tôi vẫn truyền tai nhau ra Hoàng Sa bây giờ bất cứ chỗ nào cũng gặp hải quân Trung Quốc, nên khai thác mỗi ngày khó khăn” - anh Bon cho biết. Chỉ tính riêng trong đợt ra khơi 16 ngày vừa qua, tàu anh Bon đầu tư hơn 60 triệu tiền chi phí nhưng sản lượng cá thu về chỉ bán được trên dưới 20 triệu đồng. Số tiền còn lại, anh em phải tự bỏ tiền túi để trang trải
Ước tính tại Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng), lượng tàu thuyền xuất bến và sản lượng khai thác của ngư dân trong những ngày qua đã giảm đáng kể. Trung bình mỗi ngày khoảng chục tàu cá ra khơi, sản lượng đạt trên dưới trăm tấn. Một phần do thời điểm này chưa vào mùa đánh bắt chính, phần khác do lệnh cấm đánh bắt của Trung Quốc trên biển Đông khiến nhiều tàu Việt Nam bị ảnh hưởng.
Chỉ tính riêng trên địa bàn TP Đà Nẵng, một số chủ phương tiện đành ngậm ngùi xả bán tàu thuyền để “giải nghệ”. Anh Nguyễn Văn Lý, chủ cơ sở đóng sửa tàu biển (phường Nại Hiên Đông, Sơn Trà – Đà Nẵng) cho biết: Hiện có cơ sở đã nhận 5 chiếc tàu của ngư dân xả bán phế liệu. Mấy ngày nay, nhiều hộ khác cũng đến rao bán nhưng tôi không nhận vì cơ sở nhỏ không có chỗ để. Giá tàu rẻ mạt vậy mà ngư dân vẫn muốn bán vì gặp nhiều áp lực trong những chuyến ra khơi.
Ngư dân Quảng Ngãi chuẩn bị ra Hoàng Sa. Ảnh: V.C . |
Không ngăn được quyết tâm của ngư dân
Đang hối hả cho tàu vào cảng Sa Kỳ để sơn sửa tàu nhằm chuẩn bị cho một chuyến ra khơi mới sau chuỗi ngày dài bị Trung Quốc bắt giam ở đảo Phú Lâm, anh Mai Phụng Lưu - chủ tàu QNg 66478 (Lý Sơn, Quảng Ngãi) vẫn chưa hết ấm ức khi biết tin Trung Quốc cấm biển. Theo tính toán của anh Lưu, độ chừng 2 tuần nữa anh sẽ lại ra khơi.
“Đời ngư dân chúng tôi quen với lệnh cấm này rồi. Họ cấm biển một cách vô lý nhưng làm sao họ cấm được lòng quyết tâm của bà con ngư dân.Ở Lý Sơn, ngư dân không ra Hoàng Sa thì lấy gì ăn khi mà biển gần bờ chỉ cho những mẻ cá nhỏ. Điều quan trọng hơn, đó là biển Việt Nam, nếu bây giờ mình không giữ, mình run sợ trước lệnh cấm thì sau này e là con cháu chẳng còn biển mà làm ăn” - anh Lưu nói.
Trong những lần bị Trung Quốc cấm biển, anh Lưu bị bắt 2 lần với 2 con tàu khác nhau. “Lần thứ nhất là vào 4-2005, tàu QNg 6426 cùng 9 lao động của tôi bị bắt, họ phạt đúng 70 ngàn NDT. Lần thứ hai vào tháng 7-2005, tàu mới đóng là QNg 6437 bị bắt cùng 11 người. Lần đó, họ phạt tới 100 ngàn NDT và giữ người. Thêm mấy lần nữa cùng đợt vừa rồi, nói thật với anh là tui gần như sạt nghiệp. Nhưng vẫn phải cố vay mượn để bám biển thôi. Nếu ở nhà thì è lưng trả nợ, có lẽ cả đời cũng không trả nổi” - anh Lưu bức xúc.
Ngư dân đang neo thuyền ở âu thuyền Thọ Quang khi được hỏi đều cho chúng tôi hay rằng, dù nghề biển có khó khăn, gian nan vì ngư trường thu hẹp, sản lượng giảm nhiều chuyến làm không đủ chi phí nhưng họ vẫn tiếp tục căng buồm ra khơi để đánh bắt và bảo vệ vùng biển chủ quyền. “Dù khó khăn thế nào chúng tôi vẫn quyết ra khơi trong đợt tới, vì đây là vùng biển truyền thống không thể tranh cãi của Việt Nam” - anh Bon, một ngư dân nói.
Chưa hết nỗi ám ảnh vì bị tàu chiến Trung Quốc trấn áp vô lý tại vùng biển Hoàng Sa chủ quyền Việt Nam cách đây vừa tròn một năm, nhưng anh Phạm Lệ (Đức Phổ - Quảng Ngãi), thuyền trưởng tàu QNg 94734TS cùng các bạn tàu vẫn xác định Hoàng Sa là ngư trường đến.
“Vào dịp tháng 5 – 2009, chúng tôi đang đánh bắt ở tọa độ 17 độ 30 Bắc và 110 độ 50 Đông, cách Hoàng Sa khoảng 300 hải lý thì bị tàu Trung Quốc tấn công, lấy hết cá, đập phá máy móc trên tàu và hành hung thuyền viên để uy hiếp, khiến chuyến đó chúng tôi bị lỗ nặng. Lệnh cấm đánh bắt trên biển Đông lần này cũng là cách nhằm gây khó cho ngư dân chúng tôi nên anh em vẫn quyết ra khơi để khẳng định chủ quyền của mình”- Ngư dân Phạm Lệ (Quảng Ngãi).
Hơn 1.000 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội Ủy ban T.Ư TMTQ Việt Nam vừa gửi tới Quốc hội “Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước”. Trước kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XII, Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và UBTV Quốc hội đã tập hợp được 1.157 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội. Đặc biệt, nhân dân và cử tri nhiều nơi rất bức xúc trước việc ngư dân đánh bắt cá xa bờ trên vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền nước ta bị tàu nước ngoài bắt giữ, xử phạt và thu giữ công cụ đánh bắt đang có chiều hướng gia tăng làm ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của nhiều ngư dân. Nhiều cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục có những giải pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ, hỗ trợ ngư dân ra khơi đánh bắt cá, vừa ổn định đời sống, phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với các vùng biển đảo của Tổ quốc. |
Đón đọc bài 2: Bám biển - Đoàn kết một lòng
Ngư dân quyết bám ngư trường, nhưng phải đối phó thế nào với lệnh cấm? Đoàn kết là cách thức duy nhất để trụ vững giữa sóng gió trùng khơi.