Bán hàng đa cấp: Lại những nạn nhân dây chuyền

Bán hàng đa cấp: Lại những nạn nhân dây chuyền
TP - Cách đây vài năm, cái tên công ty TNCP Sinh Lợi bị xóa sổ  vì vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp. Ít lâu sau, vẫn tại  địa điểm cũ của công ty Sinh Lợi, tên cũ được thay vào đó tấm panô "Công ty TNHH T.N.M.U".
Bán hàng đa cấp: Lại những nạn nhân dây chuyền ảnh 1
Không ít sinh viên trở thành nạn nhân của bán hàng đa cấp - Ảnh: P.V

Tấm biển này choán gần hết mặt tiền của tòa nhà TT Thương mại tầng 3, số 116 Cầu Diễn, thôn Kiều Mai, xã Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội. Vẫn là hình thức kinh doanh theo mạng với mục tiêu nhiều người mua sản phẩm thì phần trăm hoa hồng càng cao.

Sản phẩm được chào bán chủ yếu là máy sục ozone, các loại thực phẩm chức năng, áo lót nano nâng ngực cho phụ nữ …với giá và chất lượng chỉ người sử dụng mới hiểu hết.     

Chỉ  với một tấm thẻ nhân viên và giấy chứng nhận thành viên trong hệ thống bán hàng, người ta chiêu nạp được không ít sinh viên đang có nhu cầu tìm việc làm thêm.

Thùy Dung (lớp KT2 khoa Kinh tế trường CĐKTKT Việt Hung) đã vui vẻ trao đổi số điện thoại của mình cho một anh chàng khá điển trai sau mấy câu làm quen. Ngay tối hôm đó, hàng loạt tin nhắn ngọt ngào được gửi đến: "Bé à, hôm nay đi học có gì vui không? Nghỉ sớm đi kẻo mệt nhé! Chúc bé ngủ ngon và có giấc mơ đẹp".

Vài ngày sau chuyển sang hẹn hò gặp mặt ở một quán cà phê gần trường, nói chuyện tỉ tê trên trời dưới biển rồi rủ: "Chủ nhật tuần này công ty anh có một buổi họp mặt vui lắm. Em đi cùng anh nhé. Đến đó sẽ học được rất nhiều điều thú vị và bổ ích cho cuộc sống của mình sau này em ạ…"

Cô nữ sinh gật đầu đồng ý và hồi hộp chờ ngày chủ nhật đẹp trời.

Cách khác cũng không kém phần hiệu quả, khi nhân viên Cty đến làm quen với lớp trưởng của một lớp nào đó, mời đi uống nước, tặng quà…đủ để tạo được niềm tin, rồi xin một danh sách lớp với đầy đủ họ tên, ngày sinh, quê quán, số điện thoại.

Sau đó đến lớp học, giới thiệu mình như một người bạn thân thiết của lớp trưởng đang muốn tạo cơ hội kiếm tiền cho mọi người. Tối về cũng vẫn màn nhắn tin hỏi han rồi hẹn hò.

Họ còn làm miễn phí thẻ thành viên, lập tài khoản (ảo) cho lớp trưởng để từ đó nhờ tác động đến bạn bè nhanh chóng tham gia phát triển hệ thống thành viên.

Vì đã có được số điện thoại di động, thậm chí cả số cố định ở quê, họ  không bỏ qua màn gọi điện về tận nhà, đóng vai một người bạn để tìm hiểu thêm về gia cảnh, thu nhập của phụ huynh...     

Một cách nữa là  tạo ra các cuộc gặp gỡ tình cờ. Một lần Nhung (Khoa DL -trường ĐHHN) đang chăm chú đọc những thông tin cần tuyển nhân viên trên mảnh giấy mới tinh dán trên khung nhà chờ xe buýt, bỗng dưng có một chị dịu dàng đến hỏi: "Em đang tìm việc làm thêm à? Sinh viên bây giờ năng động thật, đang đi học mà đã lo tìm việc sau này ra trường sẽ có sẵn kinh nghiệm. Chị làm ở công ty T, đang cần tuyển người gấp mà chưa tìm được".

Chẳng khó khăn gì, chị cò dẫn Nhung vào một quán trà đá vỉa hè để tiếp tục trao đổi công việc và hẹn đến cuộc họp mặt ở công ty để tìm hiểu kỹ hơn.      

Bắt chim      

Hầu như Chủ nhật nào Cty T.N.M.U cũng tổ chức mít tinh, hội thảo tại hội trường lớn của trụ sở đóng trên địa bàn Cầu Diễn. Đúng ngày hẹn, người đến dự được đón tiếp nồng nhiệt ngay từ cổng vào, người của Cty đưa khách vào bên trong khán phòng rộng khoảng hơn 200m2.

Tại đây, khoảng 1.000 người ngồi chật ních không còn một chỗ trống, gồm đủ các thành phần sinh viên, bộ đội, công nhân, nông dân, cán bộ hưu trí...  

Người thuyết trình chạy lên khán đài trong tiếng vỗ tay reo hò thái quá của đội ngũ nhân viên và bảo vệ bao vây khán phòng. Bắt đầu bằng một tràng: "Trong cuộc sống cần có rất nhiều thứ, nhưng nếu không có tiền thì sẽ không làm được gì cả. Vì vậy đến với chúng tôi tức là bạn đã tìm đến với sự thành đạt...".    

Tiếp theo là màn giới thiệu về công việc. Thông qua chiếc bảng lớn trên khán phòng, người thuyết trình nhanh chóng làm phép tính lợi nhuận từ việc kinh doanh đa cấp của Cty.

Cụ thể: Bạn A mua sản phẩm của Công ty (ít nhất 3 triệu) giới thiệu cho bạn B vào làm và phải mua một sản phẩm. Bạn A được hưởng hoa hồng là 400.000 đồng.

Khi B lại giới thiệu cho C vào làm, mua sản phẩm thì B được hưởng 400.000 đồng, còn A được hưởng 80.000 đồng.

Tiếp đó, nếu C giới thiệu cho D thì C được hưởng 400.000 đồng, B được 80.000 đồng, còn A được 20.000 đồng...

Cùng với khoản thù lao nhận được, nhân viên tham gia bán hàng của Công ty sẽ được thăng cấp từ "chuyên viên kinh doanh" lên "tổ trưởng kinh doanh", "chủ nhiệm kinh doanh", "phó phòng kinh doanh" đến "trưởng phòng kinh doanh"... rồi rubi (chức vụ cao nhất của nhân viên tham gia).

Thủ thuật mở rộng mạng lưới kinh doanh của công ty này chính là tìm cách biến mỗi người tiêu dùng thành một người bán hàng. Chính vì vậy, số lượng người tham gia (tìm cách lôi kéo người khác để gỡ lại vốn) ngày càng tăng lên theo cấp số cộng.

Ngậm bồ hòn làm ngọt

Thành Trung (CĐGTVT) sau khi tham dự buổi thuyết trình đã ra tiệm cầm đồ gần ĐHTM đặt chiếc điện thoại Nokia 6303 được 1.000.000 đồng để mua hàng đăng kí mua ngay một bếp từ và nồi cơm điện đa năng trị giá 3.500.000 đồng.

Khi mang sản phẩm đi chào bán tới người thứ 10 vẫn chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chối. Cố tìm cách gỡ lại số tiền bị mất, cậu không ngần ngại mang hàng về quê chào bán cho những người thân trong họ hàng, làng xóm.

Đến khi sử dụng, nhận thấy chất lượng không đúng như lời quảng cáo, so sánh với sản phẩm cùng loại thì được biết giá cao gấp 3 lần giá bán trên thị trường. Bực tức vị bị lừa, có người đã đến tận nhà đòi bố mẹ Trung trả lại tiền.     

Quyên (sinh viên năm I - quê Nam Định) đã mang ngay chiếc dây chuyền, lắc tay cùng điện thoại di động đi bán lấy 3.500.000 đồng mua một bộ sản phẩm gồm bộ áo nâng ngực nano + bikini và kem làm săn ngực.

Mang sản phẩm về không dám dùng mà phải tìm cách sang tay mong gỡ lại vốn để kinh doanh tiếp. Bạn bè đều là sinh viên, không ai có tiền mua những thứ xa xỉ đó, lại không thể mang đi tiếp thị cho người có điều kiện sử dụng.

Quyên đã nhanh chóng đi thuyết phục nhóm bạn thân cùng lớp tham gia mạng lưới bán hàng và cũng dụ được 3 người mua sản phẩm…           

Cứ như vậy, có những sinh viên đến lớp chỉ  nhăm nhăm mục đích gặp gỡ, thuyết phục bạn bè tham gia hoạt động này.

Bên cạnh đó còn có một loại "luật im lặng". Nguyễn Mạnh H. (lớp DL1 - trường CĐKTVH) khi nhận định được sự mờ ám của loại hình kinh doanh này đã về cảnh báo với các bạn cùng lớp, ngay chiều hôm đó có ba thanh niên mặt mũi dữ dằn đến cổng trường đe dọa: "Mày còn muốn học ở đây thì câm miệng. Nếu không đừng trách bọn tao…"

H. là sinh viên tỉnh xa về Hà Nội học, không có người thân thích ở gần nên cũng rất sợ xảy ra xô xát, đành im lặng nhìn bạn bè mình lao theo cơn lốc hàng đa cấp.

Sau khi nắm được thông tin từ sinh viên, trường Cao đẳng kỹ thuật Việt Hung (cơ sở Thạch Thất) đã phải ra một thông báo dán trên bản tin nhà trường. Nhưng dường như biện pháp này cũng chỉ ngăn chặn được một phần nhỏ, bởi khi ban giám hiệu nhà trường biết thì số sinh viên trở thành nạn nhân đã lên đến vài trăm người.

Theo Nghị  định 110/CP ngày 24/8/2005, doanh nghiệp bán hàng đa cấp không được yêu cầu người muốn tham gia đặt cọc tiền, không được yêu cầu người muốn tham gia phải mua một số lượng hàng hóa ban đầu để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp…
MỚI - NÓNG