Thị trấn Lâm Thao, Phú Thọ:

Nóng bỏng 23 lô đất ngoại giao

Nóng bỏng 23 lô đất ngoại giao
TP - Nhiều năm nay, dân thị trấn Lâm Thao (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) bất bình về việc hàng chục suất đất nằm trong dự án đất giãn dân lại bị chính quyền địa phương giữ lại để làm đất ngoại giao.

Hàng chục suất đất ngoại giao ấy, ở những vị trí đắc địa, được ưu ái dành cho những cán bộ đang công tác tại UBND huyện.

Nóng bỏng 23 lô đất ngoại giao ảnh 1
Toàn cảnh khu vực 23 suất đất ngoại giao ở thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao, Phú Thọ

Điều đáng nói là hầu hết cán bộ đều thuộc hàng chức sắc và không ít trong số họ sau khi nhận đất đã nhanh chóng chuyển nhượng cho người khác để hưởng chênh lệch. Không ít người làm đơn khiếu nại lên các cấp có thẩm quyền, kể cả vượt cấp đến tận các bộ, ngành trung ương nhưng tất cả vẫn chìm vào im lặng.

Lần theo dòng địa chỉ ghi trong lá đơn gửi báo chí, chúng tôi đến nhà ông Trần Quang Khải - Trưởng khu Lâm Lý. Người đàn ông trạc 60 nhưng còn vượng sức, biết chúng tôi đến để tìm hiểu về nội dung đơn thư bà con khiếu nại, mừng ra mặt.

Cả chủ lẫn khách chưa kịp nói chuyện xã giao thì phía ngoài cổng đã có bốn năm người đội mưa gọi oang oang “Bác Khải ơi mở cổng cho chúng tôi với”.

Chưa kịp hỏi là khách nào thì chủ nhà nói luôn “Đấy, bà con trong xóm thấy các anh về, họ kéo đến đấy”.

Mọi chuyện bắt đầu từ một dự án, khoảng giữa tháng 8/2003, sau khi UBND tỉnh Phú Thọ có Quyết định số 2642 “về việc duyệt quy hoạch dự án chi tiết chia lô khu vực Đồng Lạnh- Thị trấn Lâm Thao”.

Là một dự án đất giãn dân nằm trong quy hoạch tổng thể mở rộng thị trấn Lâm Thao, việc thực hiện giao cho UBND huyện Lâm Thao và thị trấn Lâm Thao thực hiện, bắt đầu từ khi có quyết định.

Ngay sau khi có quyết định của tỉnh mấy ngày, UBND Huyện Lâm Thao tổ chức san lấp mặt bằng, thu hồi đất của 105 hộ dân với mức bồi thường 6.480.000 đồng trên một sào Bắc bộ đất loại một.

Biết rằng lúc đó lúa nông dân cấy mới đang làm đòng chưa được thu hoạch, nhiều hộ dân vì tiếc công sức lao động không đồng ý cho đổ đất lên lúa liền bị cưỡng chế. Bức xúc đấy nhưng mọi người lại bảo nhau thôi vì dự án làm là để cho dân, sau khi chia lô người ta lại cấp bán cho con em mình chứ đi đâu mà thiệt.

Năm 2005, công tác san lấp mặt bằng đã xong, UBND thị trấn Lâm Thao trình UBND huyện ra quyết định cấp 75 suất đất với tổng diện tích 7.500 m2 tại khu Đồng Lạnh cho nhân dân trong thị trấn.

Theo đó đối tượng được ưu tiên cấp đất gồm gia đình nằm trong diện phải di dời để phục vụ các dự án hạ tầng cơ sở của địa phương và các hộ có từ hai đến ba gia đình sống chung. Diện tích đất dành cho giãn dân hạn chế nhưng có đến hơn 2.000 đơn đúng thủ tục của dân gửi đến UBND thị trấn xin được cấp đất. Trước tình hình đó, UBND thị trấn Lâm Thao phải sàng lọc, lựa chọn, bình xét những hộ thực sự có nhu cầu về đất ở mới cấp.

Sau một thời gian nghiên cứu, lãnh đạo thị trấn xác định được 52 hộ dân trên tổng số 75 suất đất đã đủ tiêu chuẩn và tiến hành các thủ tục giao đất. Còn lại 23 suất nằm ở giữa trung tâm thị trấn, không biết vì lý do gì lại không tiến hành bình xét để giao nốt cho dân.

Nhiều hộ dân nằm trong diện được xét cấp đất đến hỏi thì được trả lời, toàn bộ số đất đó thị trấn đã bàn giao cho huyện nên không có quyền giải quyết. Bà con kéo nhau lên huyện thì được trả lời, những suất đất ấy là đất ngoại giao không bình xét cho ai được. Mọi người chẳng hiểu thế nào là đất ngoại giao nhưng ai cũng thắc mắc vậy thì ngoại giao cái gì, ngoại giao với ai. Thắc mắc vẫn chỉ là thắc mắc, không có lời giải đáp.

Đùng một cái mọi chuyện vỡ lẽ. Thì ra 23 suất đất giãn dân nhanh chóng được UBND huyện Lâm Thao lựa chọn phân phát cho cán bộ phòng ban, đơn vị trực thuộc huyện. Thực ra cũng chẳng có gì đáng nói nếu những suất đất trên thực sự đến tay những cán bộ đang gặp khó khăn về nhà ở. Đằng này đối tượng có đất toàn cán bộ có nhiều nhà lắm đất.

Vì thế, nhiều người có được đất liền chuyển nhượng ngay cho người khác để ăn chênh lệch. Hiện tại, theo giá thị trường, mỗi lô đất ở trung tâm thị trấn có giá gần 400 triệu đồng, trong khi mỗi hộ được cấp đất chỉ phải đóng 62 triệu đồng.

Dân kéo nhau lên tỉnh, trung ương để kiện. Cũng có đơn thư phúc đáp của trung ương nhưng phúc đáp vẫn chỉ là phúc đáp, không thay đổi được gì.

Ý kiến của những người có trách nhiệm

Nóng bỏng 23 lô đất ngoại giao ảnh 2
Ông Nguyễn Trọng Hiển - Chủ tịch UBND thị trấn Lâm Thao, nói có chỉ đạo của cấp trên

Sáng 3/6/2009, chúng tôi có buổi làm việc với UBND thị trấn Lâm Thao. Đem những thắc mắc của nhân dân trong thị trấn ra hỏi, ông Nguyễn Trọng Hiển  - Chủ tịch UBND thị trấn cho biết, việc 23 suất đất là do có sự chỉ đạo của huyện.

“Lý do việc chuyển cho huyện là bởi số lượng người đăng ký lớn, trong khi đó thị trấn không thể xác định được là cán bộ nào trong huyện có nhà đất hay chưa.

Không biết cán bộ nào thực có nhu cầu nên chúng tôi chuyển toàn bộ danh sách lên UBND huyện để các vị ấy tự lựa chọn. Sau đó lại chuyển danh sách ngược trở lại cho chúng tôi để làm thủ tục trình UBND huyện ra quyết định cấp đất”, ông Hiển phân trần.

“Thực ra lãnh đạo cấp thị trấn chúng tôi cũng có những cái khó. Hơn một lần trong quá trình xét cấp đất, chúng tôi chịu sự chỉ đạo ngoài luồng”.

Định đem những bức xúc của bà con nhân dân lên thẳng UBND huyện Lâm Thao để hỏi cho rõ ngọn ngành nhưng nhiều lần liên lạc với ông Triệu Vương Hà - Chủ tịch UBND huyện Lâm Thao, lần nào cũng nhận được trả lời là bận.

Chủ tịch huyện ủy quyền cho ông Cao Xuân Hải - Chánh Văn phòng UBND tiếp. Ông Hải luôn đưa ra điệp khúc không nắm được tình hình và cán bộ phòng ban chuyên môn đi vắng hết nên không trả lời được.

Tuy nhiên cuối cùng ông Hải cũng  nói lên quan điểm của mình: “Đấy là dân họ cứ kiện thế chứ. Chẳng nhẽ là cán bộ thì không có quyền được cấp đất để ở. Và khi được cấp rồi, không có nhu cầu nữa thì họ bán đi”.

Thấy dáng vẻ rầu rĩ của tôi, một người ở thị trấn còn an ủi: “Thôi, những suất đất ấy là của các quan. Dân làm gì có phần”.

Rời Lâm Thao, mưa đã tạnh nhưng nước vẫn đầy ắp. Xe vẫn lăn bánh và câu hỏi cứ phảng phất trong tôi rằng, cứ đà này, biết đến bao giờ thắc mắc của dân mới được tỏ tường.  

Theo danh sách do cán bộ địa chính UBND thị trấn Lâm Thao cung cấp, có đầy đủ tên của 23 cán bộ thuộc các cơ quan của huyện Lâm Thao được cấp đất.

Khi tìm hiểu, quả nhiên thấy có nhiều cán bộ đang giữ trọng trách tại một số đơn vị ban ngành trong huyện đã có nhà đất đàng hoàng vẫn được xét cấp đất và không ít người đã bán.

Chẳng hạn, ông Phạm Duy Ngôn- Phó chi cục thuế huyện, có nhà ở xã Bản Nguyện được cấp một suất và đã bán; ông Nguyễn Đình Giản - Trưởng phòng công thương, đã có nhà đất tại thị trấn Hùng Sơn; ông Lê Hữu Hòa - Phó bí thư huyện ủy đã có nhà đất tại thị trấn Hùng Sơn; ông Lê Đình Luật - Chủ tịch UBMTTQ huyện ủy, cũng đã có nhà đất tại xã Kinh Kệ; ông Chử Văn Y - Trưởng ban tổ chức huyện ủy, đã có nhà đất ở xã Tứ Xã; ông Khổng Duy Liêm - Giám đốc Ngân hàng Nông nghiêp huyện, đã có nhà đất ở quê, v.v...

Không chỉ có vậy mà trong số những cán bộ được cấp đất tại khu đất giãn dân Đồng Lạnh còn có cán bộ vì lý do được cấp đất nhiều lần và có lần bị thu hồi bớt lại.

Tiêu biểu cho trường hợp này là bà Nguyễn Thị Hương Dịu - Cán bộ Hội phụ nữ huyện, có nhà đất ở xã Tứ Xã. Năm 2007 đã bị thu hồi một lô đất ở xã Sơn Vi nhưng bây giờ lại được cấp đất. Ngoài ra trong số những cán bộ đang công tác tại các đơn vị ban ngành trong huyện cũng được cấp đất nhưng không đủ tiêu chuẩn như chưa có gia đình.

Cũng trong số 23 suất đất mà huyện Lâm Thao gọi là đất ngoại giao, không ít người có tên trong danh sách nhưng hộ khẩu lại ở tỉnh ngoài hoặc huyện khác như Thiều Thị Thanh Thủy - quê quán tận Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) hay Nguyễn Đình Doanh - ở xã Tứ Mỹ, huyện Tam Nông.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.