1. Ca ngợi hay chê bai (như tâm thế bất phục của HLV ĐT Bỉ Marc Wilmost), thì kết quả cuối cùng cũng vẫn là như thế. Azzurri đã vượt qua quan ải đầu tiên và khó khăn nhất tại vòng bảng, bằng đúng thứ vũ khí đáng sợ nhất của họ: Kỹ năng bóp nghẹt sinh khí trong mỗi lần lên bóng của đối thủ.
Đó hoàn toàn không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Không bao giờ có thể kiểm soát đến tận cùng những rủi ro trước một đối phương giàu tiềm năng cá nhân đến vậy, cho dù tập trung đến mức độ nào.
Gigi Buffon đã có những lần phải “trổ hết thần oai”, và cũng đã có những khoảnh khắc chôn chân nhìn bóng lăn chệch khung thành. Cho dù, trước mặt anh, vẫn là bộ tam vệ khét tiếng của Juventus. Và cho dù, Italia đã phải tốn tới 4 thẻ vàng cùng 1 quyền thay người (De Sciglio thay Darmian) hòng duy trì được sự toàn vẹn của phòng tuyến.
Thế nhưng, điều quan trọng là Giaccherini và Pelle đã nối nhau lập công. Hơn thế, Courtois còn phải làm việc vất vả gấp bội so với Gigi Buffon.
2. Điểm cốt lõi của trận đánh, có lẽ, không phải là Bonucci đã phóng đi một đường chuyền vượt tuyến hoàn hảo đến mức nào. Cũng không phải là chuyện Eden Hazard đã mất hút trong cả hiệp một ra sao. Những hình ảnh giàu ấn tượng nhất, phải chăng, là ánh mắt hoang mang của Lukaku, và sau đó là Origi, với những cơ hội trôi qua mũi giày?
Hình ảnh giàu ấn tượng nhất, phải chăng, là ánh mắt hoang mang của Lukaku, và sau đó là Origi, với những cơ hội trôi qua mũi giày?
Trong một trận đấu khác, trước một đối thủ khác, ở một bối cảnh khác, có lẽ những cơ hội như thế sẽ có nhiều khả năng trở thành bàn thắng hơn. Song, lần này, chúng đã bị phung phí, bởi điều tiên quyết là tâm lý nôn nóng của “bầy quỷ đỏ”.
Tự tin vào sức mạnh áp chế, ĐT Bỉ đã sa lầy trong cảm giác bất lực, khi bị chặn đứng bởi một khối người đông nghịt nơi trung lộ. Bù lại, Italia chẳng tạo nên được đường nét gì đáng chú ý, ngoài những lần nhận bóng ở biên vô cùng thoải mái của các cầu thủ chạy cánh. Để tạt, để phối hợp, để đi bóng vào phía trong, để sút xa…Dù thế nào, Courtois vẫn ở vào thế bị uy hiếp. Mà những lỗ hổng này lại không được điều chỉnh kịp thời, bằng cách này hay cách khác, trong phần lớn thời gian trận đánh.
3. Chỉ cần thế thôi, cảm giác bất an đã đủ điều kiện để tồn tại âm ỉ, và ngáng trở nguồn hưng phấn – điều kiện phải có để thăng hoa.
Chỉ cần thế thôi, Azzurri đã có cơ sở để tự tin, rằng Bỉ quyết không phải là đối thủ ngang tầm với sự lọc lõi của họ, trong một cuộc chiến cân não.
Chỉ cần thế thôi, hai màn “biến chiêu” đơn giản đủ tạo nên một tỷ số thuyết phục. Những kẻ địch vốn được đánh giá mạnh hơn đã liên tục phạm sai lầm, khi cảm thấy rõ ràng là mình dễ bị tổn thương hơn.
Đó còn hơn cả là 1 chiến thuật. Đó là một triết lý vĩnh cửu. Khi tư tưởng “công tâm vi thượng” ấy vẫn còn được sử dụng, thì cho dù không còn Nesta, Cannavaro hay Pirlo, Azzurri vẫn ngời lên màu xanh.