>> Phân làn giao thông đại quy mô: Chỉ là giải pháp tình thế
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Xuân Cậy |
Ông Cậy cho biết: Hiệu quả đến đâu thì chúng ta cũng phần nào có thể tự nhận xét thông qua các dự án thí điểm phân làn ở trục đường Kim Mã năm 2005 và trên tuyến Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân hiện nay. Với tư cách của người thường xuyên nghiên cứu việc tổ chức giao thông, tôi thấy khả năng thành công của phương án phân làn đại trà sắp tới rất thấp.
Thưa ông, cơ sở nào ông lại cho rằng việc phân làn trên quy mô rộng sắp tới sẽ khó thành công?
Việc phân làn hay bất cứ phương án tổ chức giao thông nào khi tiến hành thực hiện đều cần có dữ liệu khoa học để tính toán. Không phải chúng ta cứ đổ lỗi việc thất bại thí điểm phân làn vừa qua là do ý thức người dân tham gia giao thông thấp mà căn nguyên là do hạ tầng kém.
Đơn giản đường phân làn quá chật, giao thông hỗn hợp nhiều phương tiện trong khi lượng xe máy chiếm tỷ lệ lớn. Các tuyến đường định phân làn đều trong tình trạng quá tải. Vì thế, việc phân làn trên quy mô rộng của Hà Nội khả năng thành công thấp bởi lẽ, khoảng cách giữa các nút giao trên tuyến quá gần nhau, quá ngắn.
Do đó khi phân làn sẽ làm tăng xung đột giữa các phương tiện ở các nút giao cắt. Chẳng hạn, nút giao quá ngắn khi ôtô rẽ làn đường sẽ cản, chặn dòng phương tiện khác, lúc đấy người ta không muốn vi phạm cũng phải vi phạm.
Có khi không phân làn thì khả năng thông đường còn cao hơn vì các dòng phương tiện hỗn hợp có thể kết hợp với nhau, điều chuyển cho nhau trên một trục đường. Một điểm nữa tôi cho rằng, việc phân làn đại trà không thành công vì đường Hà Nội có mật độ xe buýt cao.
Chẳng hạn, việc phân làn tuyến Kim Mã thất bại, đơn giản vì ở đây tần suất xe buýt ra, vào trạm dừng nhiều, ảnh hưởng nghiêm trọng tới dòng xe máy và chiếm hết làn đường phương tiện khác nên dẫn đến lộn xộn, ùn tắc.
Nhưng thưa ông, mục đích của việc phân làn đại trà là để lưu thông được nhanh hơn, tránh sự xung đột giữa các dòng phương tiện, giảm ùn ứ trên các tuyến, đặc biệt trên các tuyến xuyên tâm, vành đai?
Tôi nghĩ rằng, chi hàng tỷ đồng để tổ chức lại giao thông mà sau một thời gian giảm được ùn tắc thì quá rẻ. Mục tiêu khi ấy là giảm ùn tắc tại nút. Nay ùn tắc đã giảm chưa?! Nhưng không phải tuyến nào cũng có thể bịt ngã tư mà còn phụ thuộc vào mặt cắt của tuyến đường, lưu lượng và đối tượng tham gia giao thông. Nếu tổ chức không hợp lý sẽ gây ùn tắc giao thông còn không sẽ ngược lại, việc phân làn cũng vậy.
Trường hợp phân làn trên tuyến quốc lộ, đường vành đai về lý thuyết cần thiết, nhưng thực tế lại khác. Thực tế các tuyến đường này của Hà Nội đều quá tải. Có nhiều điểm xung đột, giao cắt.
Cá nhân ông có khuyến cáo hay lời khuyên nào đối với việc tổ chức phân làn của Hà Nội trong thời gian tới?
Tôi cho rằng, những kinh nghiệm đặc thù của Hà Nội, khi tiến hành thực hiện chúng ta cần có dữ liệu khoa học như: các chỉ số về mật độ nút giao, lưu lượng phương tiện, mặt cắt cho phép…, để việc triển khai có hiệu quả hơn.
Xin cảm ơn ông.
Nguyễn Tú (thực hiện)