'Tất tần tật' về AFF Suzuki Cup 2012
> Sao bóng đá Việt: Từ tiền tỷ tới ...nợ lương
> Tuyển Việt Nam làm 'nóng' Bangkok
> Đi cả ngàn cây số để...báo cáo lãnh đạo
Đến hẹn lại lên, người hâm mộ ở Đông Nam Á lại sắp được trải qua gần 1 tháng sống cùng không khí sôi động với trái bóng ở AFF Cup 2012. Lịch sử 16 năm của giải đấu cũng đã để lại nhiều dấu ấn khó phai trong tâm trí các CĐV.
Giải đấu của các nước ASEAN vẫn rất hấp dẫn với các khán giả ở khu vực. |
Tính đến nay, AFF Cup (tên gọi này bắt đầu từ năm 2008 đến nay), hay tiền thân của nó là Tiger Cup (từ năm 1996 - 2004) và giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (năm 2007) đã trải qua 8 kì tổ chức. Năm 2007 là lần duy nhất giải đấu diễn ra vào năm lẻ và có tên gọi không gắn với nhà tài trợ.
Trong số các nước từng tham dự, đã có 4 đội tuyển được tận hưởng cảm giác leo lên ngôi cao nhất của khu vực là Thái Lan, Singapore, Malaysia và Việt Nam. Đội tuyển của xứ Chùa vàng Thái Lan cùng đảo quốc Sư tử Singapore là hai nước nhiều lần vô địch giải đấu nhất (3 lần).
Nếu như ở 6 lần tổ chức đầu tiên của giải vô địch các nước ASEAN, hai ĐTQG này là kẻ thống trị tuyệt đối (Thái Lan vô địch các năm 1996, 2000 và 2002 còn với Singapore là 1998, 2004 và 2007) thì ở 2 giải đấu gần đây lại chứng kiến sự lên ngôi của các gương mặt mới là Việt Nam (năm 2008) và Malaysia (năm 2010).
Xuyên suốt lịch sử của giải đấu, tiền đạo Noh Alam Shah chính là cầu thủ “dội bom” đáng sợ nhất với tổng cộng 17 bàn thắng. Năm 2007, chân sút của Singapore ghi đến 10 bàn và đặc biệt là trong chiến thắng với tỉ số của một ván…bóng bàn (11-0) trước đội tuyển Lào, cá nhân Noh Alam Shah góp đến 7 bàn.
Dù so với các khu vực hoặc rộng ra là trên tầm các châu lục, giải đấu của các ĐTQG ASEAN không thể có chất lượng chuyên môn cao bằng nhưng một yếu tố hấp dẫn khán giả lại đến từ số lượng bàn thắng.
Qua 8 lần tổ chức, đã có tổng cộng 578 lần các thủ thành phải vào lưới nhặt bóng (chỉ tính riêng tại vòng chung kết) và rõ ràng, đó là một con số ấn tượng đối với người xem bởi bàn thắng vẫn luôn là điều mang lại niềm vui cho họ. Riêng ở Tiger Cup 2004, số lần các khán giả được ăn mừng lên đến con số kỉ lục 113!
Singapore cùng Thái Lan đang là hai kỉ lục gia của giải đấu. Trong ảnh là giây phút đăng quang của Singapore vào năm 2007. |
Quay ngược lại những bánh xe của lịch sử, ở kì Tiger Cup đầu tiên được tổ chức trên đất Singapore vào năm 1996 với tham dự của 10 đội tuyển Thái Lan với đội hình qui tụ nhiều tài năng lớn của khu vực đã đăng quang một cách xứng đáng. Ngày đó, người Thái sở hữu các chân sút lợi hại, nhất là “vua phá lưới” Netipong Srithong-in (7 bàn).
Kì Tiger Cup tiếp theo được diễn ra trên chính đất nước Việt Nam của chúng ta, đây là lần đầu tiên giải đấu tiến hành tổ chức vòng sơ loại. Việt Nam đã thi đấu rất hay trên sân nhà với điểm nhấn là thắng lợi tưng bừng 3-0 trước Thái Lan ở bán kết.
Tuy nhiên, trong trận chung kết với Singapore, một kí ức buồn đã ập đến với người hâm mộ nước nhà khi đội tuyển của chúng ta thất thủ 0-1 vì bàn thắng của Sasi Kuma. Singapore cũng là đội tuyển duy nhất trong lịch sử từng vô địch giải đấu sau khi đã phải đá vòng sơ loại.
Hai giải đấu tiếp theo vào các năm 2000 và 2002 chứng kiến sự thống trị trở lại của thế lực số một Đông Nam Á ngày đó là Thái Lan. Kiattisak và Terdsak Chaiman là hai ngôi sao sáng nhất của xứ Chùa vàng ở hai kì Tiger Cup này.
Sau đó, đến lượt Singapore cân bằng thành tích 3 lần đăng quang khu vực của Thái Lan bằng việc lên ngôi ở giải đấu năm 2004 và 2007. Bại tướng của họ ở hai trận chung kết (đã áp dụng thể thức thi đấu hai lượt đi và về) lần lượt là Indonesia rồi đến Thái Lan.
Việt Nam từng 1 lên ngôi ở AFF Cup đó là năm 2008. |
Đó là giải đấu không thể nào quên của Việt Nam khi thầy trò Calisto xuất sắc vượt qua Singapore ở bán kết và đặc biệt là đối thủ kị giơ một thời Thái Lan sau 2 trận chung kết nghẹt thở để giành chức vô địch trong niềm sung sướng vô bờ bến của hơn 80 triệu người dân đất nước hình chữ S.
Tuy nhiên, các chàng trai của ông thầy người Bồ Đào Nha đã không thể bảo vệ thành công danh hiệu của mình 2 năm sau đó vì thất bại trước Malaysia tại bán kết. Người Mã tiếp tục chơi thăng hoa ở hai trận chung kết với Indonesia để lần đầu tiên bước lên bục cao nhất của AFF Cup 2010.
Theo Nguyễn Huy
Dân Trí