Công trình xây trái phép: Sau 'cắt ngọn' là hợp thức hóa

Công trình xây trái phép: Sau 'cắt ngọn' là hợp thức hóa
TP - Tưởng như việc cắt ngọn một loạt công trình sai phạm sẽ giúp Hà Nội lập lại kỷ cương xây dựng đô thị. Thế nhưng, tình trạng gia tăng nhà sai phép, không phép với nhiều công trình quy mô lớn gần đây lại có sự tiếp sức, bởi sự buông lỏng quản lý của cán bộ, chính quyền.

Nằm ngay trung tâm thủ đô, tòa nhà đồ sộ cao bảy tầng ở mặt phố Cầu Đất (phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm), lại ngang nhiên xây dựng mà không hề có giấy phép. Từ khi công trình bị phát hiện cho đến nay đã có nhiều biên bản kiểm tra được lập. Thế nhưng, càng phạt, công trình không phép này lại càng mọc cao.

Theo lý giải của chính quyền sở tại, do “cả phường xây không phép, nên công trình lớn này cũng không phép dù đã có nhiều biên bản xử lý”.

Còn nhớ, khi Hà Nội rầm rộ với đại công trường phá nhà sai phép, quận Đống Đa là quận tiên phong với việc cắt ngọn công trình 17 tầng số 9 Đào Duy Anh và xử lý một số cán bộ liên quan. Thế nhưng, hiện nay nếu để kể tên, điểm danh các công trình xây dựng vi phạm trên địa bàn thì có hàng loạt.

Chỉ riêng phường Ô Chợ Dừa, cũng đã ôm những công trình xây dựng vi phạm quy mô lớn như, công trình số 59 phố Võ Văn Dũng (giấy phép cấp xây sáu tầng, nhưng công trình được xây thành chín tầng); hay như công trình 170 phố Hào Nam (khởi công tháng 6/2008 không có giấy phép, sau đấy được quận cấp phép năm tầng, nhưng khi có phép lại chồng thêm hai tầng nữa).

Ngay cả các tuyến phố mới Kim Liên - Ô Chợ Dừa; Hào Nam..., được quy hoạch nhưng tình trạng xây dựng hai bên đường lại không theo một quy định nào. Ở đây, với đủ loại vi phạm theo kiểu đất hẹp được phép xây nhà thấp, đất rộng được xây nhà cao nên nhà cửa ở đây lô nhô, mất mỹ quan.

Dường như, có một điểm chung trong cách xử lý các công trình sai phạm về xây dựng. Đầu tiên, chính quyền phường phát hiện, lập biên bản xử phạt, thậm chí đình chỉ thi công nhưng sau đó hướng dẫn cấp phép bổ sung rồi để công trình tiếp tục vượt phép.

Chủ công trình số 46 ngõ 29 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân), được quận cấp giấy phép xây dựng ngôi nhà bốn tầng, một tum, nhưng lại xây vượt thành tám tầng và gây lún, nứt cho các công trình xung quanh. Hiện, công trình bị đình chỉ thi công.

Điều đáng nói, trong biên bản thanh tra xây dựng phường lập tháng 1/2009, công trình xây vượt đến ba tầng, nhưng thay vì bị cưỡng chế hạ độ cao thì ngày 11/5, quận Thanh Xuân lại cấp giấy phép xây dựng bổ sung từ bốn tầng thành sáu tầng.

Công trình xây trái phép: Sau 'cắt ngọn' là hợp thức hóa ảnh 1
Tòa nhà cao bảy tầng không giấy phép tại 22 phố Cầu Đất (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: PV

Tiêu cực hay cán bộ yếu kém?

Chánh Thanh tra Sở Xây dựng, ông Lê Quang Phú cho rằng, nguyên nhân nhiều vụ xây dựng sai phép không được cơ sở xử lý dứt điểm ngay khi mới phát sinh, để kéo dài là do xử lý không quyết liệt, do tác động của các mối quan hệ khác nhau.

“Để xảy ra công trình sai phạm, trách nhiệm trước hết là chính quyền phường, xã. Nhiều vụ việc vi phạm rõ ràng nhưng họ vẫn không xử lý kiên quyết là do bị các mối quan hệ ràng buộc, chi phối. Họ biện minh cho sai phạm là do lực lượng thanh tra xây dựng mỏng, yếu kém là không đúng, bởi Hà Nội đã tăng cường rất nhiều lực lượng thanh tra, còn các văn bản thì đủ mạnh để xử lý” - Ông Phú nói.

Trong cuộc họp bàn về quản lý trật tự đô thị mới đây, ông Trần Việt Trung, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa cũng cho rằng, các công trình vi phạm đã xuất hiện thì các lực lượng cấp phường mới báo cáo. Do vậy, phải xử lý nghiêm các cán bộ cơ sở để xảy ra vi phạm.

UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 24 (ngày 18/8), về một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị sáu tháng cuối năm 2009 và những năm tiếp theo.

Cụ thể, UBND TP Hà Nội chỉ rõ: “Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm phát hiện kịp thời và ra quyết định đình chỉ thi công đối với các công trình xây dựng trái phép, sai phép, không phép; ra quyết định cưỡng chế phá dỡ đối với các trường hợp vi phạm (trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp huyện); tổ chức thực hiện các quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình”.

Trường hợp Chủ tịch UBND cấp xã không kịp thời ban hành quyết định đình chỉ thi công thì Chánh thanh tra xây dựng cấp huyện phải kịp thời ra quyết định này và báo cáo UBND cấp huyện xử lý trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp xã.  

* Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội, Phí Thái Bình yêu cầu các quận, huyện phân rõ trách nhiệm quản lý xuống tận phường, xã. Kiên quyết xử lý kỷ luật cán bộ công chức gây phiền hà, nhũng nhiễu hoặc buông lỏng, né tránh trách nhiệm trong quản lý trật tự xây dựng.

* Sáu tháng đầu năm cấp được 6.213 giấy phép xây dựng với tổng diện tích sàn khoảng 1.598.000m2. Thanh tra xây dựng các cấp kiểm tra 5.387 công trình xây dựng, trong đó lập biên bản vi phạm 1.965 công trình; đình chỉ xây dựng 1.050 công trình; cưỡng chế 638 trường hợp xây không phép, sai phép.

MỚI - NÓNG
Nhạc, phim mùa giáng sinh: 'Món' cũ vẫn đắt hàng
Nhạc, phim mùa giáng sinh: 'Món' cũ vẫn đắt hàng
TP - Mùa giáng sinh rộn ràng khắp phố phường với những cây thông được trang hoàng rực rỡ, tuy nhìn vào “thực đơn” món ăn tinh thần vẫn loanh quanh những sản phẩm nhuốm màu năm tháng. Từ phim ảnh đến âm nhạc đều mang màu sắc hoài niệm.