Công trường Thủy điện bản Vẽ

Nghệ An : Lở núi, 18 người tử nạn

Nghệ An : Lở núi, 18 người tử nạn
TP - Hàng triệu m3 đất đá trên sườn núi bất ngờ sụp đổ, chôn vùi 17 công nhân và 1 kỹ sư đang lao động tại công trường Thủy điện Bản Vẽ. Cho đến cuối giờ chiều hôm qua (15/12), vẫn chưa tìm thấy thi thể nạn nhân nào.
Nghệ An : Lở núi, 18 người tử nạn ảnh 1
Hiện trường vụ lở núi. Ảnh : TP

Vào hồi 10 giờ 25 phút ngày 15/12/2007, tại mỏ đá D3 thuộc khu vực công trường xây dựng Thủy điện Bản Vẽ (xã Yên Na, huyện Tương Dương, Nghệ An), hàng triệu mét khối đất đá bất ngờ đổ sập xuống hai tổ thợ khai thác đá.

17 công nhân và 1 kỹ sư bị vùi lấp cùng với hệ thống máy móc. Được biết, vào lúc cao điểm công trường Thủy điện Bản Vẽ có hơn 3.000 công nhân.

Khoảng 30 phút sau khi xảy ra vụ tai nạn thảm khốc, PV báo Tiền phong đã có mặt tại hiện trường. Dọc sườn núi, hàng nghìn mét khối đất đá vẫn tiếp tục sạt lở từ độ cao hàng trăm mét, trùm lên núi đất đá ngổn ngang- nơi chôn vùi 18 nạn nhân.

Ông Phạm Trọng Hảo (51 tuổi), quê Nam Định là người duy nhất có mặt tại hiện trường kể lại trong nước mắt:  “Khi tôi đang ngồi trên ô tô chuẩn bị đi vào bốc đá ở mỏ thì nghe tiếng lở ầm ầm.

Danh sách 18 nạn nhân:

Cty Sông Đà 2:

- Nguyễn Quý Trưởng (1980, Hải Dương)

- Võ Xuân Nhượng (1979, Thanh Hoá)

- Phạm Văn Thích (1981, Thanh Hoá)

- Nguyễn Văn Trực (1977, Thanh Hoá)

- Trịnh Bá Kỷ (1957, Hà Tây)

- Dương Cao Sơn (1967, Hoà Bình)

- Nguyễn Văn Vạn (1966, Hà Tây)

- Lê Công Tú (1986, Hà Nam)

- Võ Văn Trang (1986, Nghệ An)

Cty Sông Đà 5:

- Võ Văn Hải (1978, Nghệ An)

- Lê Văn Hoàng (1963, Thanh Hoá)

- Hoàng Anh Vũ (1978, Phú Thọ)

- Nguyễn Đức Khôi (1975, Hải Dương)

- Bùi Văn Kiên (1977, Hoà Bình)

- Vũ Văn Mười (1977, Nam Định)

- Phạm Văn Thành (1967, Hà Tây)

- Lương Văn Tân, Hòa Bình

Ban quản lý dự án Thủy điện 2:

- Nguyễn Thế Sơn (SN 1966, Nghệ An)

Ngước mắt nhìn lên núi thì thấy anh em công nhân đang đổ xô chạy tán loạn, la hét kêu cứu thảm thiết, nhưng chỉ trong tích tắc đất đá sụt lở kéo theo bao cây cối lớn đã chôn vùi hai tổ công nhân”. 

Ông Hảo chỉ nhớ được một số tên người bị tử nạn: anh Trực SN 1977, quê Thanh Hóa, anh Sơn (quê Diễn Châu, Nghệ An, người của Ban Quản lý Thủy điện 2), anh Tú, anh Trang, anh Chương và cặp lái máy xúc gồm anh Nhiệm và anh Chương...tất cả 18 người. Bên cạnh đó còn có 3 máy xúc, 2 ôtô, 5 máy khoan, 1 máy ép cũng bị vùi lấp.

Ông Nguyễn Trọng Đức- Giám đốc Xí Nghiệp 208 (đơn vị nhận nhiệm vụ khai thác và vận chuyển đá phục vụ xây dựng công trrình Thủy điện bản Vẽ) cho biết: “Số công nhân bị chết trong vụ tai nạn có quê ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá và Nam Định, trong đó 9 người thuộc Cty xây dựng Sông Đà 2, tám người của Cty Sông Đà 5 và 1 kỹ sư thuộc Ban quản lý Thủy điện 2.

Sau khi xảy ra vụ lở núi, một tốp thợ gần 20 công nhân khác khai thác đá phía  trên đồi D3 đã bị mắc kẹt không ra được vì núi lở vùi lấp cả tuyến đường ra vào. Sau nhiều nỗ lực, tốp thợ này mới thoát ra được.

Ông Đoàn Văn Mạnh- Phó Tổng Giám đốc Cty Sông Đà 2 kể: “Khi chúng tôi đang triển khai cuộc họp cơ quan thì nhận được tin báo lở núi, khi anh em chạy đến nơi thì chỉ còn cảnh im lặng rợn người, 18 nạn nhân đã ra đi. Núi lở khủng khiếp đến mức khuôn viên nơi khai thác mỏ có mặt bằng rộng 1000m2 đất đá lấp gần hết”.

Dự kiến vào tối cùng ngày, lực lượng công binh Quân khu 4 sẽ được huy động để phá dỡ đất đá, tìm kiếm thi thể các nạn nhân.

Chiều cùng ngày, đồng chí Nguyễn Thế Trung - UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phan Đình Trạc- Chủ tịch UBND tỉnh và đ/c Hồ Đức Phớc- Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An rời Vinh lên Yên Na- Tương Dương chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả.

Trao đổi với Tiền phong vào lúc 18 giờ hôm qua, Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An Hồ Đức Phớc cho biết hiện công tác cứu hộ cứu nạn đang gặp nhiều khó khăn vì đất đá trên núi vẫn tiếp tục bị sạt lở.

“Phải mất nhiều ngày mới giải phóng được hàng triệu m3 đất đá. Chúng tôi đang huy động lực lượng công binh kết hợp với hàng trăm công nhân tại công trường cùng hệ thống máy xúc, máy đào  vào cuộc. Trước mắt, tập trung cho việc tìm kiếm các nạn nhân!”.

Bí thư Huyện ủy Tương Dương Lữ Kim Duyên nhận định: “Vụ tai nạn lao động thương tâm này có lẽ là do chủ quan trong quá trình khai thác đá, vì độ dốc của núi cao, chân núi bị đào sâu nên núi bị lở”.   

MỚI - NÓNG