Đô thị thiếu trường học: Vì lợi nhuận, thiếu trách nhiệm

Đô thị thiếu trường học: Vì lợi nhuận, thiếu trách nhiệm
TP - Theo Phó GĐ Sở Quy hoạch-Kiến trúc thành phố HN Vũ Tuấn Định, đa số các nhà đầu tư khu đô thị mới thường chỉ tập trung xây nhà bán kiếm lời mà không quan tâm đến trách nhiệm với cộng đồng, với người dân tại các khu đô thị.
Đô thị thiếu trường học: Vì lợi nhuận, thiếu trách nhiệm ảnh 1
Đất bỏ hoang nhưng trẻ em không trường học  - Ảnh chụp tại khu đô thị mới Pháp Vân – Tứ Hiệp (Hà Nội)

Ông Vũ Tuấn Định nói: Pháp luật quy định rõ khi xây dựng các khu dân cư mới, các khu đô thị mới yêu cầu bắt buộc là phải dành tỷ lệ đất phù hợp xây dựng trường học. Bộ Xây dựng đã ban hành quy chuẩn cụ thể buộc phải thực hiện.

Hà Nội cũng có quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết cho các quận huyện, trong đó dành đất cho phát triển giáo dục. Tuy nhiên, tại nhiều khu đô thị mới đang thiếu trầm trọng hệ thống trường học, nhiều học sinh phải học trái tuyến gây hệ lụy tiêu cực.

Nguyên nhân đầu tiên là do sự tăng dân số cơ học, nhất là sau khi Hà Nội mở rộng. Nhiều dự án phát triển nhà ở cao tầng tập trung trong các quận nội thành.

Dự báo tăng dân số trong các quy hoạch trước đây của Hà Nội không tính hết đến sức phát triển và gia tăng thực tế, ví dụ như chưa đề cập đến việc mở rộng địa giới hành chính thủ đô, dẫn đến nhiều quy hoạch bị lạc hậu, diện tích trường học trong nội thành không mở rộng được do quá chật hẹp.

Quy định và quy hoạch đã có, vậy tại sao vẫn thiếu trầm trọng trường học, thưa ông?

Đô thị thiếu trường học: Vì lợi nhuận, thiếu trách nhiệm ảnh 2
Ông Vũ Tuấn Định

Tôi cho rằng các nhà đầu tư không quan tâm việc xây dựng trường học trong khu đô thị. Đây là tình trạng phổ biến tại các khu đô thị.Tôi đã đi thăm nhiều khu đô thị ở nước ngoài và thấy họ đều xây dựng hạ tầng kỹ thuật trước khi xây nhà để bán, khi người dân đến sống tại các khu đô thị mới thì đã có hạ tầng sẵn sàng.

Theo ông, trong giá bán nhà chủ đầu tư có tính cả tiền đầu tư hạ tầng vào không?

Khi hình thành giá kinh doanh bất động sản, giá bán nhà đương nhiên đã bao gồm cả kinh phí đầu tư hạ tầng, trường học. Hơn thế, nhiều nhà đầu tư đã thu hai lần tiền đầu tư hạ tầng vì họ vừa tính vào giá bán nhà, vừa thu của nhà đầu tư thứ phát vào dự án trường học.

Người dân mua nhà không phải chỉ mua một chỗ để ngủ mà phải bao gồm cả các hạng mục hạ tầng thiết yếu. Một số nhà đầu tư lầm tưởng rằng, sau khi đầu tư một số hạng mục hạ tầng là chỉ tập trung xây nhà bán kiếm lời nhưng tôi cho rằng đó là kiểu làm ăn chụp giật.

Đáng ra, sau khi đầu tư hạ tầng, nhà đầu tư nên chuyển phần đất dành cho giáo dục cho chính quyền địa phương quản lý.

Thông thường tại Việt Nam, nhà đầu tư đô thị không có kinh nghiệm và năng lực đầu tư phát triển giáo dục, trường học nên họ thường chờ nhà đầu tư thứ cấp đến đầu tư riêng về trường học. Do vậy nhiều vấn đề phát sinh như năng lực nhà đầu tư thứ cấp, giá chuyển giao hạ tầng...

Trường hợp chủ đầu tư cố tình không thực hiện trách nhiệm của mình sẽ phải xử lý ra sao. Đây là vấn đề thực sự cần giải quyết. Năng lực nhà đầu tư yếu cũng là một nguyên nhân. Rất hiếm nhà đầu tư đạt yêu cầu về năng lực tài chính, trách nhiệm cộng đồng.

Có nhà đầu tư cho rằng họ không có trách nhiệm xây dựng trường?

Suy nghĩ như vậy là không đúng. Đô thị phải bao gồm hệ thống dịch vụ đô thị. Tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Nam Thăng Long họ đều đầu tư trường học để quản lý việc xây dựng theo quy hoạch. Nếu cho nhà đầu tư khác vào thì việc quản lý sau đầu tư sẽ khó khăn hơn.

Ở đây rõ ràng là có trách nhiệm của ngành giáo dục. Do tốc độ đô thị hoá nhanh nên ngành giáo dục đào tạo của Hà Nội bộc lộ nhiều hạn chế, nhiều khoảng cách nên chưa thể hiện được sự chi phối, điều tiết trong phát triển trường học tại các khu đô thị mới.

Đối với quỹ đất trong khu đô thị thì nên giao cho ngành giáo dục hoặc chính quyền địa phương quản lý để điều tiết, khai thác hiệu quả. Nhà đầu tư cần nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình, phải đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Công tác quản lý nhà nước cần phải chặt chẽ hơn, tăng cường giám sát cộng đồng.

Phó mặc cho xã hội hóa và các nhà đầu tư xây dựng trường học, liệu có đảm bảo các chính sách về an sinh xã hội không, thưa ông?

Xã hội hóa giáo dục là cần thiết. Tuy nhiên, khi nhà đầu tư nước ngoài, liên doanh nước ngoài đầu tư xây trường thì suất đầu tư, chi phí quản lý sẽ cao hơn nhiều so với trường công lập và do đó học phí sẽ rất cao.

Trong khi đó, số lượng con em các gia đình khá giả chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ dẫn đến mục tiêu xây dựng trường phục vụ cho đa số người dân tại chính khu đô thị không đạt được, yếu tố an sinh xã hội không đạt được. Con em nhà nghèo, thu nhập thấp thì học ở đâu? Những nhu cầu trường học và dịch vụ giáo dục cao cấp nên dành ra những khu vực riêng, tỷ lệ riêng.

Cảm ơn ông.

Minh Tuấn
(thực hiện)

MỚI - NÓNG